Xã hội

Long An: Người tái nghiện ma túy trở lại cai nghiện chiếm gần 27%

Đồng Nai

Năm 2023 số học viên tái nghiện, trở lại cai nghiện lần 2 trở lên là 246 học viên, tỷ lệ tái nghiện là 26,9%.

TTXVN- Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, trên địa bàn tỉnh này hiện nay có khoảng hơn 2.500 người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó có gần 1.700 người nghiện. Năm 2023, Cơ sở cai nghiện ma túy Long An đã cai nghiện cho 915 học viên cai nghiện theo diện bắt buộc.

Bữa ăn trưa của các học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Cũng theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, trong tổng số 915 học viên cai nghiện bắt buộc thì số học viên hoàn thành chương trình cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy Long An được đưa về các địa phương tại nơi cư trú là 187 người.

Trên cơ sở hồ sơ và trường hợp được bàn giao, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phân công quản lý người sau cai nghiện tại địa phương. Đồng thời, có kế hoạch quản lý người sau cai nghiện để động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện học nghề, giới thiệu việc làm ổn định cuộc sống; hỗ trợ cho gia đình người nghiện được vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm với tổng số tiền 310 triệu đồng.

Qua thống kê, năm 2023 số học viên tái nghiện, trở lại cai nghiện lần 2 trở lên là 246 học viên, tỷ lệ tái nghiện là 26,9%.

Được biết, hiện nay 188/188 xã, phường, thị trấn trong tỉnh Long An đã thành lập tổ công tác cai nghiện, tổ chức tư vấn cho người nghiện ma túy tại cộng đồng; có một điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy và tái hòa nhập cộng đồng. Tỉnh có một cơ sở cai nghiện ma túy thực hiện đa chức năng có sức chứa 750 học viên.

Cán bộ y tế Cơ sở cai nghiện ma túy chăm sóc sức khỏe cho các học viên. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng tại Long An còn gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện. Công tác phối hợp quản lý giáo dục đối tượng sau cai nghiện tại địa phương hiệu quả chưa cao do thiếu nhân lực, cơ sở vật chất chưa bảo đảm cho cắt cơn theo quy định. Việc quản lý người nghiện tại gia đình, cộng đồng dân cư, tạo việc làm để người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng chưa thực hiện đồng bộ.

Song song đó, hiện chưa có chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy; xã hội còn nhiều thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện ma túy. Một số người sau cai nghiện không chịu phối hợp với chính quyền địa phương. Ngoài ra, cơ sở cai nghiện tỉnh vẫn còn thiếu cán bộ có chuyên môn để thực hiện quy trình cai nghiện.../.

PV

Tin liên quan

Xem thêm