Xây dựng Đảng

Lạng Sơn thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Lạng Sơn

Lạng Sơn thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế dựa trên bốn trụ cột. Tỉnh gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, nâng cao đời sống nhân dân.

Hoạt động giao thương tại Cửu khẩu quốc tế Hữu Nghị. (Ảnh: Vũ Đạt/TTXVN)

TTXVN - Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều cách làm linh hoạt, phù hợp với thực tế, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Nhờ đó, tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực...

Kết quả nổi bật

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động, tập trung vào 7 chương trình công tác trọng tâm và 3 khâu đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; xây dựng và ban hành 22 nghị quyết, 8 chương trình, 21 chỉ thị và nhiều văn bản để thực hiện các khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Xác định công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, trong đó tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017, “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Đến nay, bộ máy hệ thống chính trị, đơn vị hành chính của tỉnh được rà soát, sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Toàn tỉnh đã giảm hai đơn vị cấp tỉnh, 54 phòng, ban cấp tỉnh và tương đương, 21 phòng và 81 đơn vị sự nghiệp công lập cáp huyện. Giai đoạn 2019 - 2021, sắp xếp 51 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 26 đơn vị. Từ nay đến năm 2030, Lạng Sơn tiếp tục sắp xếp và giảm thêm 12 đơn vị hành chính cấp xã. Đối với thôn, tổ dân phố, tỉnh đã chỉ đạo sắp xếp giảm từ 2.314 thôn, tổ dân phố (năm 2017) còn 1.658 thôn, tổ dân phố (giảm 656 thôn, tổ dân phố)...

Cùng với đó, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn tập trung xây dựng và triển khai thực hiện Nghị quyết, Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”, để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; quan tâm đến công tác phát triển Đảng. Hằng năm, kết nạp được trên 2.100 đảng viên, vượt khoảng 9% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, nâng tổ số đảng viên của toàn Đảng bộ tỉnh lên 69.218 đảng viên.

Tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai thành công "Cửa khẩu số"; ứng dụng "Công dân số Xứ Lạng". Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 của Lạng Sơn đã xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; đứng thứ 6 toàn quốc về chuyển đổi số. Đặc biệt, năm 2022, tỉnh được xếp thứ 2 trong nhóm 3 tỉnh dẫn đầu cả nước về điểm chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI).

Kinh tế tỉnh Lạng Sơn vẫn duy trì ở mức độ khá, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ đều cơ bản đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân (GRDP) giai đoạn 2021 - 2022 đạt 6,95% (năm 2021 đạt 6,67%, năm 2022 đạt 7,22%), cao hơn 1,5% so với bình quân giai đoạn 2015 - 2020. Thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2021 - 2022 đạt 49,26 triệu đồng (năm 2021 đạt 46,8 triệu đồng, năm 2022 đạt 51,72 triệu đồng), cao hơn 29,3% so với giai đoạn 2015 - 2020.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đạt nhiều chỉ tiêu thuộc nhóm cao trong cả nước. Chất lượng giáo dục và đào tạo có chuyển biến rõ nét. Đến năm 2023, toàn tỉnh đã có 272/670 trường đạt chuẩn quốc gia. Tỉnh đã hoàn thành mục tiêu 200 xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, bình quân có 11,2 bác sỹ và 32,9 giường bệnh trên một vạn dân. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,8%.

Công tác dân tộc, tôn giáo không ngừng được chú trọng, củng cố. Các tiềm năng về lịch sử, văn hóa, con người Lạng Sơn được khơi dậy, phát huy. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng được bảo tồn, đầu tư tôn tạo; đóng góp ngày càng nhiều cho phát triển kinh tế - xã hội. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; chủ quyền an ninh biên giới quốc gia được giữ vững, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ…

Đồng bộ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

 Kinh tế cửa khẩu là một trong bốn trụ cột của kinh tế Lạng Sơn. (Ảnh: Vũ Đạt/TTXVN)

Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn thông tin, nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phấn đấu hoàn thành 20/20 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn xác định tập trung xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh, đảm đương được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao; đẩy mạnh tinh giản biên chế gắn với sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, địa giới hành chính theo hướng tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Lạng Sơn thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế dựa trên bốn trụ cột đó là: kinh tế cửa khẩu, công nghiệp, thương mại và dịch vụ; từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Địa phương tạo điều kiện và môi trường thuận lợi thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, nhất là ở khu vực nông thôn, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.

Lạng Sơn chủ động nắm chắc tình hình, dự báo và sẵn sàng xử lý kịp thời mọi tình huống không để bị động, bất ngờ; xây dựng tỉnh Lạng Sơn thành khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh, quốc phòng. Đồng thời, duy trì hoạt động giao lưu, hợp tác với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển./.

PV

Xem thêm