Chính phủ hành động

Số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội cho người dân

Việc số hóa giúp công tác chi trả cho người hưởng trợ cấp an sinh xã hội an toàn, nhanh chóng hơn, tránh xảy ra chi trả nhầm.

Các vị khách mời trao đổi tại Tọa đàm.
Ảnh: Chu Thanh Vân

TTXVN - "Số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội cho người dân" là chủ đề Tọa đàm do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 26/3.

Tọa đàm đem lại góc nhìn khái quát, toàn diện về hoạt động chi trả chính sách an sinh xã hội hiện nay; kết quả đạt được trong ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa chi trả an sinh xã hội; tiện ích, chi phí được cắt giảm thông qua ứng dụng công nghệ số trong chi trả an sinh xã hội. Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về những biện pháp đẩy mạnh số hóa chi trả an sinh xã hội thời gian tới.

* Chi trả an sinh xã hội qua tài khoản thanh toán

Chia sẻ về các phương thức chi trả an sinh xã hội hiện nay do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai, bà Vũ Thị Thanh Hà, Chánh Văn phòng Trung tâm Công nghệ thông tin cho biết, ngành phấn đấu hết năm 2024, tỷ lệ đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội có tài khoản thanh toán đạt tối thiểu 30% trên tổng số đối tượng thuộc địa phương quản lý. Trường hợp đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội không đủ điều kiện mở tài khoản theo quy định và không có người ủy quyền nhận thay thì thực hiện chi trả trực tiếp qua tổ chức dịch vụ chi trả hoặc phương thức khác theo quy định.

Hiện nay, hoạt động chi trả an sinh xã hội được thực hiện thông qua công chức văn hóa xã hội cấp xã từ ngày 1-10 hàng tháng tại trụ sở xã; thông qua các tổ chức dịch vụ chi trả (bao gồm các đối tượng có tài khoản thanh toán và chưa có tài khoản thanh toán); chi trả trực tiếp từ Kho bạc Nhà nước cấp huyện đến trực tiếp tài khoản đối tượng thụ hưởng.

Theo ông Nguyễn Thế Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát Chi, hiện Kho bạc Nhà nước đã nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến với quy trình kiểm soát thanh toán cho các cá nhân hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và qua cổng trao đổi dữ liệu của cơ quan này. Ngày 9/1/2024, Kho bạc Nhà nước triển khai thí điểm chi trả lương cho các cá nhân qua tài khoản thông qua hệ thống dữ liệu Kho bạc Nhà nước tại Vĩnh Phúc và Hải Phòng. Sau 3 tháng, cơ bản việc triển khai quy trình này được đánh giá rất tích cực.

Sắp tới, Kho bạc Nhà nước thực hiện quy trình chi trả an sinh xã hội tương tự như theo quy trình chi trả lương. Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với cơ quan công an để trao đổi xác thực thông tin chính xác về các đối tượng thụ hưởng để lập bảng thanh toán, sau đó cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ lập hồ sơ đề nghị thanh toán với Kho bạc Nhà nước.

Sau khi thực hiện công tác kiểm soát xong, Kho bạc sẽ đưa dữ liệu bảng thanh toán lên cổng trao đổi dữ liệu. Quy trình này khác và tiến bộ hơn so với trước. Trước đây, khi các đơn vị chuyển lên dịch vụ công trực tuyến, Kho bạc Nhà nước sẽ phải in, phục hồi bảng thanh toán và mang ra ngân hàng thương mại để thanh toán. Với quy trình này, khâu đó sẽ được số hóa và đảm bảo dữ liệu an toàn, chính xác.

Bộ Công an là đơn vị đầu mối triển khai xây dựng hệ sinh thái cung cấp nền tảng thanh toán điện tử trong các lĩnh vực công, an sinh xã hội,... thông qua ứng dụng VneID. Thiếu tá Đào Đình Nam, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân - Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (C06) cho biết, Bộ Công an đã cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tạo lập, đối soát, làm sạch toàn bộ dữ liệu về an sinh xã hội với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là điều kiện quan trọng nhất để thực hiện việc chi trả đúng người, đúng đối tượng và không bị gian lận trong quá trình chi trả.

