Đến nay, 100% hội viên trong Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Ninh Thuận và Hội Doanh nhân trẻ của tỉnh Ninh Thuận đã chuyển đổi qua sử dụng hình thức hóa đơn điện tử.
TTXVN - Sáng 27/9, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Đoàn giám sát 1521 của Tỉnh ủy Ninh Thuận do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Văn Hậu, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh làm Trưởng đoàn đã thực hiện giám sát chuyển đổi số trong các doanh nghiệp của tỉnh. Qua đó đánh giá một cách toàn diện, thực chất về chuyển đổi số trong các doanh nghiệp; đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan trong công tác chuyển đổi số.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Tiến Nghị, việc số hóa quy trình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành của doanh nghiệp ở địa phương có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ văn bản, công văn, hợp đồng… được trao đổi, giải quyết trên môi trường mạng được nâng lên, không mất thời gian của doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính...
Đến nay, 100% hội viên trong Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và Hội Doanh nhân trẻ của tỉnh đã chuyển đổi qua sử dụng hình thức hóa đơn điện tử. 100% doanh nghiệp trao đổi công việc qua trang mạng Zalo, Facebook, Viber. Khoảng 20% doanh nghiệp tạo lập tài khoản trực tuyến và thao tác việc nộp hồ sơ xử lý công việc qua Trung tâm Hành chính công tỉnh. Một số doanh nghiệp bước đầu triển khai ký kết hợp đồng điện tử... Hoạt động này góp phần tiết kiệm chi phí in ấn, nhân công, kho bãi lưu trữ tư liệu từ 30 - 40% và tiết kiệm chi phí đi lại lên đến 80%.
Ông Nguyễn Tiến Nghị chia sẻ, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, để thực hiện chuyển đổi số cần đầu tư, trong khi doanh nghiệp tại tỉnh còn nhỏ, chưa đủ khả năng thực hiện. Nếu không áp dụng chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ tự đào thải, không chạy kịp với tiến hình phát triển chung của khu vực và thế giới.
Ninh Thuận chưa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2024 - 2028 nên chưa có cơ sở giúp các cơ quan hướng dẫn triệt để cho doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi số. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ, hướng dẫn của cơ quan nhà nước về chuyển đổi số còn hạn chế, cụ thể như: Phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã chưa được chú trọng; hỗ trợ đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hợp tác xã đảm bảo nâng cao nhận thức, đào tạo và triển khai về chuyển đổi số chưa toàn diện...
Tại buổi giám sát, ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, Ban Điều hành Chuyển đổi số của tỉnh đang hoàn thiện chính sách, tập huấn cho doanh nghiệp. Toàn tỉnh hiện có hơn 4.100 doanh nghiệp, theo đó, thời gian tới, tỉnh phấn đấu hỗ trợ tư vấn cho 50% doanh nghiệp về chuyển đổi số. Tuy nhiên, khó nhất của kinh tế số là xác định chỉ tiêu giá trị gia tăng, đây là trách nhiệm của doanh nghiệp; vì vậy, doanh nghiệp cần bóc tách doanh thu tăng thu (giá trị gia tăng số) để thấy được hiệu quả chỉ tiêu chuyển đổi của kinh tế số.
Theo ông Lê Kim Hoàng, dù có khó khăn về nguồn lực, thời gian tới, UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất thông qua chính sách hỗ trợ. Khi đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ công bố các chính sách hỗ trợ lên cổng thông tin điện tử để doanh nghiệp nắm bắt và thụ hưởng chính sách này.
Ông Đào Xuân Kỳ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Thuận cho biết, liên quan chuyển đổi số, có hai loại doanh nghiệp cần xác định rõ, đó là doanh nghiệp làm chuyển đổi số và doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số. Các doanh nghiệp làm chuyển đổi số đang làm khá tốt. Trong khi đó, doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số đang gặp khó, nhất là về con người, nguồn vốn… Nguồn lực hỗ trợ chuyển đổi số sẽ được HĐND tỉnh thông qua cuối năm nay. Theo đó, các ngành liên quan cùng phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định.
Để xây dựng mô hình chuyển đổi số cho doanh nghiệp, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Thuận đang lấy ý kiến của các ngành, doanh nghiệp để có kế hoạch triển khai theo như mong muốn của doanh nghiệp, tạo động lực giúp họ tiếp tục ứng dụng các hệ thống, nền tảng số khác vào khai thác.
Ông Phạm Văn Hậu, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận cho hay, chuyển đổi số là yêu cầu, xu hướng tất yếu, khách quan để cộng đồng doanh nghiệp đứng vững và phát triển. Khi ứng dụng chuyển đổi số, sự liên kết thông tin giữa các bộ phận được thuận lợi, giúp các vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp được giải quyết ngay, không bị tắc nghẽn, gây tác động xấu đến doanh nghiệp.
Những năm gần đây, chuyển đổi số của tỉnh có nhiều chuyển biến rõ nét thông qua việc đánh giá của Trung ương. Chuyển đổi số là vấn đề mới đối với doanh nghiệp và cần có thêm thời gian. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, tổ chức phải thay đổi nhận thức, tư duy, sau đó mới thay đổi thể chế, từ đó mở đường cho triển khai thực hiện tốt chuyển đổi số.
Qua kiến nghị của doanh nghiệp, ông Phạm Văn Hậu đề nghị, các cơ quan nhà nước trong tỉnh cần định hướng, xác định rõ và hỗ trợ đúng doanh nghiệp phù hợp từng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh để phát huy hiệu quả khi áp dụng chuyển đổi số; đồng thời yêu cầu doanh nghiệp liên tục cập nhật công nghệ mới, hiện đại phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ và giữ chân khách hàng để giao thương./.