Trải qua 50 năm, Mỹ Yên vươn lên về mọi mặt, đời sống của người dân ngày càng phát triển; kinh tế có bước chuyển mình mạnh mẽ, xí nghiệp hoạt động hiệu quả; nông nghiệp phát triển, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng
Dù trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc hay xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, chính quyền và người dân vùng đất Mỹ Yên (xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, Long An) luôn nỗ lực xây dựng, phát triển quê hương xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới mà Đảng, Nhà nước phong tặng. 50 năm sau ngày giải phóng, vùng đất này đã thay da đổi thịt, vươn lên từng ngày và sẵn sàng hòa chung với cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Mỹ Yên có một vị trí đặc biệt quan trọng, nằm tiếp giáp với huyện Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh), là cửa ngõ đi về miền Tây Nam bộ qua Quốc lộ 1. Trước 30/4/1975, đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy quân xác định vùng đất này là vị trí chiến lược, nằm trên vành đai chúng dựng lên nhằm ngăn cản bước tiến của lực lượng cách mạng, bảo vệ Sài Gòn. Trên diện tích nhỏ bé thuộc địa bàn một xã, có thời điểm quân địch dựng lên 5 đồn bốt với hàng trăm quân lính được trang bị đầy đủ súng ống, đạn dược. Chúng liên tục tổ chức các đợt càn quét, tìm diệt nhằm bắt bớ, giết hại hàng trăm chiến sĩ cách mạng, đồng bào ta.
Ông Nguyễn Văn Thi (sinh năm 1942, xã Mỹ Yên, Bến Lức, Long An) kể lại, năm 1960, ông tham gia lực lượng vũ trang của xã hoạt động tại địa phương. Thời điểm này, quân địch chiếm đóng Mỹ Yên, xây dựng nhiều đồn bốt trên địa bàn xã, tổ chức nhiều lượt càn quét, tìm diệt các chiến sĩ cách mạng nằm vùng và cơ sở nuôi giấu cán bộ của ta. Tuy nhiên, bất chấp mọi khó khăn, thách thức, âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù, lực lượng cách mạng cùng nhân dân Mỹ Yên vẫn vững vàng, kiên trung. Lực lượng vũ trang của xã đã tổ chức nhiều trận đánh vào các đồn địch, chống lại các cuộc truy quét nhằm hạn chế thiệt hại, bảo vệ lực lượng và cơ sở cách mạng của ta.
Đến năm 1965, trong trận đánh với quân địch, ông Thi bị thương gãy chân và bị bắt đưa đi giam giữ tại Biên Hòa, sau đó đưa ra đày ở Côn Đảo. Trong suốt 8 năm dài đằng đẵng, người chiến sĩ cách mạng chịu biết bao trận đòn roi, các thủ đoạn tra tấn của quân địch nhưng vẫn luôn giữ ý chí kiên trung, không khuất phục. Mãi đến sau Hiệp định Paris (năm 1973), ông Thi cùng với những người đồng đội của mình mới được trao trả. Ông trở về tiếp tục liên lạc với lực lượng của ta và được giao nhiệm vụ xây dựng lại lực lượng tại Mỹ Yên để hỗ trợ cho quân chủ lực, chuẩn bị Tổng tiến công nổi dậy.
Theo ông Lê Văn Thi, thời điểm này, quân Mỹ rút khỏi Việt Nam nhưng ngụy quyền Sài Gòn vẫn cố chấp tìm mọi cách để cứu vãn tình thế. Lực lượng ngụy quân được tăng cường ở Mỹ Yên và các khu vực lân cận, dọc theo Quốc lộ 4 (nay là Quốc lộ 1) với ý đồ giữ thông tuyến đường huyết mạch để quân từ miền Tây Nam Bộ về ứng cứu Sài Gòn khi cần thiết, hoặc rút chạy về cố thủ ở miền Tây khi tình huống xảy ra.
