Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định có đủ cơ sở xác định 10 bị cáo phạm tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219 Bộ luật Hình sự.
TTXVN - Sau ba ngày xét xử, chiều 31/5, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án 10 bị cáo trong vụ án thất thoát tài sản Nhà nước xảy ra tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS), Công ty Cổ phần TIE (Công ty con của CNS, gọi tắt là TIE).
Hội đồng xét xử nhận định, có đủ cơ sở xác định 10 bị cáo phạm tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219 Bộ luật Hình sự. CNS là doanh nghiệp có 100% vốn của Nhà nước, nên việc quản lý, sử dụng tiền, tài sản của doanh nghiệp phải tuân theo các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, các cá nhân liên quan tại CNS, TIE đã đề xuất, quyết định và thực hiện quy trình chi tiền ở Quỹ khen thưởng tại CNS và thoái vốn tại TIE không đúng các quy định của pháp luật, gây thất thoát tài sản của Nhà nước là tiền của Công ty CNS tổng số tiền là gần 22 tỷ đồng.
Trong số đó, từ năm 2015-2018, bị cáo Chu Tiến Dũng và đồng phạm đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng của CNS để phục vụ công tác đối ngoại, tri ân, cảm ơn trong dịp lễ, Tết hoặc đột xuất, gây thất thoát hơn 17,3 tỷ đồng. Ban Giám đốc Tổng Công ty, Phòng Kế toán-Tài chính đã không kiểm tra về thông tin đối tượng được khen thưởng, thành tích cụ thể, cơ sở để đưa ra mức khen thưởng cho các đơn vị, cá nhân mà vẫn ký tờ trình, phiếu chi... Tất cả các bộ hồ sơ chi thưởng đều không có danh sách cá nhân được khen thưởng ký nhận cụ thể, không nêu rõ thành tích hỗ trợ, đóng góp cho CNS để được khen thưởng theo tiêu chí, điều kiện quy định.
Đối với vi phạm trong việc CNS thực hiện thoái vốn tại TIE, năm 2015-2016, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện kế hoạch tái cơ cấu, thoái vốn đầu tư của CNS tại TIE, CNS đã chỉ đạo người đại diện vốn xây dựng phương án thoái vốn để CNS phê duyệt và thực hiện thoái hết vốn tại TIE vào ngày 21/3/2016 và 27/12/2016.
Lần thứ nhất, Nguyễn Hoành Hoa (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn) biết rõ việc Công ty Cổ phần TIE có phát sinh lợi nhuận từ vốn đầu tư của Tổng Công ty, nhưng không chỉ đạo Tổng giám đốc, người đại diện vốn của đơn vị tại Công ty Cổ phần TIE thực hiện các biện pháp hoặc điều chỉnh phương án, lộ trình thoái vốn phù hợp để thu hồi lợi tức phát sinh trước khi thoái vốn. Lần thứ hai, các bị cáo đã làm sai quy định dẫn đến thoái vốn sai thời điểm, làm mất quyền được nhận cổ tức năm 2015 tương ứng với tỷ lệ cổ phiếu đã bán là hơn 1,3 tỷ đồng.
Hội đồng xét xử áp dụng tình tiết như hậu quả của vụ án đã được khắc phục toàn bộ; quá trình điều tra, truy tố các bị cáo tích cực hợp tác với cơ quan tố tụng trong việc giải quyết vụ án. Tại phiên tòa, các bị cáo đều thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội, nhân thân tốt, trong công tác có nhiều thành tích,... để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo trong vụ án.
Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử tuyên phạt Chu Tiến Dũng (61 tuổi, cựu Tổng giám đốc CNS) 5 năm tù; Đỗ Văn Ngà (56 tuổi, cựu Kế toán trưởng CNS) 4 năm tù; Nguyễn Hoành Hoa (65 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên CNS) 4 năm tù; Nguyễn Hoàng Anh (41 tuổi, cựu Chánh Văn phòng, Phó Tổng Giám đốc CNS) 3 năm 6 tháng tù, cấm đảm nhận chức vụ trong 2 năm; Hoàng Minh Trí (50 tuổi, cựu thành viên Hội đồng quản trị TIE, người đại diện quản lý phần vốn góp của CNS tại TIE) 3 năm tù, cấm đảm nhiệm chức vụ trong hai năm; Lê Viết Ba (41 tuổi, cựu Phó phòng Tài chính - Kế toán CNS) 3 năm tù, cấm đảm nhiệm chức vụ hai năm.
Tòa tuyên phạt Phạm Thúy Oanh (51 tuổi, cựu Kế toán trưởng TIE, người đại diện quản lý phần vốn góp của CNS tại TIE) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Đức Vượng (50 tuổi, cựu Chánh Văn phòng CNS) 3 năm tù cho hưởng án treo; Vũ Lê Tùng (57 tuổi, cựu Phó Tổng Giám đốc CNS) 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Huỳnh Tấn Tư (54 tuổi, cựu Phó Tổng Giám đốc CNS) 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo./.