Thực tế cho thấy, sản phẩm du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc tạo sức hấp dẫn, thậm chí củng cố thương hiệu cho điểm đến.
TTXVN - Đang vào mùa cao điểm du lịch nội địa nên các địa phương tích cực tổ chức nhiều lễ hội hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách tham gia. Các sản phẩm này cũng góp phần củng cố thương hiệu du lịch mà mỗi địa phương đang xây dựng.
* Hấp dẫn những sắc màu lễ hội
“Thế giới không khoảng cách” là chủ đề Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023, khai mạc tối 2/6 và diễn ra đến hết ngày 8/7. Ở lễ khai mạc, du khách đã được chứng kiến màn trình diễn pháo hoa mãn nhãn của chủ nhà Việt Nam và đội khách Phần Lan về nội dung “Hòa bình cho nhân loại”.
Lễ hội này trở lại sau 3 năm ảnh hưởng dịch COVID-19, được kỳ vọng sẽ tạo nên sự sôi động, hứa hẹn thu hút đông đảo du khách đến với Đà Nẵng. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến chia sẻ: Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, năm nay, Đà Nẵng mong muốn đón được 1,5 triệu lượt khách đến dịp Lễ hội Pháo hoa quốc tế. Con số này hoàn toàn nằm trong khả năng đáp ứng của thành phố về cơ sở vật chất, nhân lực, các điểm vui chơi, ẩm thực,…
Nha Trang đã khai mạc Festival Biển 2023 với chủ đề “Khánh Hòa - Khát vọng phát triển” nhằm chào mừng kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển. Festival gồm nhiều hoạt động đặc sắc, thể hiện sự tự hào về biển đảo, sức sống, hơi thở, nét đặc trưng của vùng đất xứ trầm - biển yến. Sự hòa quyện giữa sắc màu văn hóa truyền thống dân tộc với văn hóa đương đại, góp phần tạo không khí đoàn kết, tình cảm trân trọng, mến khách với du khách, bạn bè trong nước và quốc tế.
Năm 2023, Khánh Hòa đặt mục tiêu đón 4 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 2,5 triệu lượt khách nội địa và 1,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch ước đạt 21.000 tỷ đồng. Riêng dịp Festival Biển 2023 (từ ngày 3-6/6), Nha Trang – Khánh Hòa kỳ vọng sẽ đón khoảng 100.000 du khách.
Tại công viên Tứ Tượng, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế), Lễ hội Diều quốc tế 2023 nằm trong khuôn khổ Lễ hội mùa Hạ Festival Huế thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và du khách. Lễ hội diễn ra từ ngày 3-9/6, quy tụ các nghệ nhân đại diện Hiệp hội Diều Malaysia, Singapore và Thái Lan, các Câu lạc bộ Diều của các tỉnh, thành phố trong nước và Huế cùng tham gia biểu diễn thả diều, trưng bày, trải nghiệm làm diều. Lễ hội Diều quốc tế 2023 được định hướng hình thành và phát triển thành sự kiện văn hoá, nghệ thuật, du lịch mới, hấp dẫn tại Huế vào mùa hè.
Ở phía Bắc, Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà (Lào Cai) mùa hè năm 2023 với chủ đề “Vũ điệu cao nguyên” diễn từ ngày 3-11/6 với chuỗi hoạt động đầy màu sắc, đậm chất vùng cao. Đó là chợ đêm; Giải đua ngựa truyền thống tái hiện di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội đua ngựa Bắc Hà, Lễ hội đường phố cao nguyên trắng; trải nghiệm vườn mận tam hoa chín đỏ tại các xã Na Hối, Tà Chải; cuộc sống của các bản làng người Tày, Mông hoa, La Chí... Đây vốn là sản phẩm du lịch đặc sắc của vùng đất Bắc Hà; góp phần tích cực quảng bá, xúc tiến du lịch địa phương, đồng thời kết nối, đan ghép các nền văn hóa dân tộc nhằm phát triển du lịch bền vững.
Tuần Du lịch Ninh Bình 2023 với chủ đề "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An" diễn ra từ ngày 27/5 đến ngày 4/6 tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, nơi được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhị động”. Sân khấu thực cảnh cho lễ khai mạc thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ cho du khách khi được tạo hình nghệ thuật bởi bức tranh dân gian Đông Hồ "Lý ngư vọng nguyệt" trên cánh đồng lúa rộng gần 10.000 m2.
Các hoạt động trong tuần lễ này góp phần bảo tồn, tôn vinh, phát huy giá trị thiên nhiên, văn hóa, quảng bá hình ảnh đất và người Ninh Bình đến với bạn bè trong nước, quốc tế. Nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An, Tam Cốc từng được chuyên trang du lịch Business Insider bình chọn là 1 trong 5 cánh đồng lúa đẹp nhất Việt Nam. Thời điểm ấn tượng và hấp dẫn nhất tại Tam Cốc - Bích Động là vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 hàng năm, sắc vàng lung linh, thoảng hương thơm của cánh đồng lúa chín như thảm lụa vàng rực rỡ bên hai bờ dòng sông Ngô Đồng thơ mộng. Tại giải thưởng thường niên năm 2023 do Booking.com tổ chức nhằm vinh danh các điểm đến, cơ sở lưu trú toàn cầu, Ninh Bình là địa phương duy nhất của Việt Nam lọt vào top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới...
