Trong làng, các bếp lửa luôn đỏ lửa, nhộn nhịp sản xuất mẻ mứt gừng nồng cay, nóng hổi cung cấp ra thị trường khắp mọi miền đất nước
TTXVN-Dịp cuối năm, ai đi qua làng nghề sản xuất mứt gừng Mỹ Chánh (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đều bị níu chân bởi mùi thơm từ một loại mứt do người dân nơi đây chế biến phục vụ ngày Tết. Trong làng, các bếp lửa luôn đỏ lửa, nhộn nhịp sản xuất mẻ mứt gừng nồng cay, nóng hổi cung cấp ra thị trường khắp mọi miền đất nước.
*Làng mứt gừng "đỏ lửa" ngày đêm
Nằm ven Quốc lộ 1A, bên dòng Ô Lâu, làng Mỹ Chánh hàng trăm năm qua nổi tiếng với nghề làm mứt gừng truyền thống. Trải qua thăng trầm lịch sử, bao thế hệ người dân nơi đây lớn lên gắn bó và phát triển nghề làm mứt gừng. Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, làng nghề mứt gừng truyền thống của xã Hải Chánh lại rộn ràng vào vụ.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đến làng nghề sản xuất mứt gừng Mỹ Chánh, chúng ta dễ dàng cảm nhận được không khí rộn ràng, tất bật.
Từ cổng làng, khói bếp hòa quyện mùi hương cay nồng của gừng tỏa khắp nẻo đường, xua tan giá lạnh ngày đông, báo hiệu một mùa Xuân mới sắp về. Các cơ sở mứt gừng trong làng đang tất bật sản xuất để kịp hàng vụ Tết. Người cắt gừng, trộn đường, ngào gừng, đảo bếp, đóng gói, giao hàng... các khâu làm mứt gừng diễn ra nhịp nhàng, liên tục.
Làm ngày không đủ phục vụ nhu cầu, người dân làng Mỹ Chánh còn tranh thủ làm cả ban đêm. Các cơ sở đã hợp đồng trước với chủ vựa thu mua nông sản tại các tỉnh Tây Nguyên để có đủ nguồn nguyên liệu sạch, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Lò mứt gừng Tuấn Tâm được xem là cơ sở sản xuất mứt gừng lớn nhất ở làng Mỹ Chánh. Mỗi vụ mứt, cơ sở này xuất hơn 30 tấn thành phẩm, bán ra thị trường trong và ngoài nước.
Bà Võ Thị Tâm, chủ lò mứt gừng Tuấn Tâm cho biết, cơ sở hiện có khoảng 50 nhân công làm việc liên tục để sản xuất mứt gừng, kịp thời cung ứng cho thị trường dịp Tết Nguyên đán.
Các công nhân hưởng lương theo sản phẩm, tiền công trung bình khoảng 150-200 ngàn đồng/ngày. Năm nay, đơn đặt hàng nhiều nên cơ sở phải đỏ lửa suốt ngày đêm, dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng 40 tấn mứt gừng thành phẩm, doanh số đạt khoảng 2-2,5 tỷ đồng.
Bà Tâm cho biết, để đảm bảo chất lượng mứt gừng đúng vị truyền thống vốn có, từ đầu năm, gia đình bà đặt hàng nguồn cung nguyên liệu gừng có chất lượng từ các tỉnh Tây Nguyên. Mứt gừng Mỹ Chánh được ưa chuộng bởi không sử dụng chất bảo quản, nguyên liệu chọn lọc, thu mua kỹ lưỡng, tạo ra sản phẩm có hương vị thơm ngon đặc biệt.
Để làm mứt gừng Mỹ Chánh có hương vị riêng biệt, gừng nguyên liệu được lựa chọn làm mứt phải là củ gừng tươi, nhiều nhánh, thơm. Gừng được chọn làm mứt to đều, không quá cay, không quá già và không quá non. Đặc biệt, quá trình nấu gừng phải khống chế ngọn lửa ở nhiệt độ vừa phải, tay đảo đều.
Hầu hết các công đoạn làm mứt gừng đều làm thủ công. Muốn mứt gừng ngon, cay, màu vàng, sáng đẹp phải có bí quyết, quan trọng nhất phải luộc gừng với nước chanh. Làm mứt gừng tuy không quá cầu kỳ nhưng đòi hỏi sự tỉ mẩn để một lát mứt gừng phải bao trọn đủ vị dịu ngọt, thơm, cay nồng nhưng không quá gắt, bà Tâm chia sẻ.
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, đơn đặt hàng tăng cao, người dân làng Mỹ Chánh sản xuất đạt con số kỷ lục hơn 100 tấn mứt gừng, cung ứng thị trường trong và ngoài nước. Mứt gừng năm nay bán được giá, dao động khoảng 50.000-60.000 đồng/kg, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng.
* Giữ nghề truyền thống
Nghề làm mứt gừng ở làng Mỹ Chánh là nghề truyền thống từ lâu đời nhưng đang được xem là nghề phụ, bởi chỉ hoạt động khoảng hai tháng vào dịp sát Tết Nguyên đán. Thời gian còn lại trong năm, người dân ở đây lại quay về sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ lẻ. Tuy nhiên, nghề làm mứt gừng mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều lao động nông thôn, đặc biệt giữ được thương hiệu mứt gừng Mỹ Chánh và làng nghề truyền thống lâu đời.
Ông Bùi Văn Sinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hải Chánh cho biết, làng Mỹ Chánh hiện có khoảng 20 cơ sở sản xuất mứt gừng lớn, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 200 lao động.
Nhiều làng ở trong xã Hải Chánh có hàng chục cơ sở, hộ sản xuất mứt gừng nhỏ lẻ hoạt động rất hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động lúc nông nhàn, có thêm điều kiện gia tăng thu nhập, trang trải cuộc sống, đón Tết sung túc, đầm ấm hơn.
Theo ông Bùi Văn Sinh, để gìn giữ và phát triển thương hiệu mứt gừng Mỹ Chánh, làng nghề mứt gừng có hương ước buộc các hộ sản xuất tuân thủ chế biến mứt theo đúng quy trình thủ công truyền thống. Quá trình sản xuất, các hộ không sử dụng hóa chất và cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến đời sống của hộ khác…
Để phát triển làng nghề truyền thống này, Ủy ban nhân dân xã Hải Chánh xây dựng Đề án về phát triển các ngành nghề tiểu thủ nông nghiệp trên địa bàn và được Hội đồng nhân dân xã thông qua. Địa phương có chính sách hỗ trợ các hộ dân, cơ sở sản xuất mứt gừng đăng kí nhãn hiệu, thương hiệu tham gia hội chợ triển lãm; đồng thời vận động các hộ tăng cường quảng bá, bán hàng theo công nghệ hiện đại 4.0 trên sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội...
Hiện nay, Ủy ban nhân dân xã Mỹ Chánh đang hoàn thiện thủ tục cần thiết để đăng kí sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương với thương hiệu mứt gừng Mỹ Chánh./.