Một số địa phương tại Hậu Giang có tỷ lệ giải ngân thấp đã cam kết đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án, giải ngân kinh phí hoàn thành trong tháng 11/2023.
TTXVN - Sáng 7/11, UBND tỉnh Hậu Giang họp rà soát tình hình giải ngân kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Hồ Thu Ánh đánh giá: Dù còn nhiều khó khăn, các huyện, thị xã, thành phố đã đề cao trách nhiệm, nỗ lực thực hiện và giải ngân nguồn vốn phân bổ cho hai Chương trình trên địa bàn.
Trước tiến độ giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững còn thấp, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đề nghị các ngành, địa phương kịp thời báo cáo khó khăn trong quá trình triển khai để UBND tỉnh xem xét, tháo gỡ. Ban Dân tộc, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh tham mưu thường trực UBND tỉnh theo dõi, tổng hợp tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của hai Chương trình.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang, nguồn vốn phân bổ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022 - 2023 gần 60 tỷ đồng, triển khai 09/10 dự án và các tiểu dự án. Các dự án, tiểu dự án được thực hiện nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và của tỉnh Hậu Giang nói chung.
Đánh giá hiệu quả đầu tư và tính bền vững của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, ông Nguyễn Hoàng Triệu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Hậu Giang được nâng lên. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu đã được quan tâm đầu tư. Giáo dục và đào tạo, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng. A sinh và phúc lợi xã hội đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng. Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống không ngừng được đẩy mạnh.
Đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, tổng kinh phí chuyển nguồn từ năm 2022 sang và vốn bố trí thực hiện năm 2023 là trên 65 tỷ đồng, triển khai 5 dự án trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ giải ngân chương trình này chưa đạt yêu cầu đề ra do gặp khó khăn trong việc xác định nội dung hỗ trợ khi triển khai các dự án, tiểu dự án. Một số đơn vị chưa hoàn thiện thủ tục thanh toán nên tỷ lệ giải ngân chưa cao.
Ông Võ Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang cho biết: Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp đã cam kết đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án, giải ngân kinh phí hoàn thành trong tháng 11/2023. Những dự án về mua sắm, có quy định thời gian thì giải ngân trong tháng 12/2023. Thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của Chương trình, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tập trung thanh toán kinh phí các dự án truyền thông, nâng cao năng lực và giám sát đánh giá chương trình.
Qua rà soát của cơ quan chuyên môn, đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh đã giải ngân trên 22,3 tỷ đồng, đạt trên 34% tổng nguồn vốn. Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay tỉnh đã giải ngân trên 43 tỷ đồng, đạt trên 72% kế hoạch vốn được phân bổ./.