Thời điểm đó, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Đảng bộ tỉnh Long An, các lực lượng, cơ sở ở địa phương dần được xây dựng, củng cố nhằm chuẩn bị cho thời khắc lịch sử. Với địa bàn chiến lược, Mỹ Yên không chỉ tạo thế để quân chủ lực ta tiến về giải phóng Sài Gòn từ hướng Tây Nam mà còn thực hiện chiến dịch chiếm giữ Quốc lộ 4, vừa cắt đứt đường chi viện của các sư đoàn chủ lực địch cho Sài Gòn, đánh sau lưng sào huyệt làm thất bại kế hoạch rút quân lực về cố thủ miền Tây của địch, vừa tiến vào giải phóng thị xã Tân An (nay là thành phố Tân An).
Tháng 4/1975, quân và dân xã Mỹ Yên huy động tối đa lực lượng, tranh thủ mọi điều kiện, thời cơ tấn công tiêu diệt địch, giải phóng địa phương mình; đồng thời, tổ chức các hoạt động cung cấp lương thực, tải đạn, xây dựng công sự, dẫn đường,... phục vụ lực lượng chiến đấu chủ lực của ta chiếm giữ Quốc lộ 4, tiến về giải phóng Tân An. Quân và dân xã Mỹ Yên đã đóng góp công lao, xương máu của mình để làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, thống nhất non sông. Những công lao đó được minh chứng bởi danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng, Nhà nước trao tặng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Yên.
Miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, Mỹ Yên cùng với cả nước bắt tay vào công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương. Ông Lê Văn Thi cho biết, sau giải phóng, ông được giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Ủy ban quân quản rồi sau đó là Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Yên. Bắt tay vào giai đoạn tái thiết, xây dựng quê hương trên nền hoang tàn, đổ nát của chiến tranh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Yên một lần nữa đồng lòng, đồng sức xây dựng quê hương, tiếp tục đi đầu trong xây dựng các hợp tác xã với nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả. Mỹ Yên một lần nữa vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (năm 2009).
Trải qua 50 năm, ngày nay, Mỹ Yên vươn lên về mọi mặt, đời sống của người dân ngày càng phát triển. Kinh tế có bước chuyển mình mạnh mẽ với gần 200 công ty, xí nghiệp hoạt động hiệu quả trên địa bàn; nông nghiệp phát triển, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Yên cho biết, địa bàn xã có vị trí thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và huyện, tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh, với nhiều lợi thế để thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ, dân cư đô thị. Kết cấu hạ tầng ngày càng được hoàn chỉnh mở rộng, tiếp tục phát huy tác dụng, các công trình, dự án đã và đang đầu tư sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của xã.
Cùng với đó, truyền thống anh hùng luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Yên giữ gìn và phát huy tạo nên khí thế mãnh liệt trong các phong trào thi đua lao động, sản xuất; thi đua xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Xã đã được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày càng phát triển. Trên địa bàn xã hiện nay không còn hộ nghèo, 100% đường giao thông được nhựa hóa và bê tông hóa; hệ thống thiết chế văn hóa, giáo dục được xây dựng hoàn thiện, đạt chuẩn quốc gia, phát huy hiệu quả thiết thực.
Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Yên cho biết thêm, thực hiện chủ trương tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính trị, tới đây, xã dự kiến sẽ sáp nhập với xã Phước Lợi và Long Hiệp (huyện Bến Lức, Long An) và giữ tên gọi là xã Mỹ Yên. Truyền thống trung dũng kiên cường trong kháng chiến chống ngoại xâm và trong lao động sản xuất của vùng đất Mỹ Yên sẽ tiếp tục được phát huy trên một không gian rộng lớn hơn với nhiều dư địa phát triển hơn.
Đặc biệt, các tuyến hạ tầng giao thông qua địa bàn xã đang được xây dựng hoàn thiện, nhất là nút giao của cao tốc Bến Lức – Long Thành với đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương sẽ hoàn thành trong năm nay, tạo ra một thế kết nối liên hoàn, làm bệ đỡ thúc đẩy xã Mỹ Yên nói riêng, tỉnh Long An nói chung cất cánh trong kỷ nguyên vươn mình bứt phá cùng dân tộc./.