Mãi rực rỡ Thành phố mang tên Bác - Bài 5: “Tâm và thế” mới trong sứ mệnh phát triển cùng đất nước
Thành phố cũng đang tích cực, chuẩn bị “tâm và thế” mới cho chặng đường phát triển mới trong thời gian tới với những dư địa phát triển lớn hơn, không gian rộng hơn.
Cùng với cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và các kết luận, Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như của Quốc hội, Chính phủ trong sắp xếp tinh gọn bộ máy, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã. Thành phố cũng đang tích cực, chuẩn bị “tâm và thế” mới cho chặng đường phát triển mới trong thời gian tới với những dư địa phát triển lớn hơn, không gian rộng hơn.
* Những nền tảng vững chắc
Thời gian qua, Bộ Chính trị đã ban hành 4 Nghị quyết về phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời ban hành 2 Nghị quyết và 1 Kết luận về phát triển vùng Đông Nam Bộ với trung tâm là Thành phố Hồ Chí Minh. Các Nghị quyết đã thể hiện đầy đủ vai trò, vị thế ngày càng quan trọng của Thành phố trên tất cả các lĩnh vực, nổi bật là lĩnh vực kinh tế.
Tại các Nghị quyết, Kết luận này, đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW và Nghị quyết 31-NQ/TW, Bộ Chính trị đều xác định Thành phố Hồ Chí Minh phải tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng và cả nước.
Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị tiếp tục đặt ra mục tiêu Thành phố Hồ Chí Minh phải vừa “giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế của cả nước”, vừa “sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ... của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu”.
Quán triệt các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đã nỗ lực đảm nhận và thực hiện hiệu quả vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng; phấn đấu xây dựng thành phố trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của Đông Nam Á vào năm 2030. Tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố đặt mục tiêu “trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu”.
“Thành tựu đáng tự hào qua 50 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, xuyên suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, sự ủng hộ hết lòng và hiệu quả của MTTQ Việt Nam, các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; là kết tinh bao công sức của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ các thời kỳ và là sự đồng hành, ủng hộ, chung tay góp sức của các tầng lớp nhân dân Thành phố trong suốt thời gian qua để có Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay – một Thành phố có diện mạo mới, sức sống mới, tầm vóc mới, một Thành phố văn minh, hiện đại nghĩa tình”, ông Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.
Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang được đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, từ giao thông, công nghiệp, văn hóa, giáo dục đến hạ tầng số. Thành phố có Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay quốc tế lớn nhất cả nước và mạng lưới giao thông đường không, đường thủy, đường bộ, và đường sắt phục vụ tốt. Một loạt công trình lớn như Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc đi Mộc Bài, Chơn Thành… đã và đang được triển khai.
Thành phố có một hệ thống sông lớn và hệ thống cảng biển gắn với Vịnh Gành Rái và Biển Đông ra cửa biển Cần Giờ thông qua các sông Thị Vải, Lòng Tàu, Xoài Rạp, là tiền đề hình thành đô thị hướng biển. Điểm mạnh này cùng với việc Thành phố sở hữu một hệ thống các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao quan trọng, đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.
Thành phố cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong việc xây dựng đô thị thông minh như: Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC), thành lập Trung tâm Chuyển đổi số và sắp đưa vào hoạt động Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo. Đây là những tiền đề quan trọng để Thành phố phát triển mạnh mẽ dựa trên đột phát về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết 57-NQ/TW.
Thành phố tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, triển khai những mô hình và giải pháp đột phá như chính quyền đô thị, các cơ chế chính sách đặc thù và các khu công nghệ cao. Những thành tựu này không chỉ phản ánh khát vọng vươn lên mạnh mẽ mà còn thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng nền tảng vững chắc cho kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.
