Thực thi chính sách

Bến Tre nỗ lực tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác cải cách hành chính

Bến Tre

Hai năm gần đây, các Chỉ số liên quan công tác cải cách hành chính của tỉnh có xu hướng giảm hơn so với thời gian trước; trong đó, chỉ số tụt giảm nhiều nhất và nằm ở nhóm thấp, đó là Chỉ số cải cách hành chính.

TTXVN - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, thời gian tới, địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm khắc phục hạn chế về Chỉ số cải cách hành chính và các chỉ số có liên quan, đồng thời tạo chuyển biến mạnh mẽ, có hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu, thủ trưởng đơn vị, địa phương rà soát đầu việc được giao tại Đề án số 01-ĐA/TU của Tỉnh ủy về cải cách hành chính giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến 2030, Kế hoạch số 6600/KH-UBND ngày 12/10/2021 của UBND tỉnh về cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, Bản cam kết thực hiện các giải pháp để duy trì, cải thiện và nâng cao các Chỉ số PCI, PAPI, SIPAS, PAR INDEX giai đoạn 2022-2025…

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông theo dõi, kiểm tra, đánh giá triển khai công tác cải cách hành chính, giải pháp cải thiện, nâng cao các Chỉ số, việc thực hiện Bản cam kết của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, đề xuất giải pháp đánh giá, xét thi đua đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương còn thiếu quan tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, trong tổ chức thực hiện và để xảy ra hạn chế, thiếu sót trong công tác cải cách hành chính chung của tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị, địa phương.

Cùng với đó, tỉnh tăng cường trao đổi, kết nối, xin ý kiến Bộ, ngành Trung ương và học tập kinh nghiệm của các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng nhưng thực hiện tốt công tác cải cách hành chính để nghiên cứu, vận dụng phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh.

Các đơn vị, địa phương phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia vào tiến trình xác định Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức thông qua việc giám sát, phản biện, góp ý, hiến kế cho các ngành, địa phương...

Riêng đối với mục tiêu phấn đấu Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh nằm ở top 20 đến năm 2025 theo Đề án số 01-ĐA/TU ngày 29/12/2020 của Tỉnh ủy, đến nay, các cấp, ngành chủ động triển khai nhiều đầu việc để cải thiện Chỉ số cải cách hành chính. Kết quả cho thấy, từ hạng 63 năm 2019, tỉnh Bến Tre đã có sự chuyển biến tăng hạng trong hai năm liên tục 2020, 2021 (hạng 44, 37) nhưng năm 2022 lại tụt xuống (hạng 56). Thời gian tới, với tinh thần nỗ lực vượt khó, Bến Tre quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính để có thể sớm tiệm cận mục tiêu phấn đấu đề ra trong Đề án 01-ĐA/TU.

Theo UBND tỉnh Bến Tre, hai năm gần đây, các Chỉ số liên quan công tác cải cách hành chính của tỉnh có xu hướng giảm hơn so với thời gian trước; trong đó, chỉ số tụt giảm nhiều nhất và nằm ở nhóm thấp, đó là Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS). Trên cơ sở căn cứ vào kết quả công bố Chỉ số cải cách hành chính và các Chỉ số có liên quan đến công tác cải cách hành chính của Trung ương, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức hội nghị phân tích, đánh giá và đề ra giải pháp khắc phục, cải thiện.

Địa phương tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục hiệu quả từng nội dung được chấm điểm thấp nhằm cải thiện thứ hạng các Chỉ số của tỉnh. Qua phân tích toàn diện các vấn đề có liên quan, UBND tỉnh nhận thấy có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan đan xen, tác động dẫn đến các Chỉ số chưa đạt kết quả như kỳ vọng.

Về khách quan, các bộ Chỉ số được ban hành, sửa đổi, bổ sung vào cuối năm đánh giá và đều có sự thay đổi về một số tiêu chí thành phần, trọng số và nâng tỷ lệ thực hiện nên địa phương có sự lúng túng nhất định, chưa kịp thực hiện, cung cấp tài liệu kiểm chứng để chứng minh. Các Chỉ số được đánh giá thông qua điều tra xã hội học (đánh giá bên ngoài) có sự thay đổi về phương thức thực hiện, đối tượng khảo sát, bảng hỏi, địa bàn khảo sát, COVID-19 và các vấn đề tiêu cực, dư luận chưa tốt ảnh hưởng đến trải nghiệm, cảm xúc của người trả lời phiếu.

Các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh chưa nhận thức hết ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong thực hiện công tác cải cách hành chính. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, ngành phụ trách từng lĩnh vực cải cách hành chính còn thiếu chủ động, quyết liệt trong triển khai nhiệm vụ nên trong từng lĩnh vực cải cách hành chính và tổng thể chung của tỉnh còn nhiều hạn chế dẫn đến sự đánh giá bên trong, bên ngoài về công tác này chưa cao.

Trình độ, năng lực, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức thực hiện một số nội dung cải cách hành chính còn hạn chế, trong đó, có đội ngũ công chức tham mưu thực hiện công tác này.../.

Công Trí

Tin liên quan

Xem thêm