Văn hóa

Lung linh sắc màu đêm khai hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam năm 2024

An Giang

Đây là một trong những lễ hội đặc sắc, là sản phẩm văn hóa - du lịch tâm linh độc đáo bậc nhất Miền Tây.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đánh trống khai hội.
Ảnh: Công Mạo - TTXVN 

Tối 28/5, tại Trung tâm thương mại Vĩnh Đông, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, UBND tỉnh An Giang tổ chức khai mạc Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam năm 2024, kỷ niệm 10 năm Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia (2014 - 2024) với chủ đề “Đất thiêng vạn lộc”.

Đây là một trong những lễ hội đặc sắc, là sản phẩm văn hóa - du lịch tâm linh độc đáo bậc nhất Miền Tây, thu hút hàng triệu người dân và du khách về tham dự mỗi năm.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam là một lễ hội lớn, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng sông nước Nam Bộ. Lễ hội diễn ra từ ngày 22 đến 27 tháng Tư âm lịch hàng năm. Đây là một lễ hội phản ánh thực hành tín ngưỡng và hoạt động văn hóa tâm linh của cư dân địa phương, mang tính cộng đồng cao.

Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Việt trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với cộng đồng người các dân tộc Khmer, Hoa, Chăm. Lễ hội tôn vinh Bà Chúa xứ cũng là dịp người dân thể hiện lòng tin yêu, tri ân, tôn kính đối với những người có công với dân với nước.

Đáng chú ý, An Giang đã được Chính phủ chấp thuận, đệ trình tổ chức UNESCO hồ sơ ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hồ sơ dự kiến sẽ xem xét tại kỳ họp lần thứ 19 vào tháng 12 năm 2024.

Năm 2024, nhân kỷ niệm 10 năm được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng và chuẩn bị chu đáo, công phu.

Tiết mục văn nghệ tại lễ khai hội.
Ảnh: Công Mạo - TTXVN 

Sau lễ khai hội, thành phố Châu Đốc tổ chức lễ phục hiện rước tượng Bà. Lễ rước được thực hiện theo đúng nghi lễ cổ truyền thông qua hình thức sân khấu hóa đặc sắc đã tái hiện lại nguồn gốc, lịch sử bà Chúa xứ.

Trong các ngày diễn ra lễ hội, UBND thành phố Châu Đốc còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi nổi phục vụ nhân dân và du khách như: Chương trình may áo Bà (ngày 22/5); triển lãm ảnh nghệ thuật (từ ngày 24 - 28/5); tuần lễ văn hóa – văn nghệ (23-26/5); hội thi thả đèn hoa đăng (tối 27/5); tổ chức gian hàng ẩm thực phục vụ lễ hội (28-30/5); giải Việt dã “Cung đường đỉnh núi Sam” lần 1 (29/5); diễu hành Lân sư rồng (29/5); lễ tắm Bà (rạng sáng 31/5)…

Năm nay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thu hút du khách đến với Châu Đốc, UBND tỉnh An Giang đã quyết định không thu phí tham quan Khu du lịch quốc gia Núi Sam đối với du khách trong 7 ngày (từ ngày 28/5 đến hết ngày 3/6)./.

Công Mạo

Tin liên quan

Xem thêm