* Động lực lan tỏa phát triển mạnh mẽ
Trước những vấn đề đặt ra cần phải giải quyết trong giai đoạn phát triển mới, Thành phố Hồ Chí Minh xác định một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó hướng đến “hiện thực hóa” chỉ tiêu tăng trưởng GRDP trên 10% và kinh tế số đóng góp trên 25% GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 7%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 87,2%; tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 3,5%…
Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, một số chính sách đột phá như thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) với kỳ vọng tạo nguồn lực xã hội phát triển thành phố; thành phố xây dựng quy trình chung để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Để phát triển nhanh và bền vững, Thành phố đang thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại và tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ với kinh tế trong nước.
“Thành phố đã xác định mũi giáp công chính là doanh nghiệp tư nhân, với nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn vốn đạt kết quả quan trọng”, UBND Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ trong định hướng của mình.
Các chuyên gia xác định việc chuyển đổi kinh tế xanh là con đường phát triển tất yếu của kinh tế Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh phải là nơi đi đầu. Chuyển đổi xanh đòi hỏi nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của người lao động trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, sản xuất xanh, logistics xanh… Khi lao động có trình độ cao hơn, mức lương và thu nhập cũng tăng, giúp nền kinh tế dần thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Các cơ hội phát triển mới, không gian phát triển mới từ công nghiệp bán dẫn, chuyển đổi kép xanh - số hóa và đặc biệt Nghị quyết số 57-NQ/TW mang đến nhiều cơ hội lớn cho sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố có thể tận dụng chủ trương của Nghị quyết để phát triển mạnh mẽ kinh tế số, hướng tới mục tiêu kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP vào năm 2030.
Dự kiến thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được sắp xếp thành Thành phố Hồ Chí Minh (mới), phát huy ưu thế của 3 địa phương có vị trí địa lý liền kề, điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bổ và tổ chức các không gian kinh tế, quy mô và trình độ phát triển kinh tế phù hợp. Đó là sự kết nối đồng bộ về hạ tầng giao thông, cả đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy - biển, liên kết các cảng biển, mở ra không gian phát triển mới để Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới.
Phát biểu tại một sự kiện mới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng: Thành phố Hồ Chí Minh mới sẽ trở thành đầu tàu, động lực lan tỏa phát triển mạnh mẽ cho toàn vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Nhưng đồng thời, chính sự tham gia, hợp tác, bổ sung nguồn lực từ các tỉnh thành phía Nam – với những thế mạnh về đất đai, lao động, công nghiệp, nông nghiệp, logistics, du lịch, văn hóa – cũng sẽ là nguồn lực thiết yếu, làm mạnh mẽ hơn sức bật và tầm vóc của Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng. Đây là quá trình “cùng phát triển”, “cùng nâng tầm”, với mối quan hệ hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau, cùng hướng tới mục tiêu chung là hình thành một cực tăng trưởng mới có sức cạnh tranh toàn cầu, thân thiện, bền vững và giàu bản sắc.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, sứ mệnh mới cho Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng không chỉ là trở thành siêu đô thị quốc tế dẫn dắt khu vực, mà còn là trung tâm liên kết phát triển toàn diện giữa thành phố và vùng – trong đó, các tỉnh phía Nam không chỉ “đồng hành”, mà còn chủ động đóng vai trò đối tác chiến lược, cùng kiến tạo không gian kinh tế, văn hóa, xã hội chung. Thành phố Hồ Chí Minh mới sẽ thành công nếu cả vùng cùng phát triển và Vùng sẽ thăng hoa khi có Thành phố Hồ Chí Minh dẫn dắt, hợp tác, chia sẻ, cùng nhau tiến về phía trước.
Từ lý luận đến thực tiễn cho thấy ở mỗi giai đoạn phát triển có tính bước ngoặt, nhất là trong công cuộc đổi mới của đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh luôn giữ vai trò đầu tàu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh đã và sẽ phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tạo ra những dấu ấn lịch sử quan trọng, góp thêm tư liệu thực tiễn sinh động vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước./. (Hết)