Giáo dục

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024: Chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, bảo đảm an toàn, nghiêm túc

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao sự chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các điểm thi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Quang cảnh buổi làm việc. 
Ảnh: Nguyễn Hằng – TTXVN

Chiều 11/6, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Hậu Giang về công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ phấn khởi trước kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang trong những năm qua. Bộ trưởng đề nghị thời gian tới tỉnh tiếp tục quan tâm chăm lo tốt công tác giáo dục và đào tạo; gắn giáo dục, đào tạo với nhiệm vụ phát triển kinh tế -  xã hội của địa phương.

Tỉnh tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở vật chất trường lớp; thực hiện kiên cố hóa các trường mầm non trên địa bàn; chú trọng triển khai các hoạt động trải nghiệm và trang bị kỹ năng cho học sinh; quan tâm triển khai thí điểm học bạ số. Bên cạnh đó, Hậu Giang cần tiếp tục định hướng phát triển, khuyến khích đầu tư các trường ngoài công lập trên địa bàn để tăng thêm cơ hội lựa chọn cho người học.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc. 
Ảnh: Nguyễn Hằng – TTXVN

Liên quan đến công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024, qua kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao sự chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các điểm thi trên địa bàn. Bộ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát ở tất cả các khâu, nhất là khâu in, sao đề thi. Về lâu dài, tỉnh cần quan tâm đầu tư khu vực chuyên phục vụ hoạt động khảo thí.

Tỉnh Hậu Giang thuộc Cụm thi số 64, có trên 7.280 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024. Tỉnh đã bố trí 20 điểm thi, với tổng số 320 phòng thi. Ủy ban nhân dân tỉnh đã phân công nhân sự cụ thể cho các hoạt động phục vụ công tác thi, tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy chế và nghiệp vụ tổ chức kỳ thi theo đúng quy chế và tiến độ kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 tỉnh Hậu Giang.

Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, những năm qua, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn quan tâm thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp để phát triển mạng lưới trường lớp học; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, tạo đà giúp ngành giáo dục nâng cao chất lượng dạy và học hàng năm. Từ đó, chất lượng giáo dục và đào tạo không ngừng được nâng lên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thời gian tới, Hậu Giang sẽ tập trung triển khai nhiệm vụ chiến lược phát triển bền vững giáo dục và đào tạo tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đề án xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời, trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục và đào tạo. Tỉnh tiếp tục rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và đảm bảo các tiêu chí công nhận đạt chuẩn quốc gia theo quy định; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để đáp ứng nhu cầu đổi mới, phát triển giáo dục hiện nay.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang phát biểu tại buổi làm việc. 
Ảnh: Nguyễn Hằng – TTXVN

Tỉnh Hậu Giang hiện có 314 cơ sở giáo dục và đào tạo, mạng lưới trường, lớp phát triển khá đồng bộ. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 83,07%, đứng thứ 2 khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cơ sở đào tạo nhân lực trình độ trung cấp, đào tạo nghề, trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học đáp ứng yêu cầu xã hội. Song song đó, tỉnh triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo bằng việc ban hành chiến lược phát triển bền vững giáo dục và đào tạo tỉnh Hậu Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó chú trọng đến các lợi thế của tỉnh để xây dựng hệ sinh thái giáo dục thông minh, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách thu hút, hỗ trợ 50 triệu đồng/giáo viên dạy môn Anh văn, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc ở các cơ sở giáo dục công lập (hiện nay toàn tỉnh đã thu hút được 66 giáo viên dạy các môn này).

Trước đó, Đoàn công tác đã kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông tại 2 điểm thi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là Trường Trung học Phổ thông Tầm Vu (huyện Châu Thành A) và trường Trung học Phổ thông Vị Thanh (thành phố Vị Thanh).

* Linh hoạt trong xử lý tình huống

Ngày 11/6, tại tỉnh Long An, Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra điểm thi tại trường Trung học Phổ thông Nguyễn Trung Trực Bến Lức, điểm in sao đề thi và điểm chấm thi. Đánh giá của các thành viên trong đoàn, công tác chuẩn bị cho kỳ thi của Long An tới thời điểm này tương đối tốt, cơ bản đáp ứng quy định, quy chế kỳ thi, quy chế phối hợp giữa các lực lượng, các hướng dẫn về an ninh trật tự của các bộ, ngành…

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc kiểm tra điểm thi, động viên học sinh trường Trung học Phổ thông Nguyễn Trung Trực - Bến Lức (Long An). 
Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN

Theo Giám đốc Công an tỉnh Long An Lâm Minh Hồng, Công an tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tập huấn cho 162 cán bộ, chiến sĩ công an các địa phương về quy chế kỳ thi, công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi; tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ công tác nhận đề thi, sao kê, vận chuyển bàn giao, bảo quản đề thi, nhận và bảo quản bài thi; bảo đảm an toàn khu vực sao in đề thi, chấm thi…

Bên cạnh đó, các ban, ngành liên quan đã và đang thực hiện tốt công tác chuẩn bị cho kỳ thi. Tỉnh đoàn, Hội khuyến học tỉnh có kế hoạch tiếp sức mùa thi; các địa phương chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất cho kỳ thi, chuẩn bị chỗ nghỉ cho cán bộ coi thi. Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12, thông tin kỹ đến học sinh về quy chế thi, những điểm mới trong kỳ thi; kiểm tra, bảo đảm trang thiết bị phục vụ kỳ thi, điều kiện cơ sở vật chất các điểm thi, điểm sao in đề thi…

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại buổi làm việc. 
Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, qua kiểm tra Long An đã chuẩn bị khá tốt về mọi mặt cho kỳ thi. Hằng năm, địa phương luôn được đánh giá tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, công tác tổ chức ôn thi, động viên các em học sinh đặc biệt quan trọng, làm sao cho việc tổ chức kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, nhưng cũng bảo đảm cho thí sinh có môi trường thi cử thoải mái, tâm trạng tốt để làm bài tốt nhất. Bên cạnh đó, cần linh hoạt trong xử lý các tình huống.

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024, Long An có 1 Hội đồng thi do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì. Toàn tỉnh có 36 điểm thi với 15.804 thí sinh đăng ký dự thi (nhiều hơn năm 2023 là 151 thí sinh). Trong đó, 15.289 thí sinh đang học lớp 12 và 515 thí sinh tự do.

Kỳ thi diễn ra trong hai ngày (27-28/6). Tham gia kỳ thi, thí sinh Giáo dục Trung học Phổ thông thi 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 bài thi tổ hợp (Khoa học tự nhiên: Vật lý, Hóa học, Sinh học hoặc Khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Riêng thí sinh Giáo dục thường xuyên thi 2 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn) và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh lựa chọn. Ngoài ra, thí sinh Giáo dục thường xuyên có thể đăng ký dự thi thêm bài Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển cao đẳng, đại học./.

Nguyễn Hằng - Đức Hạnh

Tin liên quan

Xem thêm