Bước đầu, các câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và giải quyết các vấn đề cấp thiết liên quan đến trẻ em tại tỉnh.
TTXVN - Việc thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em luôn được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng quan tâm triển khai. Nổi bật như mô hình Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” nằm trong Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam bước đầu phát huy hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Diện, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng thông tin, Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” là mô hình điểm của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nâng cao kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, tự tin, bản lĩnh để thay đổi của học sinh; đồng thời, là nơi để các em giao lưu, chia sẻ, nâng cao nhận thức, tổ chức hoạt động vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi. Hiện, tỉnh đã thành lập 24 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại các điểm trường Trung học Cơ sở của 9 huyện, thị xã và cộng đồng dân cư. Các câu lạc bộ có từ 15 - 30 thành viên (gồm trẻ em từ 10 - 16 tuổi).
Theo bà Nguyễn Thị Diện, thành viên câu lạc bộ là hạt nhân tiên phong trong thay đổi nhận thức bình đẳng giới, xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu có hại trong đời sống, cộng đồng dân cư. Bước đầu, các câu lạc bộ hoạt động hiệu quả nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhà trường, các bậc phụ huynh, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và giải quyết các vấn đề cấp thiết liên quan đến trẻ em tại tỉnh.
Bà Trịnh Thị Thu Tư, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trần Đề cho biết, địa phương có gần 49% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Hiện, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã thành lập được 2 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại trường học và khu dân cư nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer. Dự kiến trong thời gian tới, huyện sẽ thành lập thêm 2 câu lạc bộ tại nhà trường và cộng đồng.
Bà Trịnh Thị Thu Tư cho biết thêm, hàng tháng, Hội phối hợp với Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt định kỳ nhằm tuyên truyền cho các em những kiến thức mới. Qua tham gia Câu lạc bộ, trẻ em đồng bào dân tộc Khmer đã tự tin hơn trong giao tiếp, hiểu hơn về bình đẳng giới, tăng khả năng tiếp cận cộng đồng…
Tại xã Thạnh Phú (huyện Mỹ Xuyên), nơi trên 57% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chọn Trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông dân tộc nội trú Thạnh Phú thành lập câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” để làm điểm sinh hoạt mẫu.
Thầy Huỳnh Kỉnh Thoại, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông dân tộc nội trú Thạnh Phú cho hay, Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” của nhà trường có 24 thành viên; trong đó, Ban Chủ nhiệm gồm 5 thành viên và 1 dẫn trình viên (giáo viên). Bước đầu, Câu lạc bộ sinh hoạt hiệu quả. Học sinh tham gia rất phấn khởi và hào hứng khi tiếp thu các kiến thức chung về quyền trẻ em, sức khỏe sinh sản và tình dục, giới tính, bình đẳng giới, phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em...
Em Thạch Tuấn Khang (học sinh Trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông dân tộc nội trú Thạnh Phú) chia sẻ, khi tham gia Câu lạc bộ với vai trò là “thủ lĩnh”, em rất tự tin, học hỏi thêm nhiều kiến thức về quyền trẻ em, bình đẳng giới; đồng thời, được bày tỏ những mong muốn, ước mơ và có kế hoạch phấn đấu thực hiện. Câu lạc bộ đã giúp các thành viên có thêm động lực để rèn luyện, học tập thật tốt nhằm thực hiện hoài bão của mình trong cuộc sống./.