Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của thiếu nhi, đội viên
Đây là dịp để lãnh đạo Thành phố gửi gắm những mong muốn, kỳ vọng đối với các thiếu nhi trong thời gian tới để góp phần xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Trong không khí cả nước chúc mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi, ngày 1/6, Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Lãnh đạo Thành phố gặp gỡ, lắng nghe thiếu nhi năm 2024 với sự tham gia của 150 thiếu nhi tiêu biểu đại diện cho hơn 2 triệu trẻ em Thành phố mang tên Bác.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho biết, chương trình là dịp để lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh lắng nghe những suy nghĩ, nguyện vọng, đề xuất của thiếu nhi. Đó là những góc nhìn giúp lãnh đạo hiểu hơn suy nghĩ, tình cảm, ước mơ của các em, để từ đó lãnh đạo Thành phố có những chủ trương, chính sách, giải pháp nhằm chăm lo cho thiếu nhi nhiều hơn, tốt hơn. Đồng thời, đây cũng là dịp để lãnh đạo Thành phố gửi gắm những mong muốn, kỳ vọng đối với các thiếu nhi trong thời gian tới để góp phần xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
“Nhiều năm qua, từ những ý kiến đóng góp của thiếu nhi, đã có nhiều đề xuất, ý tưởng được hiện thực hóa; nhiều vấn đề nhỏ nhưng được kịp thời khắc phục, tạo điều kiện, môi trường để thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh được học tập, vui chơi, sống hạnh phúc hơn”, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ nói.
Chương trình được tổ chức thành hai phần. Phần một được thực hiện theo hình thức giả định một kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố, với 150 đại biểu thiếu nhi tham gia đóng vai trò là đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố và lãnh đạo các sở, ngành Thành phố. Các đại biểu thiếu nhi đã tham gia trao đổi, đề xuất ý tưởng phát triển kinh tế - xã hội Thành phố cùng những vấn đề mà các em quan tâm.
Trong phần hai của chương trình, các đại biểu thiếu nhi được đối thoại trực tiếp với đại diện lãnh đạo Thành phố và các sở, ngành để bày tỏ ý kiến về nhiều lĩnh vực như giáo dục, lịch sử - văn hóa, y tế, môi trường, khoa học sáng tạo và rèn luyện kỹ năng, phát triển năng khiếu,... Xuyên suốt chương trình, Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tổng hợp, ghi nhận 23 ý kiến phát biểu trực tiếp và 87 ý kiến đóng góp bằng văn bản từ đội viên, thiếu nhi. Các ý kiến trao đổi quanh 4 nhóm vấn đề gồm: việc học tập, giảng dạy trong trường học; các hoạt động nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần, y tế học đường, bảo vệ môi trường; xây dựng văn hóa đọc, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; hoạt động Đội, trang bị kỹ năng thực hành xã hội, phát triển năng khiếu, chăm lo cho trẻ em và các ý kiến khác.
Em Lâm Bảo Nghi (Trường Trung học Cơ sở Colette, Quận 3) bày tỏ lo ngại về việc gần đây có một số học sinh ở các trường học hút thuốc lá điện tử, dẫn đến những ảnh hưởng về sức khỏe và sa sút trong học tập. Dù được tuyên truyền, giáo dục về tác hại của loại thuốc này nhưng các bạn học sinh vẫn chưa từ bỏ. Em Bảo Nghi mong muốn lãnh đạo Thành phố có biện pháp kiểm tra việc buôn bán thuốc lá điện tử và quản lý người bán để hạn chế việc bán cho học sinh.
Còn em Võ Thị Kim Ngân, học sinh Trường Trung học Cơ sở Thông Tây Hội (quận Gò Vấp) kể câu chuyện một nam sinh trong lớp mình tham gia cá độ bóng đá qua mạng. Nam sinh này sau đó lên lớp kể cho bạn bè và với sự tò mò xen lẫn hào hứng khi nghe được chuyện này, các bạn học sinh khác cũng lấy tiền của mình đem đi cá độ. Theo Kim Ngân, nguyên nhân của sự việc này là do các bạn học sinh tò mò, thiếu hiểu biết về các hình thức cờ bạc, bị ảnh hưởng bởi bạn bè cùng với sự thiếu giám sát của phụ huynh. Em Kim Ngân mong muốn học sinh được giáo dục, phổ biến về nguy cơ, hậu quả của những hình thức cờ bạc trái pháp luật hiện nay; đồng thời mong muốn các gia đình quản lý hợp lý thời gian sử dụng internet của con em mình.
Em Lâm Hoàng Tố Uyên, học sinh Trường Trung học Cơ sở Vân Đồn (Quận 4) đề cập trường hợp một học sinh bị bỏ quên trên xe đưa đón dẫn đến tử vong vừa xảy ra ở tỉnh Thái Bình. Đây là lần thứ hai xảy ra việc bỏ quên học sinh trên xe dẫn đến kết quả đau lòng. Chưa kể mới đầu mùa hè nhưng Thành phố đã xảy ra nhiều vụ học sinh đuối nước thương tâm. Để bảo vệ an toàn cho thiếu nhi, em Tố Uyên đề xuất cần có thêm những chương trình rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ em. Các cấp lãnh đạo quan tâm, tổ chức nhiều buổi thực hành ngoại khóa dạy về kỹ năng an toàn xã hội cho học sinh.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi ghi nhận ý kiến của các thiếu nhi đã phản ánh thẳng thắn và “trúng” vấn đề. Ông Phan Văn Mãi yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì tiếp thu, chọn vấn đề để cùng các sở, ngành và Hội đồng Đội Thành phố xác định các nhiệm vụ phải làm để đến dịp 1/6 năm sau trả lời cụ thể cho các em.
Nhắc đến vấn đề thuốc lá điện tử xuất hiện trong môi trường học đường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết quan điểm cá nhân của ông là cấm sử dụng trong mọi trường hợp. Hiện tại trên diễn đàn Quốc hội cũng đang yêu cầu cấm thuốc lá điện tử ở Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nghiên cứu, nếu cơ chế của Nghị quyết 98 cho phép, Thành phố sẽ tiến hành cấm sử dụng trên toàn địa bàn.
Ông Phan Văn Mãi cũng chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tập trung thực hiện 3 yếu tố về “xây dựng trường lớp xanh, sạch, nhà vệ sinh sạch sẽ - an toàn học đường, giảm bạo lực học đường - an toàn giao thông” trong xây dựng trường học hạnh phúc. Đồng thời, cần cải thiện triệt để tình trạng nhà vệ sinh tại các trường học. Ngoài ra, vấn đề bạo lực học đường là vấn đề khó giải quyết nhưng phải kiên trì, phải xây dựng môi trường học tập tốt đẹp để học sinh an tâm học tập./.