Từ đầu năm 2023 đến nay, tỷ lệ hồ sơ công việc trong các cơ quan hành chính nhà nước ở Lào Cai được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng cấp tỉnh đạt 97,4%; việc chỉ đạo, điều hành, gửi nhận văn bản điện tử triển khai ở cả 4 cấp.
TTXVN - Trong thời gian qua, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai được thực hiện đồng bộ, nhiệm vụ hoàn thiện thể chế được chú trọng, có nhiều đổi mới và hiệu quả, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương. Tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, 100% thủ tục hành chính công bố được cập nhật, niêm yết, công khai theo quy định.
* Kết quả đáng ghi nhận
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường, hiện địa phương này có 27 cơ quan, đơn vị thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Tỷ lệ thủ tục hành chính được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 70,62%; hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt 76,75%; hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn, trước hạn đạt 98,73%.
Từ năm 2021 đến hết tháng 7/2023, tỉnh Lào Cai đã thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết 175.790 nghìn lượt hồ sơ, tiết kiệm được trên 700 tỷ đồng; nhận được sự đánh hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính trong tất cả lĩnh vực của người dân và doanh nghiệp, đạt 99,4%.
Trong cải cách chế độ công vụ, tỉnh đã triển khai Đề án số 14-ĐA/TU đạt được nhiều kết quả tốt. Đã có 96 cán bộ lãnh đạo, quản lý được xem xét sắp xếp, điều động, luân chuyển; trong đó năm 2021 là 34 người, năm 2022 là 38 người và năm 2023 là 24 người.
Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, Lào Cai đã triển khai 1.562 Tổ công nghệ số cộng đồng tại 1.562 thôn, tổ dân phố trên địa bàn, đạt 100% mục tiêu đề ra.
Riêng 6 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh Lào Cai đã thực hiện cắt giảm đối với 951/1.929 thủ tục hành chính, đạt 49,3% mục tiêu đề ra. Trong đó có khoảng 17.000 lượt hồ sơ được thực hiện cắt giảm thời gian, tiết kiệm cho người dân, doanh nghiệp khoảng 18 tỷ đồng. Địa phương đã rà soát chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức đối với 12 sở, ban, ngành, chi cục; sáp nhập, giảm 2 đơn vị sự nghiệp công lập; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức đối với 9 đơn vị sự nghiệp công lập.
Lào Cai cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện đồng bộ việc đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công cho cả 3/3 đơn vị sự nghiệp trong ngành Thông tin và Truyền thông; triển khai thử nghiệm, thí điểm các nền tảng số như: nền tảng cửa khẩu số; cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp; nền tảng giáo dục tổng thể. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỷ lệ hồ sơ công việc trong các cơ quan hành chính nhà nước được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng cấp tỉnh đạt 97,4%, cấp huyện đạt 87,86% và cấp xã đạt 97%. Việc triển khai các hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, gửi nhận văn bản điện tử triển khai ở cả 4 cấp.
* Tiếp tục cải thiện, nâng cao Chỉ số
Trong các năm 2021 và 2022, Lào Cai bị đánh giá có Chỉ số hiệu quả hành chính công (PAPI) thuộc nhóm thấp trong các tỉnh, thành phố của cả nước (năm 2021 đứng thứ 49/63 tỉnh, thành phố; năm 2022 đứng thứ 52/63, với Chỉ số PAPI đạt 40/40 điểm, thuộc về nhóm đạt điểm trong khoảng thấp). Trong đó, kết quả bị giảm bậc là do việc thực thi chính sách, tiến độ xử lý văn bản quy phạm pháp luật còn chậm và cung ứng dịch vụ công của các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế; số lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính chậm muộn còn nhiều, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, đầu tư…
Để tiếp tục cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu Đề án số 14-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025 và các kế hoạch UBND tỉnh đã ban hành về triển khai công tác cải cách hành chính. Tỉnh tiếp tục khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công và cải cách hành chính của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh. Trong đó, Lào Cai lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên trong năm như: tuân thủ việc thực hiện công khai, minh bạch thông tin; tạo các kênh tương tác giữa chính quyền và người dân để không chỉ chia sẻ thông tin mà còn giải trình cụ thể những vướng mắc còn tồn tại; thực hiện cung ứng dịch vụ công trực tuyến và trực tiếp với sự tham gia chủ động, tích cực của người dân thông qua việc đưa dịch vụ đến với người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số; tận dụng có hiệu quả các Tổ hỗ trợ chuyển đổi số cộng đồng...
Lào Cai yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương rà soát các nhiệm vụ để tìm giải pháp cụ thể, tạo đột phá trong cải cách hành chính; chủ động, tích cực, sáng tạo trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính, gắn với chuyển đổi số; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng và hiệu quả phục vụ của cơ quan nhà nước. Ngành Tài nguyên và môi trường tăng cường vai trò quản lý nhà nước, không để tình trạng nhũng nhiễu gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong tham gia thủ tục hành chính.
Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo các cơ quan đơn vị, địa phương quan tâm đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đặc biệt, các địa phương nâng cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra về cải cách hành chính của cấp ủy Đảng, người đứng đầu UBND cấp huyện và UBND cấp xã. Các địa phương xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong triển khai từng nhiệm vụ cải cách hành chính, chú trọng 5 nội dung: Thể chế phải kịp thời; thủ tục hành chính không để chậm muộn, không nhũng nhiễu; cơ sở vật chất thực hiện đầu tư đầy đủ; chú trọng nguồn lực cấp xã; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ trong thực hiện các thủ tục hành chính./.
- Từ khóa:
- Lào Cai
- chỉ số
- cải cách hành chính