Công đoàn cũng đã tổ chức vận động, tập hợp, hướng dẫn nữ công nhân viên chức lao động phát huy tốt năng lực, trí tuệ trên mọi lĩnh vực, ngành nghề để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
TTXVN-Ngày 22/3, Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động Ban nữ công quần chúng”. Đây là dịp để lãnh đạo Công đoàn cấp trên cơ sở và cán bộ Công đoàn phụ trách nữ công tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm tìm giải pháp tăng cường các hoạt động chăm lo nữ giới, công tác phụ vận, thực hiện tốt mục tiêu đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Phùng Thái Quang, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, công tác vận động nữ công nhân viên chức lao động nói chung và công tác nữ công quần chúng nói riêng thời gian qua luôn được các ngành, các cấp Công đoàn thành phố quan tâm. Công đoàn cũng đã tổ chức vận động, tập hợp, hướng dẫn nữ công nhân viên chức lao động phát huy tốt năng lực, trí tuệ trên mọi lĩnh vực, ngành nghề để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Công đoàn, các mục tiêu, nhiệm vụ về kinh tế, văn hóa, xã hội thành phố. Nhiều phong trào được triển khai trong hệ thống Công đoàn như: Phong trào tập thể dục giữa giờ “Khỏe để lao động sản xuất”, chương trình “Áo dài - Trao gởi yêu thương”, học bổng “Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh”, “Vì lợi ích đoàn viên công đoàn”, “Vì sức khỏe người lao động” đã tạo động lực, sức lan tỏa rộng, thúc đẩy tinh thần phấn đấu học tập, lao động của nữ đoàn viên Công đoàn…
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn như: Đội ngũ cán bộ Công đoàn tại cơ sở đa số là kiêm nhiệm, thường xuyên biến động; một bộ phận Công đoàn chưa quan tâm đúng mức công tác nữ công; công tác tuyên truyền ở một số đơn vị còn mang tính hình thức…
Theo ông Phùng Thái Quang, để khắc phục tình trạng này, Công đoàn các cấp cần quán triệt sâu sắc vai trò, nhiệm vụ công tác nữ công; phải thường xuyên quan tâm đến công tác cán bộ, củng cố, tổ chức bộ máy. Ban Nữ công các cấp cần chủ động hơn trong việc nghiên cứu về quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ để làm phong phú hơn các hoạt động nữ công; nhiệm vụ nào chưa tốt cần quan tâm đầu tư và phát huy những kết quả tốt.
“Công đoàn và cán bộ phụ trách nữ công cần đổi mới phương thức hoạt động; chú trọng đầu tư nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, tỉ mỉ, sâu sắc và tinh tế hơn để mang lại giá trị tinh thần nhiều hơn và mang lại hiệu quả, ý nghĩa cao trong công tác chăm lo nữ giới. Công đoàn cấp trên cần tăng cường hỗ trợ, định hướng nội dung phù hợp với tình hình thực tiễn tại đơn vị nhằm tạo sự kết nối, chia sẻ, động viên mang tính dẫn dắt các hoạt động giữa cán bộ Công đoàn với người lao động và giữa Công đoàn cấp trên cơ sở với Công đoàn cơ sở để cùng hướng đến mục tiêu chung chăm lo cho nữ đoàn viên Công đoàn và người lao động ngày càng được tốt hơn…”, ông Phùng Thái Quang chia sẻ.
Từ thực tiễn những khó khăn tại đơn vị, bà Trương Thị Minh, Trưởng Ban Nữ công Công đoàn cơ sở Công ty trách nhiệm hữu hạn Freetrend Industrial cho rằng cán bộ nữ công cần chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong hoạt động; thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để không chỉ hỗ trợ kịp thời mà còn chăm lo tốt hơn cho lao động nữ. Ban Nữ công quần chúng tại doanh nghiệp, cần xây dựng quy chế, phân công nhiệm vụ cụ thể, tạo điều kiện cho các thành viên thực hiện nhiệm vụ; tăng cường tham mưu Ban Chấp hành Công đoàn nội dung hoạt động nữ công, vận động người sử dụng lao động tạo điều kiện cho nữ công nhân tham gia hoạt động Công đoàn, phong trào giỏi việc nước, đảm việc nhà; đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ nữ công nhân viên chức lao động thông qua việc trợ vay vốn, chăm sóc sức khỏe; tăng cường các chính sách hỗ trợ thuê nhà giá rẻ, xúc tiến nhà ở xã hội, chăm lo cho con công nhân lao động.
"Cán bộ nữ công phải gần gũi và thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nữ công nhân lao động; kịp thời phản ánh những trường hợp khó khăn, đột xuất để được hỗ trợ giúp đỡ; tạo động lực cho nữ công nhân lao động phấn đấu vượt khó, được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; bố trí sử dụng lao động nữ hợp lý nhằm phát huy năng lực và sở trường của nữ công nhân lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…”, bà Minh chia sẻ.
Để phát huy “Vai trò của Ban Chấp hành Công đoàn cấp trên cơ sở trong việc chỉ đạo hoạt động của Ban Nữ công quần chúng”, bà Dương Thị Loan, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần tập trung quan tâm phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ Ban Nữ công cơ sở; định hướng, hướng dẫn linh hoạt, đa dạng, đổi mới các hoạt động nữ công phù hợp với tâm lý, đối tượng, khả năng tham gia của lao động nữ. Cần có những buổi sinh hoạt nữ công mang tính chất tọa đàm, phân tích, trao đổi để người lao động nói chung và người sử dụng lao động nói riêng thấy rõ vai trò, tầm quan trọng của Ban Nữ công quần chúng tại các Công đoàn cơ sở.
Cũng tại Tọa đàm, các đại biểu đã đề xuất Công đoàn cấp trên hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ; tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Nữ công quần chúng; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách pháp luật; vận động nữ công nhân lao động tích cực học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp. Đặc biệt, nâng cao vai trò của Ban Nữ công quần chúng trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ; tích cực chăm lo và cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho lao động nữ; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách lao động nữ; tham mưu giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của lao động nữ, hỗ trợ lao động nữ có việc làm bền vững, môi trường làm việc an toàn, bình đẳng.../.