C06 đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, UBND các địa phương hoàn thiện tính năng an sinh xã hội nhằm xây dựng nền tảng thanh toán chi trả an sinh xã hội trên ứng dụng VNeID. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng hướng tới mục tiêu cùng với các bộ, ngành xây dựng cho tất cả công dân đều có tài khoản an sinh xã hội được xác thực với danh tính từ dữ liệu quốc gia về dân cư.

“Nếu ngày mai, người nào đó trở thành đối tượng được chi trả an sinh xã hội thì hoàn toàn có thể thụ hưởng ngay. Chúng ta có thể theo dõi quá trình, kết quả chi trả được cập nhật liên tục. Do vậy, toàn bộ quy trình chi trả này luôn được đảm bảo thuận tiện, công khai, minh bạch, đúng người, đối tượng và ứng dụng được công nghệ và chuyển đổi số”, Thiếu tá Nam nói.

Thiếu tá Đào Đình Nam, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân - Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ảnh: Vân Khang

* Bảo vệ quyền lợi khách hàng

Từ phía Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thường xuyên nâng cấp hệ thống, tiện ích để cung ứng các nền tảng thanh toán liên thông, cho phép xử lý tức thời và vận hành 24/7, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, có thể cho phép chi trả an sinh xã hội an toàn, tiện lợi, nhanh chóng đến người hưởng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại, tổ chức thanh toán đã phát triển hệ sinh thái số, cụ thể là các tài khoản thanh toán, ví điện tử, tài khoản mobile banking, đáp ứng cho người dân có nhu cầu chi trả an sinh xã hội. Ngân hàng Nhà nước cũng quan tâm đến yếu tố bảo vệ quyền lợi khách hàng, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức trong quá trình sử dụng, giúp đối tượng sử dụng dịch vụ an toàn, tiện lợi.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia (NAPAS) thông tin, NAPAS đã phối hợp với một số ngân hàng thành viên thực hiện thí điểm triển khai đăng ký tài khoản ngân hàng/tài khoản mobile money trên hệ thống VNeID và đã thành công. Thời gian tới, sau khi C06 thực hiện cập nhật chính thức tính năng an sinh xã hội trên ứng dụng VNeID để toàn bộ người dân có thể lên đó đăng ký tài khoản ngân hàng và số tài khoản mobile money, NAPAS sẽ cùng phối hợp thực hiện triển khai chính thức, rộng rãi.

“Khó khăn, vướng mắc chủ yếu là đây là dịch vụ chưa có tiền lệ... Trong quá trình làm việc chúng tôi phải họp bàn rất nhiều, không chỉ giải quyết những vấn đề kỹ thuật mà còn cả quy trình nghiệp vụ, pháp lý”, ông Long chia sẻ.

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, đến nay, NAPAS đã sẵn sàng phối hợp cùng Bộ Công an và các bộ, ban, ngành khác triển khai thông suốt dịch vụ chi trả an sinh xã hội.

Tại Tọa đàm, các vị khách mời nhận định, dịch vụ này tuy mới nhưng có tiềm năng, sẽ triển khai rất thành công, mang đến lợi ích thiết thực cho người hưởng trợ cấp an sinh xã hội. Chi trả an sinh xã hội được số hóa mang lại nhiều lợi ích: An toàn hơn, nhanh chóng hơn, tránh xảy ra việc chi trả tiền trợ cấp nhầm, đảm bảo sẽ đến được tận tay người hưởng.

Các cơ quan chức năng phục vụ người dân tốt hơn, thực hiện kiểm tra, kiểm soát, giám sát được thông suốt, minh bạch và an toàn; người hưởng là người thực tế được nhận tiền, Nhà nước không bị thất thu, tiền đến được đúng đối tượng. Các tổ chức cung cấp dịch vụ cũng được hưởng lợi từ các lớp khách hàng.

Hiện nay, việc chi trả an sinh xã hội qua tài khoản thanh toán vẫn đang thí điểm, dự kiến sau ngày 1/7/2024 sẽ hoàn thiện và chính thức triển khai. Quá trình chi trả liên quan đến rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng, ngân hàng, do vậy, phải đảm bảo về an ninh, an toàn hệ thống cũng như bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Vai trò then chốt ở đây là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với Bộ Công an luôn phải làm sạch, cập nhật dữ liệu về an sinh xã hội, đồng bộ với tài khoản thanh toán của ngành Ngân hàng và mọi dữ liệu đều được khớp./.

Chu Thanh Vân

Tin liên quan

Xem thêm