Thực thi chính sách

Nâng cao hiệu quả, chất lượng tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp

Hội nghị được tổ chức với mong muốn tiếp thu ý kiến để gỡ vướng cho cả doanh nghiệp và phía quản lý Nhà nước, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp tuân thủ pháp luật.

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thanh Tâm)

TTXVN - Sáng 12/9, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý phối hợp với Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại với chủ đề: Nâng cao hiệu quả, chất lượng tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, tuân thủ pháp luật là điều kiện tối thiểu để doanh nghiệp phát triển và bước ra thế giới. "Chúng ta hướng tới giảm thiểu chi phí, rủi ro trong quá trình tuân thủ pháp luật, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp hành trang pháp lý để tự tin bước ra và khẳng định trên thị trường quốc tế", ông Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Thanh Tú, thực tế, việc tuân thủ pháp luật làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp trong ngắn hạn. Tuy nhiên, doanh nghiệp không vì thế rồi "lách luật", mà phải tính tới lợi ích dài hạn. Nếu không tuân thủ pháp luật, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng uy tín với xã hội, với khách hàng. Hội nghị đối thoại được tổ chức với mong muốn tiếp thu ý kiến để gỡ vướng cho cả doanh nghiệp và phía quản lý Nhà nước, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp tuân thủ pháp luật.

Tiến sỹ Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ rõ, việc tuân thủ pháp luật có liên quan đến tính bền vững của doanh nghiệp. Một số cá nhân, doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu nhưng chỉ một trục trặc, vướng mắc, không tuân thủ pháp luật có thể bị ảnh hưởng hàng chục năm sau.

Qua nghiên cứu, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, việc tuân thủ pháp luật đang thay đổi dần theo hướng tích cực nhưng chưa phổ biến. Một số doanh nghiệp vẫn có tâm lý “lách được cái nào thì tốt, mới chỉ là ứng biến trước mắt chứ chưa xây dựng nền tảng để tuân thủ pháp luật một cách triệt để". Bên cạnh đó, việc tuân thủ pháp luật chưa cao bắt nguồn rất lớn từ chất lượng các văn bản pháp luật. Cơ quan ban hành vẫn chưa thực sự quan tâm đến người thực hiện pháp luật sẽ thực hiện thế nào. Quy định pháp luật cũng thường rất phức tạp, không phải ai cũng tường tận, từ đó dẫn đến việc không tuân thủ pháp luật đầy đủ.

Tại Hội nghị đối thoại, các đại biểu cùng thảo luận, cho ý kiến về những khó khăn, bất cập của các quy định pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh…; đồng thời đề xuất những giải pháp hữu hiệu, khả thi nhằm xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, nâng cao chất lượng hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Minh Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nữ doanh nhân doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Âu Việt nhìn nhận, doanh nghiệp rất cần hành lang pháp lý đầy đủ để hoạt động.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Minh Thanh, một số quy định pháp luật còn bất cập so với thực tế, do đó doanh nghiệp đang gặp không ít vướng mắc khi tuân thủ các quy định này. "Các quy định pháp luật phải mang tính thực thi cao, đơn giản, cụ thể để doanh nghiệp hạn chế nhiều chi phí không tên", bà Thanh đề xuất.

Bà Lê Dung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đào tạo và Phát triển nhân lực DGroup nhấn mạnh đến vai trò truyền thông chính sách để doanh nghiệp hiểu rõ các quy định của pháp luật. Dẫn chứng về chính sách hỗ trợ vốn, nhiều doanh nghiệp không biết cách để tiếp cận bởi không có thông tin, hoặc khi có thông tin thì đã chậm, bà Lê Dung cho rằng, cần truyền thông để các doanh nghiệp hoạt động đúng khuôn khổ.

Một số đại biểu nhận định, việc tuân thủ pháp luật rất khó do còn những thủ tục hành chính rườm rà, quy định chưa rõ ràng, dễ thay đổi. Do đó, các cơ quan chức năng cần có văn bản hướng dẫn rõ ràng cho doanh nghiệp, đồng thời kiểm tra, đánh giá, xử phạt cá nhân vi phạm triệt để hơn. Các cơ quan báo chí thường xuyên phản ánh quy trình xây dựng pháp luật, quá trình thực thi pháp luật của doanh nghiệp.../.

Phan Phương

Tin liên quan

Xem thêm