Dù đã nỗ lực đầu tư trường lớp, nhưng số phòng học vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh tại Đông Nai. Điều này khiến giáo viên, học sinh và phụ huynh đều lo lắng, mệt mỏi.
TTXVN - Năm học 2023 - 2024, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) tăng gần 9.000 học sinh. Dù đã nỗ lực đầu tư trường lớp, nhưng số phòng học vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh. Do đó, nhiều trường phải đi mượn phòng học ở những cơ sở khác để tránh tình trạng phải học ca 3. Điều này khiến giáo viên, học sinh và phụ huynh đều lo lắng, mệt mỏi.
Tại trường Tiểu học Phan Đình Phùng (phường Long Bình, thành phố Biên Hòa), nhiều năm qua, số học sinh năm sau luôn tăng cao hơn năm trước. Từ năm học 2016 - 2017 đến nay, nhà trường đã phải đi mượn phòng học ở các trường khác. Năm học 2022 - 2023, trường có 97 lớp với hơn 4.100 em; trong đó có đến 35 lớp với khoảng 1.500 học sinh lớp 4, lớp 5 phải học nhờ ở trường Tiểu học Bình Đa (phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa).
Trong năm học mới này, trường Tiểu học Phan Đình Phùng sẽ đón gần 900 học sinh vào lớp 1. Điều này càng gây áp lực về phòng học đối với nhà trường. Theo lãnh đạo nhà trường, đơn vị đã nhiều lần có tờ trình gửi các cấp mong muốn được xây thêm trường học, phòng học mới. Tuy nhiên 7 năm qua, dự án xây trường vẫn "giậm chân tại chỗ" vì không giải tỏa được mặt bằng. Việc để học sinh phải đi học nhờ trong suốt nhiều năm liền luôn là niềm trăn trở của thầy cô và phụ huynh.
Bà Phạm Thị Dịu, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Đình Phùng cho biết, tập thể và giáo viên nhà trường luôn trăn trở, lo lắng khi phải để học sinh đi học nhờ. Phụ huynh học sinh ở đây đa phần là công nhân, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Khi con phải đi học nhờ ở khu vực khác, họ lại phải chi trả thêm tiền thuê xe đưa đón. Thời gian tới, nhà trường mong muốn được tạo điều kiện xây thêm 20 phòng học để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Tương tự, gần 900 học sinh trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa) đã phải đi học nhờ trong suốt 7 năm qua. Năm học 2023 - 2024, trường có hơn 2.700 học sinh với 71 lớp học. Tuy nhiên, hiện nhà trường chỉ có 24 phòng học, đáp ứng được 48 lớp. Số học sinh còn lại phải mượn phòng của trường Cao đẳng Thống Kê II ở đối diện.
Cô Nguyễn Thị Sâm, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lý Thường Kiệt cho biết, nhà trường đang phải mượn cơ sở của trường Cao đẳng Thống Kê II. Tuy nhiên, đây là trường dành cho sinh viên nên không phù hợp với học sinh tiểu học. Khoảng cách giữa các bậc cầu thang hay bàn ghế trong phòng học quá xa đối với các em; không gian trường quá rộng nên khó kiểm soát học sinh ngoài giờ học. Ngoài ra, các em học chung với các anh chị sinh viên nên phải dùng chung nhà vệ sinh. Điều này khiến các thầy cô rất lo lắng. Nhà trường mong muốn được xây dựng trường mới để có đủ phòng học cho học sinh.
Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa cho biết, hiện nay, tại một số phường đông dân cư như Trảng Dài, Long Bình, Tân Hiệp vẫn xảy ra tình trạng quá tải học sinh khiến các đơn vị này phải mượn cơ sở của những trường học khác. Năm học 2022 - 2023, thành phố đã phải mượn 5 trường để có chỗ học cho học sinh. Thời gian tới, thành phố sẽ gấp rút xây dựng trường lớp để đảm bảo cho các em có đủ phòng học cũng như sĩ số học sinh trên các lớp học theo quy định.
Theo Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa, địa phương đã có kế hoạch đầu tư xây dựng trường lớp giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo. Trong năm 2023 sẽ có 16 dự án trường học được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng; đồng thời, tiếp tục triển khai thi công thêm 8 dự án trường học để những năm học tiếp theo không còn xảy ra tình trạng thiếu trường lớp trên địa bàn./.