Môi trường

Nan giải rác thải sinh hoạt

Ninh Bình

Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình sẽ chôn lấp và xử lý rác trong vòng 30 năm mới đầy khu chôn lấp nhưng chỉ sau gần 10 năm hoạt động, khu chôn lấp rác sắp quá tải.

Bãi chôn lấp chất thải rắn của Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình sắp bị lấp đầy trước 20 năm theo thiết kế. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

TTXVN - Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình tại xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được đưa vào hoạt động từ năm 2014 và và trở thành nơi tập kết và xử lý rác thải lớn nhất của tỉnh. Dự kiến, ngoài hoạt động của dây chuyền xử lý rác thành phân bón hữu cơ, việc chôn lấp rác thải tại đây đảm bảo khoảng 30 năm mới đầy khu vực chôn lấp.

Giám đốc Nhà máy xử lý chất thải rắn Lã Phú Dũng cho biết, đơn vị được bàn giao và sử dụng trên 23 ha, được phân thành 2 phân khu chính gồm diện tích đất trong nhà máy và diện tích đất hạ tầng ngoài hàng rào (gồm đất giao thông, diện tích đất khu chôn lấp và khu xử lý nước chiết). Khi đi vào hoạt động chính thức năm 2014, lượng rác được vận chuyển vào Nhà máy khoảng 150 tấn/ngày, phù hợp với công suất thiết kế xử lý rác thải theo Dự án. Tuy nhiên, lượng rác được vận chuyển đến đơn vị tăng dần theo thời gian, hiện là khoảng 380 tấn/ngày, tức là gấp gần 3 lần so với thời điểm mới đưa vào hoạt động, kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, ảnh hưởng lớn đến việc chôn lấp và xử lý rác. Theo Dự án, Nhà máy sẽ chôn lấp và xử lý rác trong vòng 30 năm mới đầy khu chôn lấp nhưng chỉ sau gần 10 năm hoạt động, khu chôn lấp rác sắp quá tải.

Dây chuyền xử lý rác thành phân bón hữu cơ tại xử lý chất thải rắn Ninh Bình chỉ xử lý được 50 tấn trong tổng số 380 tấn rác vận chuyển về nhà máy/ngày. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Ông Lã Phú Dũng chia sẻ, nhà máy hiện xử lý rác cho 8 huyện, thành phố của tỉnh. Theo công suất thiết kế, dây chuyền này xử lý khoảng 200 tấn rác/ngày trong điều kiện làm việc 3 ca/ngày. Do điều kiện máy móc làm việc trong môi trường khắc nghiệt, thường xuyên bị rỉ sét những bộ phận quan trọng, nếu đẩy công suất lên theo thiết kế sẽ không đảm bảo quá trình vận hành, dẫn đến hỏng máy móc, mất thời gian sửa chữa. Do đó, nhà máy chỉ bố trí công nhân làm việc 1 ca/ngày với công suất vừa phải ở mức 50 tấn rác/ngày. Đơn giá xử lý 90.200 đồng/tấn rác là quá thấp so với kinh phí xử lý thực tế, nhà máy không bù đắp được chi phí sản xuất, đặc biệt là xử lý rác bằng phương pháp sản xuất phân vi sinh.

Khối lượng rác tại khu vực chôn lấp rác thuộc Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình hiện rất lớn. Tại một số điểm thuộc khu vực chôn lấp, rác thải được chất tầng lớp, nhiều nơi được chất cao từ 3 - 5 m, xung quanh bốc mùi hôi thối nồng nặc, đặc biệt vào những hôm thời tiết ẩm ướt, không khí trở nên nặng nề, khó thở bởi mùi rác. Dây chuyền xử lý rác thành phân bón hữu cơ nằm trong khuôn viên của Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình cũng bốc mùi rất khó chịu. Hai bên dây chuyền vận tải rác để phân loại, hơn chục công nhân miệt mài phân loại rác trong không khí ẩm thấp, nặng mùi.

