Nam Định phấn đấu là trung tâm phát triển quan trọng của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng
Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền của tỉnh với diện tích tự nhiên 1.668,8 km2; 10 huyện, thành phố và phần không gian biển được xác định theo các quy định của pháp luật có liên quan.
TTXVN - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan chức năng triển khai thực hiện.
Tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh để thống nhất với Quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ; cập nhật cơ sở dữ liệu hồ sơ quy hoạch vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch theo quy định; khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện quy hoạch gắn với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, Sở phải định kỳ tổ chức đánh giá thực hiện quy hoạch, rà soát điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý quy hoạch; nghiên cứu và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp với yêu cầu phát triển tỉnh và quy định của pháp luật để huy động các nguồn lực thực hiện quy hoạch; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư…
Các Sở Xây Dựng, Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy hoạch; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.
Tổ chức thực hiện các yêu cầu, nội dung bảo vệ môi trường khi triển khai các dự án thực hiện Quy hoạch, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững; tổ chức quan trắc, giám sát, quản lý môi trường; lưu giữ cơ sở dữ liệu, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường phục vụ quá trình chuyển đổi số trong quá trình thực hiện Quy hoạch.
Trước đó, ngày 29/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định 1729/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền của tỉnh với diện tích tự nhiên 1.668,8 km2; 10 huyện, thành phố (Nam Định, Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu) và phần không gian biển được xác định theo các quy định của pháp luật có liên quan.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là tiếp tục phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, đô thị và nông thôn; thúc đẩy phát triển khu vực biển, ven biển trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Trong đó, định hướng công nghiệp xanh; du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; đô thị thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu là trọng tâm; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng; xây dựng hệ thống đô thị và các khu công nghiệp tập trung có quy mô lớn; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng đồng bằng sông Hồng, cả nước và khu vực; phát triển bền vững về môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; phấn đấu đến năm 2030 Nam Định trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trong những trung tâm phát triển quan trọng của vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Đến năm 2050, phát triển Nam Định trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng, cả nước và khu vực; xây dựng hoàn chỉnh nền kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực tăng trưởng; có môi trường đầu tư năng động, thông thoáng, minh bạch, thân thiện; người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc; bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; an ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được giữ vững./.