Người lao động ngày càng quan tâm đến việc làm linh hoạt và được chủ động về thời gian.
TTXVN - Ngày 1/4, Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (Falmi) cho biết, khảo sát hơn 37.200 lao động có nhu cầu tìm việc trong quý I/2024 cho thấy, gần 36.200 người đã qua đào tạo có nhu cầu tìm kiếm việc làm, chiếm 97,21% so với tổng nhu cầu.
Nhu cầu tìm kiếm việc làm của lao động có trình độ đại học trở lên có 23.242 người, chiếm 62,42%; lao động có trình độ cao đẳng hơn 4.700 người, chiếm 12,68%; trung cấp hơn 4.300 người, chiếm 11,77% và sơ cấp 3.850 người chiếm 10,34%. Nhu cầu tìm kiếm việc làm ở lao động phổ thông có hơn 1.000 người, chiếm 2,79% tổng cầu.
Phân theo nhóm ngành, nghề, Falmi cho biết, lĩnh vực kinh doanh thương mại, nhu cầu tìm kiếm việc làm chiếm 19,62% và tập trung ở vị trí như, nhân viên bán hàng, tư vấn viên bán hàng, sales admin (trợ lý kinh doanh), nhân viên telesale, nhân viên kinh doanh, cộng tác viên bán hàng, nhân viên thu mua… Lĩnh vực quản lý điều hành, nhu cầu người tìm việc chiếm 5,3% và tập trung các vị trí như, giám đốc bộ phận, Phó Giám đốc quản lý chung, Giám đốc điều hành, quản đốc phân xưởng, sản xuất, kho hàng, bán hàng…
Ở lĩnh vực công nghệ thông tin, người có nhu cầu tìm kiếm việc làm chiếm 5,1% tổng cầu với các vị trí như, thiết kế website, kỹ thuật máy tính, kỹ sư phần mềm, thiết bị viễn thông tin học, lập trình, quản trị hệ thống… Lĩnh vực cơ khí - tự động hóa, nhu cầu tìm kiếm việc làm chiếm 4,33% với các vị trí như, kỹ sư ô tô, cơ khí, thiết kế cơ khí, kỹ thuật viên bảo trì máy cơ khí, vận hành thiết bị sản xuất, cơ điện tử… Lĩnh vực dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng, nhu cầu người tìm việc chiếm 4,23% và tập trung ở các vị trí điều phối đơn hàng, quản lý kho, chứng từ xuất nhập khẩu, kinh doanh xuất nhập khẩu, logistics…
Tương tự, nhu cầu người lao động tìm việc ở lĩnh vực kế toán - kiểm toán chiếm 4,5%; lĩnh vực dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ chiếm 8,33%; lĩnh vực hành chính - văn phòng - biên phiên dịch chiếm 7,17%; lĩnh vực nhân sự chiếm 6,62%...
Nhu cầu tìm kiếm việc làm ở các nhóm ngành, nghề khác chiếm 31,53% tổng nhu cầu và tập trung ở vị trí như, kỹ sư điện tử, MEP, môi trường, sinh học, thực phẩm, nhân viên phân tích tài chính, hỗ trợ tín dụng, môi giới bảo hiểm…
Khảo sát của Falmi cũng cho thấy, tỷ lệ lao động có nhu cầu tìm việc mức lương trên 20 triệu đồng/tháng chiếm cao nhất với hơn 43,1% so tổng số người tìm việc. Có 25% người lao động tìm việc kỳ vọng mức lương từ 10 - 15 triệu đồng/tháng; hơn 20% người lao động tìm việc mong muốn mức lương từ 15 - 20 triệu đồng/tháng; hơn 11% người lao động tìm việc đề xuất mức lương từ 5 - 10 triệu đồng/tháng.
Nhóm người lao động có nhu cầu tìm việc ở mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng chỉ chiếm 0,77% so với tổng số người tìm việc. Trong đó, nhóm người này chủ yếu là lao động phổ thông hoặc tìm việc làm bán thời gian ở các vị trí như, thực tập sinh, nhân viên bán hàng, tạp vụ, bảo vệ, phục vụ, phụ bếp, bán hàng siêu thị, nhân viên nhập liệu…
Theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động quý I/2024 không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm trước, vẫn tập trung nhiều ở lao động đã qua đào tạo. Xu hướng hiện nay, người lao động ngày càng quan tâm đến việc làm linh hoạt và được chủ động về thời gian.
Bên cạnh người lao động muốn duy trì việc làm, thu nhập ổn định vẫn có một số lao động muốn “nhảy việc” tìm cơ hội mới. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, dưới tác động của nền kinh tế, thị trường lao động vẫn còn nhiều thách thức.
Để duy trì việc làm và có nguồn thu nhập ổn định, người lao động cần cân nhắc khi chuyển đổi việc làm; đồng thời chủ động học tập, nâng cao trình độ, trang bị tốt kỹ năng nghề, kỹ năng mềm nhằm thích ứng nhanh sự thay đổi của thị trường, tìm kiếm nhiều cơ hội phát triển bản thân…, bà Nguyễn Hoàng Hiếu khuyến nghị./.
Thanh Vũ
- Từ khóa:
- Thành phố Hồ Chí Minh
- lao động
- việc làm