Với tấm lòng thiện tâm, nhiều nhà bảo trợ vẫn sẽ không ngừng nỗ lực, cố gắng để góp phần làm vơi bớt khó khăn của các gia đình khó khăn, đối tượng yếu thế.
TTXVN - Chia sẻ của những người bảo trợ tại Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ VI, diễn ra sáng 11/4, cho thấy dù cuộc sống có khó khăn, vất vả nhưng với tấm lòng thiện tâm, họ vẫn sẽ không ngừng nỗ lực, cố gắng để góp phần làm vơi bớt khó khăn của các gia đình khó khăn, đối tượng yếu thế.
* Hết lòng vì trẻ mồ côi, khuyết tật
Được xây dựng từ năm 2004, chùa Thiện Tâm, toạ lạc tại khu phố 1, thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Từ nhiều năm trước, nhà chùa thường xuyên tiếp nhận những trường hợp trẻ bị bỏ rơi trước cổng chùa, trong bệnh viện về nuôi dưỡng, chăm sóc. Xuất phát từ thực tế cần có nơi để nuôi dưỡng, chăm sóc, đồng thời cho các cháu học tập văn hóa, học nghề, chăm sóc sức khỏe cho những trẻ khuyết tật…, trụ trì chùa Thiện Tâm đã xin phép UBND tỉnh thành lập Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Thiện Tâm. Trung tâm được thành lập năm 2005, đến năm 2014, được phép tăng quy mô hoạt động, tiếp nhận nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mồ côi hằng năm với số lượng từ 80 đến 100 trẻ.
Là trụ trì chùa Thiện Tâm, cũng là người sáng lập Trung tâm Thiện Tâm, thầy Nguyễn Văn Phương (pháp danh Thích Lệ Tâm) luôn dành tất cả tình thương yêu cho trẻ. Thầy tâm sự: "Tôi không ngại khó khăn gian khổ, chỉ mong các cháu luôn khoẻ mạnh, học hành đến nơi đến chốn, khi ra đời có nghề nghiệp ổn định, nuôi sống bản thân, giúp ích cho xã hội. Cứ nghe ai giới thiệu hay nghe nói nơi nào có trẻ bị bỏ rơi là tôi lại đến tận nơi, trực tiếp thăm hỏi, tiếp nhận, đưa cháu về nuôi. Ngoài những lúc kệ kinh, thuyết giảng, thời gian còn lại tôi dành cho các cháu và lao động, chăm sóc vườn cây, nhiều lúc quên cả nghỉ ngơi".
Ở Trung tâm, 103 trẻ được nuôi dạy là 103 hoàn cảnh khác nhau. Ngoài một số cháu phát triển bình thường, độ tuổi 2-3 tuổi, còn có một số cháu bị bệnh bẩm sinh như down, khuyết tật, suy dinh dưỡng nặng… Dường như các cháu cảm nhận được về những vất vả của thầy và các mẹ ở Trung tâm nên đều rất ngoan, không quấy khóc. Với những cháu lớn hơn, Trung tâm cho đi học từ cấp 1 đến cấp 3. Trường gần, các cháu tự đi, trường xa thì có xe của Trung tâm đưa đón. Ngoài học phí được Nhà nước hỗ trợ, các vật dụng cá nhân, như: sách vở, cặp, áo quần, văn phòng phẩm... Trung tâm đều lo cho các cháu chu đáo, đầy đủ. Kinh phí nuôi dưỡng các cháu mỗi năm đều nhờ sự vận động trợ giúp của các nhà hảo tâm, các tấm lòng thiện nguyện trong và ngoài nước, cộng với nguồn tự sản xuất của Trung tâm. Ngoài việc chăm lo cho các cháu, nếu còn kinh phí dôi dư, thầy Thích Lệ Tâm lại tập trung cho việc xây dựng cơ bản, mỗi năm một công trình nhỏ để Trung tâm ngày càng phát triển khang trang hơn. Tính từ năm 2005 đến nay, tổng chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu và kiến tạo Trung tâm khoảng 23,5 tỷ đồng.
Thầy Thích Lệ Tâm cũng tích cực tham gia phong trào xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tại đia phương. Mỗi năm, thầy vận động ủng hộ từ 5-10 triệu đồng và những phần quà thiết thực ý nghĩa, góp phần xây dựng địa phương ngày càng vững mạnh. Riêng năm 2023, hưởng ứng phong trào “Ánh sáng an ninh” của địa phương, Trung tâm đã lắp trụ đèn năng lượng cho toàn tuyến đường bê tông gồm 50 hộ gia đình sinh sống trên tuyến đường, tổng trị giá 37,4 triệu đồng. Thầy cũng thường xuyên kết nối với các đơn vị quản lý, chính quyền đoàn thể địa phương, các tổ chức từ thiện khám bệnh tư vấn sức khỏe, tặng quà các ngày lễ, Tết...
