"Vòng tay yêu thương" - kết nối gia đình, nhà trường, xã hội chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em
Chương trình “Vòng tay yêu thương” là hoạt động hướng tới tạo một không gian vui chơi, gắn kết tình cảm gia đình và cùng trao đổi, hiểu thêm về suy nghĩ, về những điều mà trẻ đang có quyền được hưởng.
TTXVN - Ngày 7/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam tổ chức Chương trình “Vòng tay yêu thương” trao học bổng cùng nhiều phần quà tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Đây là một trong những hoạt động kết nối hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo động lực giúp các em tiếp tục thực hiện ước mơ trên con đường học tập, phấn đấu rèn luyện để trở thành người sống có lý tưởng và có ích cho xã hội.
Tại chương trình, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt cho trẻ em. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để khẳng định các quyền của trẻ em và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, gia đình để trẻ em được phát triển toàn diện.
Chương trình "Vòng tay yêu thương" là mô hình tốt và có thể nhân rộng nhằm nâng cao nhận thức cha mẹ trong việc chăm sóc trẻ em, nhất là gia đình trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. "Tôi mong thông điệp chương trình vòng tay yêu thương, “Cha mẹ yêu thương, con hạnh phúc - Cha mẹ bạo lực, con tổn thương” sẽ được các bậc cha mẹ ghi nhớ và thực hiện”, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa chia sẻ.
Thành phố Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác gia đình, trẻ em. Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được thực hiện đồng bộ bởi gia đình, nhà trường, xã hội và đã có nhiều chương trình hành động tạo điều kiện cho trẻ em được học tập, vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh trong điều kiện tốt nhất. Giáo dục con để trẻ trở thành những công dân có ích trong tương lai là điều mà các bậc phụ huynh, nhà trường và cộng đồng xã hội đều hướng tới. Môi trường giáo dục an toàn, không bạo lực chính là một môi trường phát triển tốt nhất cho mọi trẻ em.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, mỗi gia đình cần nêu cao trách nhiệm trong quan tâm, nuôi nấng, dạy dỗ trẻ em, để trẻ em thực sự hạnh phúc, an toàn, được bày tỏ tiếng nói của mình; cần quan tâm đến sức khỏe thể chất, tâm lý của trẻ em. Nhà trường, các thầy cô cần tạo điều kiện, môi trường giáo dục giúp các em mỗi ngày đến trường là một niềm vui, để thầy cô là người cha, người mẹ thứ hai của các em. Chính quyền địa phương đóng vai trò làm cầu nối, phối hợp với gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Cộng đồng xã hội dành những tình cảm, trách nhiệm và lòng yêu thương, sự quan tâm nhất tới trẻ em, bảo vệ trẻ em ở mọi lúc, mọi nơi, từ đó hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao, thế hệ công dân tương lai có đầy đủ phẩm chất, trí tuệ phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Đồng hành cùng Chương trình, ông Hong Jeong Pyo, Phó Tổng Giám đốc điều hành cấp cao Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm Hanwha Life đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm về cách bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em bằng tình yêu thương để hướng trẻ trở thành người có ích cho xã hội. Các Luật sư, chuyên gia về trẻ em Việt Nam thông tin sâu về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý nhà nước, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân; Luật Trẻ em quy định về quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em...
Đưa con đến dự chương trình, chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (ngụ ở Quận 3) đã hiểu thêm nhiều vấn đề đã được quy định trong Luật. Hơn hết, đó là cách dạy con không bằng hình thức so sánh, gây áp lực mà nên tìm hiểu kỹ nguyên nhân để từ đó có giải pháp phù hợp với con trẻ. Thay vì gây áp lực, cha mẹ nên tạo động lực để các con phấn đấu làm tốt bổn phận của mình.
Theo Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, Chương trình “Vòng tay yêu thương” là hoạt động hướng tới tạo một không gian vui chơi, gắn kết tình cảm gia đình và cùng trao đổi, hiểu thêm về suy nghĩ, về những điều mà trẻ đang có quyền được hưởng. Chương trình cũng là khoảng thời gian mỗi gia đình tự suy ngẫm về cách nuôi dạy con để xây dựng và duy trì mối quan hệ tình cảm tốt đẹp với chính con của mình bằng những kỹ năng làm cha mẹ trong việc chăm sóc và giáo dục con hàng ngày./.