Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ động triển khai, đẩy mạnh công tác chi trả không dùng tiền mặt đối với người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp.
TTXVN - UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có công văn chỉ đạo các ngành chức năng, UBND huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường thực hiện chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu, Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ động triển khai và thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; đẩy mạnh công tác chi trả không dùng tiền mặt đối với người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp.
Bảo hiểm xã hội phối hợp các sở, ban, ngành, cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích phát triển người nhận chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân. Đồng thời, phối hợp các Ngân hàng thương mại, Bưu điện tỉnh hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp nhận tiền qua tài khoản cá nhân.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức tuyên truyền về chuyển đổi số trong chi trả không dùng tiền mặt cho người hưởng các chính sách an sinh xã hội. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người hưởng nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp đăng ký nhận trợ cấp qua tài khoản cá nhân (thẻ ATM).
Bưu điện tỉnh phối hợp Bảo hiểm xã hội tỉnh triển khai kế hoạch sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong quá trình chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp hằng tháng.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các ngân hàng thương mại nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho người thụ hưởng chính sách an sinh xã hội khi mở, sử dụng tài khoản ngân hàng; đầu tư cơ sở hạ tầng, sắp xếp hợp lý mạng lưới ATM tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ thẻ ngân hàng, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi và khu công nghiệp.
Các sở, ngành tăng cường thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người thụ hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp ở địa phương nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt...
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc, thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng năm 2030, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh đầu tư hạ tầng công nghệ, đa dạng hóa và gia tăng dịch vụ thanh toán mới theo hướng hiện đại, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.
Các tổ chức tín dụng tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ nhằm phục vụ thanh toán điện tử. Đến tháng 12/2023, việc thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng, tổng giao dịch qua internet tăng 81,5% về số lượng và 13,8% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 70,1% về số lượng và 15% về giá trị; qua phương thức QR tăng hơn 140%.
Toàn tỉnh hiện có 242 máy ATM, 980 POS được lắp đặt tại các cơ sở kinh doanh, cơ sở y tế, trường học… phân bổ từ khu vực thành thị đến nông thôn. Tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại các tổ chức tín dụng ở Vĩnh Phúc đạt trên 60%. Toàn tỉnh có hơn 700.000 tài khoản thanh toán và 132.000 thẻ được mở bằng phương thức điện tử, gần 30.000 tài khoản Mobile-Money đã được mở, trong đó có khoảng 40% tài khoản được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Tính đến đầu năm 2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng mạnh với tổng số lượng giao dịch qua internet tăng 64% và tăng gần 35% giá trị. Hầu hết cơ quan, đơn vị trả lương qua hệ thống ngân hàng. Đến nay, thu - chi qua Kho bạc Nhà nước trên địa bàn tỉnh chủ yếu được thực hiện bằng phương thức điện tử. Số thu ngân sách Nhà nước bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước năm 2023 chỉ chiếm 0,18% so với tổng thu; số chi bằng tiền mặt qua Kho bạc Nhà nước chiếm 0,25% so với tổng chi qua Kho bạc Nhà nước. Dịch vụ thanh toán tiền điện sinh hoạt, điện sản xuất- kinh doanh của tổ chức, cá nhân thực hiện qua ngân hàng, tổ chức trung gian trên địa bàn tỉnh đạt trên 83%.../.
- Từ khóa:
- Vĩnh Phúc
- chi trả
- an sinh xã hội