Xã hội

Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4: Thắp lửa nhân ái cho cuộc đời

Ở tuổi 84, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn vẫn tràn đầy nhiệt huyết, tích cực tham gia vào công tác xã hội, tiếp tục lao động, giúp ích cho đời.

Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn tại Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc năm 2024.
Ảnh: Phương Lan - TTXVN

TTXVN - Ở tuổi 84, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn vẫn tràn đầy nhiệt huyết, tràn đầy năng lượng, tích cực tham gia vào công tác xã hội, đoàn thể, giáo dục truyền thống tại địa phương, với mong muốn tiếp tục lao động, giúp ích cho đời.

* Vượt lên nghịch cảnh

Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn sinh năm 1940 tại làng Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tuổi thơ ông đã chứng kiến máy bay của thực dân Pháp ném bom xuống làng, bao vây tấn công rồi chiếm đóng làng, bắt bớ, tra tấn, giết hại nhiều người. Năm 11 tuổi, ông tham gia Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng, bí mật cùng nhân dân hoạt động trong lòng địch để giải phóng quê hương. Mặc dù chỉ học hết lớp 7, nhưng nhờ tinh thần tự học và được mọi người tín nhiệm, năm 18 tuổi ông đã trở thành thầy giáo trường làng. Sau đó ông tiếp tục được phân công giảng dạy môn Văn - Lịch sử ở Trường cấp 2 Liên Sơn (nay là Trường Tam Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh).

Năm 1963, thực hiện lời Bác Hồ dạy “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, thầy trò ông đã đi trồng cây. Khi tổng kết, thấy việc trồng cây tốt quá và thấy cần làm nhiều việc tốt nữa cho quê hương, đất nước, ông đã phát động ở địa phương phong trào “Làm nghìn việc tốt”. “Nghìn việc tốt” đã trở thành phong trào thi đua yêu nước của thiếu nhi Việt Nam; được Đảng, Nhà nước, Bác Hồ, ngành giáo dục và nhân dân khen ngợi. Sau đó, phong trào tiếp tục lan tỏa ra thiếu nhi miền Bắc, rồi thiếu nhi miền Nam và trên cả nước.

Giữa lúc đang dốc lòng dốc sức cống hiến cho nhân dân, đất nước, ông nhận được tin dữ - bị mắc bệnh phong. Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn chia sẻ, ngày ấy, bệnh phong vẫn còn bị kỳ thị. Khi các ngón tay của ông bắt đầu co lại, không có cảm giác, Ban giám hiệu khuyên ông nên đi điều trị. Ông đến  Bệnh viện Bạch Mai gặp bác sỹ khám, sau đó ông chuyển vào Trại phong Quỳnh Lập (Nghệ An).

“Ngày đầu tiên một người bạn hỏi tôi: Vào đây thấy thế nào? Tôi đáp: Tuyệt vời lắm! Nhưng thực ra đêm hôm trước tôi đã khóc, không ngủ được. Sáng sớm hôm sau, tôi ra bờ biển ngắm bình minh trên biển Quỳnh Lập và nghĩ: Đã có bình minh thì có cuộc sống…”, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn nhớ lại.

Bốn năm ở trại phong, ông đã chứng kiến những cảnh đời cô quạnh. Nhiều người bệnh bị cụt tay, cụt chân, nỗi đau như khoan vào xương. Bản thân ông cũng đau đớn, buồn chán, nhưng ông không cho phép mình suy sụp và luôn tự nhủ, không được buông xuôi cuộc đời. Rồi khi chứng kiến những đứa trẻ theo bố mẹ vào trại phong, không được học hành, ông thấy thương cảm vô cùng. Với tấm lòng của người thầy giáo, ông đề nghị Ban Giám đốc trại phong cho phép ông tổ chức lớp học tình thương trong trại, để dạy cho các cháu con chữ. Trường học Lê Văn Tám từ đó ra đời.

“Chúng tôi tập hợp tất cả những ai từng là giáo viên, học sỹ… những người có kiến thức đang điều trị tại trại phong để mời tham gia giảng dạy cho các em. Cũng từ đó, khu điều trị được biết đến không chỉ qua thành tích học tập của con em bệnh nhân, còn là sự dũng cảm chiến thắng bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống, phá vỡ những mặc cảm, nghi ngại của nhiều bệnh nhân. Tôi luôn tự nhủ mình phải sống, để các em được học hành và làm những việc có ý nghĩa”, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn chia sẻ.

Cứ như thế, ông đã chọn cách sống nhìn xuống chứ không nhìn lên. Ông bảo, nhìn xuống để thấy nhiều người khổ hơn mình mà người ta vẫn sống được, tại sao mình phải tuyệt vọng. Những ngày ở Quỳnh Lập, nhà giáo Nguyễn Đức Thìn vừa điều trị, vừa chữa bệnh vừa làm việc. Sau 4 năm điều trị, ông trở về ngôi trường cũ, tiếp tục đứng lớp và cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người.

Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn trò chuyện, giao lưu với các cháu học sinh.
Ảnh: Nhân vật cung cấp

* Thắp lửa nhân ái

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn cho biết, trong thời gian điều trị bệnh phong (1979-1983), ông được tham dự “Hội nghị Khoa học và nhân đạo về bệnh phong” do Bộ Y tế tổ chức ở Quỳnh Lập, ông đã có tham luận góp tiếng nói về xóa bỏ thành kiến không khoa học, không nhân đạo về bệnh phong, đề xuất những ý kiến cụ thể thiết thực về tổ chức cuộc sống điều trị và cuộc sống xã hội cho những người mắc bệnh phong.

Năm 1983, ông trở về ngôi trường cũ tiếp tục tham gia công tác giảng dạy, tiếp tục phát động phong trào thi đua “Làm nghìn việc tốt” tại địa phương. Đến năm 1991 ông về nghỉ hưu, được bà con địa phương tín nhiệm giao cho chức Trưởng Ban Tuyên truyền, vận động xây dựng lại đền Đô, Di tích Quốc gia thờ 8 vị vua nhà Lý, nơi Bác Hồ từng thắp hương cho các vị vua và nói chuyện với bà con nhân dân. Bên cạnh việc làm hướng dẫn viên du lịch đền Đô, dù đôi bàn tay không còn xòe ra được, ông vẫn cầm bút gõ máy tính, tiếp tục sáng tác thơ, văn và viết báo, tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội ở địa phương.

Đến nay, ông đã xuất bản 25 đầu sách với trên 5.000 trang, trong đó có 8 tập thơ, tiêu biểu là tập thơ “Bình minh đến sớm”, tuyển tập “Nghìn việc tốt - Chuyện kể ở Tam Sơn” và đặc biệt cuốn tự truyện “Chuyện cuộc đời”, dày gần 500 trang, là tư liệu quý, kịch bản hay cho các nhà làm phim xây dựng hơn 10 bộ phim tài liệu... Ông cũng chính là nhân vật được các nhà làm phim kể trong bộ phim tài liệu “Người thắp lửa”, đoạt giải Cánh diều vàng của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương năm 2010.

Ông đã có hơn 30 sáng kiến, đề tài khoa học các cấp, trong đó, có 4 đề tài được tặng Bằng khen và Huy hiệu Lao động sáng tạo của Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn chia sẻ, là người khuyết tật, di chứng của bệnh phong khiến đôi bàn tay teo cò, mất cảm giác, nhưng với ông, mất cảm giác chỉ ở trên da thịt. Vì thế, dù đã 84 tuổi, ông vẫn miệt mài với các hoạt động xã hội, phụ trách tổ tuyên truyền hướng dẫn thuyết minh đền Đô.

“Tôi biết ơn những người đã xóa bỏ những thành kiến về bệnh phong để tôi hội nhập được trong xã hội, biết ơn những người đã yêu thương, giúp đỡ cho tôi tồn tại và phát huy được khả năng của mình đối với xã hội, xây dựng được cuộc sống tốt đẹp cho chính mình. Tôi vẫn sống, vẫn ước mơ, sáng tạo và hành động giúp ích cho đời, mặc dù tuổi cao và điều kiện sức khỏe hạn chế”, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn bày tỏ.

Với tinh thần “thắp lửa nhân ái cho cuộc đời bớt đau”, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn ví, những người lành mạnh là cây nến thẳng, còn ông - người khuyết tật là cây nến cong, nhưng khi thắp lên, chúng ta đều có được những ngọn lửa thẳng. Khi 2 ngọn lửa đứng gần nhau sẽ càng sáng hơn. Người Việt Nam chúng ta có truyền thống nhân ái, nên ông mong muốn lòng nhân ái được thắp thành những ngọn lửa, sáng chói tình yêu thương con người...

Đến nay, dù đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn vẫn miệt mài với công việc làm hướng dẫn viên du lịch ở Đền Đô, một công việc mà ông cho rằng có thể giúp mình truyền đạt những kiến thức sâu rộng về lịch sử và văn hóa Việt Nam tới thế hệ trẻ và du khách thập phương. Ông bảo, ông là người khuyết tật về thể xác, không khuyết tật về tâm hồn. Khát vọng làm việc của ông vẫn lớn lắm và ông vẫn tràn đầy năng lượng để tiếp tục cống hiến, làm nhiều việc để giúp ích cho đời./.

Phương Hà

Tin liên quan

Xem thêm