Xã hội

Tạo điều kiện để người mù cống hiến và thụ hưởng chính sách an sinh tốt nhất

Hà Nội

Trải qua hơn 9 nhiệm kỳ, Hội đã có hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trung ương tới địa phương với các tỉnh, thành có tổ chức Hội (trong đó có 532 Hội xã, phường, 3.124 Chi hội và 72.714 hội viên).

Hội Người mù Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập 
Ảnh: Đỗ Bình/TTXVN

TTXVN - Ngày 17/4, tại Hà Nội, Hội Người mù Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập (17/4/1969 - 17/4/2024).

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam Phạm Viết Thu khẳng định: ngày 17/4/1969 là mốc son, dấu ấn lịch sử, bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển bình đẳng, hạnh phúc của người mù Việt Nam. Hội ra đời nhằm tập hợp người mù trên cả nước tham gia vào tổ chức Hội để được chăm lo đời sống vật chất và tinh thần; được học chữ, học nghề, tạo việc làm, tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao… góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của cộng đồng xã hội.

Ông Phạm Viết Thu chia sẻ: Lễ kỷ niệm cũng là ngày hội lớn của người mù Việt Nam, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc; là dịp tốt để các thế hệ cán bộ, hội viên tiêu biểu tham gia trực tiếp, trực tuyến để ôn lại những kết quả, thành tích trong suốt chặng đường 55 năm hoạt động hội, thể hiện một quyết tâm cao tiếp tục đoàn kết đẩy mạnh toàn diện các mặt hoạt động, ngày càng đi vào chiều sâu, đa dạng và phong phú đạt nhiều hiệu quả, góp phần xây dựng Hội ngày càng phát triển, nhằm không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống hội viên; góp phần thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội của Nhà nước.

Diễn văn ôn lại truyền thống 55 năm ngày thành lập của Hội do Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam Đinh Việt Anh trình bày một lần nữa khẳng định sự ra đời của Hội là dấu ấn lịch sử, bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển bình đẳng, hạnh phúc của người mù. Hội thực sự là mái nhà chung, chỗ dựa tin cậy của những người mù trên toàn quốc.

Trải qua hơn 9 nhiệm kỳ, Hội đã có hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trung ương tới địa phương với các tỉnh, thành có tổ chức Hội (trong đó có 532 Hội xã, phường, 3.124 Chi hội và 72.714 hội viên).

Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng cho người mù thuộc Trung ương Hội cùng hàng chục trung tâm của các tỉnh, thành Hội lần lượt ra đời, đóng góp quan trọng trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và khẳng định sự trưởng thành của Hội. Hội đang quản lý 384 cơ sở cùng nhiều tổ nhóm sản xuất, dịch vụ với hơn 4.000 lao động từ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, văn phòng phẩm, đồ gỗ, xoa bóp bấm huyệt...

Chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm được triển khai từ năm 1992 đến nay. Hội đang quản lý số vốn vay hơn 52 tỉ đồng theo kênh Trung ương và hơn 18 tỉ đồng kênh địa phương. Hàng vạn hội viên đã cùng gia đình sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và trả nợ đầy đủ, đúng hạn, được Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá cao.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh cho rằng, những thành viên của tổ chức của Hội không chỉ là người có trách nhiệm, mà còn có trí tuệ, đóng góp vào quá trình hội nhập. Các thành viên đã đi lên từ trí tuệ và khối óc, trở thành những thạc sĩ, MC, hiệp sĩ công nghệ thông tin... Những bài phát biểu của các đại biểu quốc tế tại Hội thảo massage người mù khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 16 đã nói lên vị trí của Hội Người mù Việt Nam trong cộng đồng người mù khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Triệu Tài Vinh cho biết, thời gian tới, Ban Dân vận Trung ương sẽ có trách nhiệm cùng các ban Đảng thực hiện tốt hai Chỉ thị của Ban Bí thư để người khuyết tật nói chung và người mù nói riêng có điều kiện cống hiến và thụ hưởng chính sách an sinh tốt nhất của Đảng và Nhà nước./.

Đỗ Phương Bình

Xem thêm