Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, quan tâm hỗ trợ theo nhu cầu của doanh nghiệp phù hợp ngành nghề, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.
TTXVN – Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển. Hiểu biết pháp luật của người lao động, người sử dụng lao động được nâng lên.
Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội nghị triển khai Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 5/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.
Hội nghị do Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) phối hợp với Ban Quản lý chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức sáng 24/10, tại Hà Nội.
Các đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Đặc biệt, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần quan tâm một số vấn đề khi triển khai thực hiện Quyết định số 345/QĐ-TTg.
Luật sư Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp chỉ rõ, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; quy định cụ thể về thủ tục hành chính, về thuế, hải quan, tiếp cận tín dụng. Bên cạnh đó, các đơn vị phải coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động, nhất là quy định liên quan đến sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, quan tâm hỗ trợ theo nhu cầu của doanh nghiệp phù hợp ngành nghề, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thông qua điều tra, khảo sát về nhu cầu hỗ trợ pháp lý.
Theo luật sư Nguyễn Duy Lãm, các hình thức, phương pháp hỗ trợ cần đổi mới, đa dạng; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác này. Các tổ chức đại diện doanh nghiệp cần phát huy vai trò của mình, làm cầu nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp; chủ động lắng nghe, tập hợp ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp trong xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật để phản ánh với cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Để việc triển khai Quyết định số 345/QĐ-TTg đạt hiệu quả cao, bà Lê Nguyên Thảo, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, có thể lồng ghép hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” (Đề án 977). Theo đó, các cơ quan rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật, truyền thông về các quy định của pháp luật, các chương trình, sản phẩm, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các tài liệu phổ biến bằng hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, các cơ quan chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đội ngũ tư vấn viên, đặc biệt là đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, thực hiện lồng ghép trong hoạt động bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật.
Theo Tiến sỹ Trần Minh Sơn, Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp, Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” xác định 5 mục tiêu cụ thể. Trong đó, hoàn thiện khung pháp lý về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, phấn đấu 100% quy định pháp luật về doanh nghiệp, về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được thông tin kịp thời, đầy đủ; đảm bảo 100% doanh nghiệp được hỗ trợ pháp lý khi có đề xuất. Đề án đề ra mục tiêu thí điểm và nhân rộng ít nhất 2 mô hình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiệu quả trên toàn quốc; ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái về vấn đề này tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.../.