Bãi chôn lấp chất thải rắn của xử lý chất thải rắn Ninh Bình. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Đại diện lãnh đạo UBND thành phố Tam Điệp, đơn vị trực tiếp quản lý, chỉ đạo trực tiếp Nhà máy cho biết, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng rác thải chuyển về Nhà máy quá với công suất thiết kế do lượng rác thải sinh hoạt của các huyện, thành phố, đơn vị tăng nhanh qua từng năm. Trong khi đó, phần lớn rác chưa được phân loại tại nguồn và việc Nhà máy chỉ hoạt động 1 ca/ngày cũng ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực xử lý chất thải rắn.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Điệp Tống Đức Thuận, lãnh đạo UBND thành phố và các ngành chức năng đã nhiều lần làm việc với lãnh đạo Nhà máy nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. Nhiều quyết sách để giải quyết vấn đề vượt quá thẩm quyền của UBND thành phố Tam Điệp. Giữa năm 2023, UBND thành phố đã có văn bản gửi UBND tỉnh Ninh Bình nêu thực trạng và đề xuất phương án xử lý. Theo công suất ban đầu, Nhà máy xử lý khoảng 125.000 tấn rác/năm; trong đó xử lý theo hình thức phân loại sản xuất phân vi sinh 13.000 tấn/năm, chôn lấp hợp vệ sinh 113.000 tấn/năm. Hiện, Nhà máy đang áp dụng đơn giá dịch vụ xử lý rác với mức tạm tính 90.200 đồng/tấn. Dự kiến nguồn thu của Nhà máy năm 2023 khoảng 14,3 tỷ đồng, chi trên 16,5 tỷ đồng. Theo lộ trình tự đảm bảo chi thường xuyên từ năm 2022, Nhà máy không được hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước nên không đảm bảo được khả năng cân đối tự thu chi.

Trước vấn đề nan giải này, UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các cấp, ngành hữu quan bằng văn bản số 390/UBND-VP4 ngày 5/5/2023, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn Ban Quản lý và xử lý chất thải rắn Ninh Bình quyết toán dự án, bàn giao tài sản theo quy định của pháp luật; xem xét đề xuất hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Nhà máy để đảm bảo hoạt động ổn định.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND thành phố Tam Điệp và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh phương án ban hành giá dịch vụ xử lý chất thải rắn; đồng thời, căn cứ tình hình thực tế xem xét đề nghị về việc mở rộng hố chôn rác hoặc cải tạo hố rác cũ.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng Nhà máy điện rác Ninh Bình theo yêu cầu đã được phê duyệt.

UBND thành phố Tam Điệp đề xuất, để đảm bảo cho hoạt động của Nhà máy, UBND tỉnh xem xét giao đơn vị chuyên môn thuộc tỉnh chủ trì, hướng dẫn Ban Quản lý và xử lý chất thải rắn tỉnh Ninh Bình và các đơn vị có liên quan quyết toán, bàn giao toàn bộ giá trị tài sản để Nhà máy ghi chép đầy đủ giá trị tài sản vào sổ sách theo dõi, quản lý tài sản đảm bảo đúng quy định của Luật Quản lý và sử dụng tài sản công. UBND tỉnh giao cơ quan chuyên môn tham mưu xây dựng và sớm ban hành giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với thực tế, đảm bảo Nhà máy tự cân đối thu - chi, giảm thiểu việc xử lý rác thải sinh hoạt theo hình thức chôn lấp hợp vệ sinh. UBND tỉnh xem xét hỗ trợ về kinh phí cho Nhà máy để đảm bảo ổn định với mức hụt cân đối khoảng 2,28 tỷ đồng năm 2023. Dự kiến đến hết năm 2023, hố chôn lấp rác hiện có sẽ đầy, do đó UBND tỉnh xem xét mở rộng thêm hố chôn rác hoặc cải tạo hố rác cũ làm nơi chôn lấp.

Bên cạnh đó, UBND thành phố Tam Điệp đề nghị UBND tỉnh cùng các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy điện rác để đảm bảo xử lý rác trên địa bàn trong những năm tới. Các ngành chức năng tỉnh Ninh Bình cần sớm có giải pháp đồng bộ và kịp thời, khắc phục hiệu quả tình trạng trên để việc thu gom, xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt đảm bảo vệ sinh môi trường./.


Đức Phương

Xem thêm