Sắp tới đây sẽ diễn ra Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2023 với chủ đề “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”, kết hợp với Lễ đón nhận Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Lễ hội diễn ra từ ngày 13-18/6 nhằm xây dựng thương hiệu Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận độc đáo, giàu bản sắc; giới thiệu các sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận đến du khách, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch...
* Gia tăng các trải nghiệm độc đáo, riêng biệt
Có thể nói, sau COVID-19, toàn ngành du lịch phải thay đổi để thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi về tâm lý, nhu cầu của du khách. Mỗi doanh nghiệp, địa phương phải định hình lại cách làm du lịch, xây dựng nên các sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng cách làm du lịch truyền thống như trước COVID-19 sẽ kém hiệu quả, thậm chí là không thể thu hút du khách đến. Điều này đòi hỏi các địa phương, đơn vị phải thay đổi cách làm, hình thành thêm nhiều dòng sản phẩm trọng yếu hoặc làm mới sản phẩm bằng cách gia tăng các trải nghiệm độc đáo, riêng biệt. Điều đáng mừng là một số sản phẩm được đầu tư trọng điểm đã thu hút, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách.
Theo Tổng cục Du lịch, Quy hoạch Hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định nước ta phát triển du lịch trên cơ sở phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế quốc gia; gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hóa dân tộc; gắn kết chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực và liên kết giữa vùng, địa phương và quốc tế.
Trong quy hoạch, các dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam là biển đảo, văn hóa, sinh thái, đô thị. Bên cạnh đó phát triển thêm 3 loại hình du lịch mới gồm chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh; nông nghiệp, nông thôn và thể thao. Trong đó du lịch nông nghiệp nông thôn sẽ gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, làng nghề và chương trình OCOP. Du lịch thể thao gắn với thể thao biển, thể thao mạo hiểm, golf. Du lịch chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh kết hợp tài nguyên tự nhiên từ khí hậu, nguồn khoáng nóng, các bài thuốc, liệu pháp y học cổ truyền.
Mới đây, tại phiên thảo luận của Quốc hội về đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình) kiến nghị cần sớm rà soát, cập nhật và điều chỉnh chiến lược phát triển du lịch bền vững đến năm 2030, mà trọng tâm là nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch quốc tế, chuyển từ tư duy phục vụ cái mình có sang phục vụ cái du khách cần.
Đại biểu cũng đề nghị nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch cần được tăng cường, tăng tỷ lệ chi ngân sách cho du lịch từ mức 1,4% hiện nay lên 2,5-3% tổng chi ngân sách nhà nước để gần bằng các nước trong khu vực. Bên cạnh đó là việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo kết nối giữa các địa phương có tiềm năng về du lịch.
Đặc biệt, theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, phải chú trọng phát triển sản phẩm, quảng bá du lịch một cách bài bản hơn. Theo bà, ngành cần tích cực nghiên cứu, phân tích và dự báo nhu cầu, thị hiếu khách du lịch để thiết kế, cung cấp sản phẩm du lịch có chất lượng, phù hợp. Trong đó, các địa phương liên kết tạo sản phẩm du lịch vùng, liên kết theo chuyên đề, liên kết ngành hàng không, đường sắt, tàu biển để tạo sản phẩm đa dạng.
Bà cũng cho rằng cần chú trọng tìm ra các điểm truyền thông cốt lõi cho tổng thể và từng thị trường; đẩy mạnh tiếp thị, truyền thông mới từ slogan, video, hình ảnh về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, tự nhiên, ẩm thực hấp dẫn nhất. Cùng với đó, ngành du lịch, địa phương cũng cần nghiên cứu, tổ chức thêm lễ hội hoặc các sự kiện tầm quốc tế ngoài Lễ hội Pháo hoa ở Đà Nẵng.
Thực tế cho thấy, sản phẩm du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc tạo sức hấp dẫn, thậm chí củng cố thương hiệu cho điểm đến. Các địa phương rất cần xây dựng quy hoạch tổng thể để phát triển sản phẩm đặc sắc, phù hợp với lợi thế, tiềm năng và tiềm lực, tránh đầu tư dàn trải. Việc quảng bá sản phẩm cũng cần được quan tâm đúng mức để tạo hiệu ứng lan tỏa giá trị văn hóa, du lịch địa phương cũng như tăng khả năng cạnh tranh của mỗi điểm đến trong tổng thể bức tranh chung của du lịch Việt Nam./.