Thầy Tâm mong có nhiều sức khỏe để chăm sóc các cháu và rất mong đón nhận được những tấm lòng thiện nguyện trong và ngoài tỉnh, ngoài nước tiếp tục ủng hộ để Trung tâm ngày càng hoàn thiện hơn.
* Sẻ chia cùng các hoàn cảnh khó khăn
Dù trải qua nhiều thăng trầm, thử thách đau thương trong cuộc sống, chị Lê Thị Thanh Thủy (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn luôn dành sự sẻ chia với những người có hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh, trước hết là những nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, trẻ mồ côi.
Theo lời kể của chị Thanh Thủy, khi chưa đầy một tuổi, ba chị Thủy qua đời do vết thương quá nặng để lại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mẹ chị tần tảo nuôi 7 người con khôn lớn, trưởng thành. Từ nhỏ, chị đã trải qua sự thiếu thốn về vật chất, đến khi kết hôn, chồng chị cũng xuất thân từ nông dân của vùng đất khô cằn xứ Nghệ, phấn đấu đi lên từ hai bàn tay trắng, vì vậy chị càng thấm thía hơn sự vất vả, khó khăn của những người thiệt thòi trong xã hội.
Từ nguồn lương của hai vợ chồng và đóng góp của một số bạn bè thân thiết, gia đình chị Thủy nhận nuôi hằng tháng và cho đến hết đời 68 trẻ em khuyết tật là nạn nhân chất độc da cam. Cảm thương những cụ già mù, neo đơn, mỗi tháng, chị hỗ trợ cho 11 cụ thuộc Hội Người mù tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mỗi cụ từ 300.000-500.000 đồng; tài trợ cho 12 hộ gia đình nghèo khuyết tật ở Phường 8 thành phố Vũng Tàu 120 kg gạo, 12 thùng mỳ. Ngoài trợ cấp, nuôi dưỡng thường xuyên, mỗi khi biết được ai đó rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, dù ở trong hay ngoài tỉnh, chị Thủy đều cố gắng chung tay, giúp đỡ.
Nhờ sự hỗ trợ của Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ xã hội, chị Thủy và bạn bè mở 1 bếp ăn tình thương, mỗi ngày nấu, cấp miễn phí từ 300-500 suất cơm cho người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Những năm tháng COVID-19 bùng phát, bếp ăn của các chị đưa cơm đến phục vụ trực tiếp cho các chốt trực bảo vệ, bệnh nhân ở bệnh viện, người đang ở những điểm cách ly trong tỉnh. Sau dịch bệnh, chị Thủy được UBND tỉnh vinh danh là 1 trong 10 công dân ưu tú tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (2022). Đến nay bếp ăn vẫn tiếp tục hoạt động với chi phí bình quân 100 triệu đồng/tháng. Ngoài bếp ăn, gia đình chị và bạn bè còn hỗ trợ để Hội xây dựng 6 căn nhà tình thương cho người khuyết tật nghèo, trị giá 50 triệu đồng/căn. Với mỗi căn nhà được bàn giao, chị lại vận động các bạn mua sắm, trao tặng gia đình một số đồ gia dụng cần thiết.
Mười năm đồng hành cùng Tỉnh hội Bà Rịa Vũng Tàu, gia đình chị Thủy và bạn bè đã ủng hộ gần 7,5 tỷ đồng để chăm lo cho nạn nhân da cam, người khuyết tật, trẻ mồ côi và nhiều mảnh đời bất hạnh khác. Vợ chồng chị dự kiến sẽ tiếp tục xây tặng 2-3 căn nhà tình thương mỗi năm với kinh phí tương tự, đồng thời tiếp tục vận động thêm bạn bè, đồng nghiệp để cùng dành dụm, đóng góp, ủng hộ.
Chị Thanh Thủy khẳng định những việc mình làm đều xuất phát từ tấm lòng muốn san sẻ với bà con nghèo. Sự hỗ trợ tuy còn nhỏ bé, nguồn lực còn hạn chế nhưng đó là tấm lòng, xuất phát từ sự đồng cảm, từ suy nghĩ của những người con được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc, mong được đền đáp một phần công ơn của những người đã hy sinh xương máu trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Chị Thủy mong nhận được sự cổ vũ, động viên, hỗ trợ, hướng dẫn của tổ chức Hội, sự ủng hộ của các tấm lòng hảo tâm trong và ngoài nước để có thể tìm đến được với những người cần giúp đỡ, phát huy được hiệu quả thiết thực nhất.
"Chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực, cố gắng để góp phần làm vơi bớt khó khăn của các gia đình, giúp nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, trẻ mồ côi có thêm niềm tin yêu cuộc sống" - chị Thanh Thủy khẳng định./.
- Từ khóa:
- người khuyết tật
- trẻ mồ côi
- bảo trợ