Ngày Thể thao Việt Nam 27/3: Thể thao quần chúng góp phần nâng cao tầm vóc, thể chất người Việt
Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên không chỉ giúp ngăn ngừa bệnh tật, mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, mà còn góp phần nâng cao tầm vóc, thể chất con người.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra tư tưởng “dân cường thì quốc thịnh”. Ngày 27/3/1946, Bác Hồ ra "Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục". Sau đó, Báo Cứu Quốc số 199 đã đăng bài "Sức khỏe và thể dục" thể hiện lời kêu gọi của Bác, trong đó đã phân tích và đưa ra những lời khuyên rất cụ thể về lợi ích của tập thể dục, đề nghị mọi người cùng quan tâm đến hoạt động này. Nhiều năm qua, việc cải thiện tầm vóc, thể lực người Việt Nam luôn là một trong những mục tiêu được Đảng và Nhà nước quan tâm ưu tiên. Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên không chỉ giúp ngăn ngừa bệnh tật, mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, mà còn góp phần nâng cao tầm vóc, thể chất con người.
Tầm vóc người Việt được cải thiện
Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê và Viện Dinh dưỡng quốc gia trong năm 2019 – 2020, nam thanh niên Việt Nam có chiều cao trung bình là 168,1cm, nữ giới đạt 156,2cm. Trẻ em thành phố cao hơn 2cm so với trẻ em nông thôn, đặc biệt là vùng nông thôn nghèo, vùng hay xảy ra thiên tai và miền núi. So với 10 năm trước, chiều cao trung bình của nam giới trẻ tuổi đã tăng 3,7cm và nữ tăng 2,6cm.
Đặc biệt, tốc độ tăng chiều cao người Việt sinh từ năm 2000 trở lại đây tốt hơn giai đoạn trước, tốc độ nhanh gần gấp đôi thập niên trước. Các bạn trẻ nước ta không chỉ “thoát lùn”, mà còn được xếp vào top 4 nước cao nhất Đông Nam Á (tương đương Malaysia và chỉ còn thua Singapore và Thái Lan). Tuy nhiên, để tiếp tục thu hẹp khoảng cách chiều cao, Việt Nam cần duy trì được mức tăng trưởng chiều cao trong các thập kỷ tới.
Phát triển thể dục, thể thao là một yêu cầu khách quan của xã hội, nhằm góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Ðầu tư cho thể dục, thể thao là đầu tư cho con người, cho sự phát triển của đất nước. Sự cải thiện về chiều cao của người Việt là một phần kết quả của việc triển khai Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án này hướng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; từng bước nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam. Đề án cũng đặt ra mục tiêu cải thiện tầm vóc thân thể của thanh niên Việt Nam là: Đối với nam 18 tuổi, năm 2020 có chiều cao trung bình 167cm và đến năm 2030 là 168,5cm; đối với nữ 18 tuổi, năm 2020 chiều cao trung bình là 156cm và đạt 157,5cm vào năm 2030.
Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, thời gian qua, ngành thể dục thể thao quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ với phương châm đổi mới mạnh mẽ, phát huy thành tích đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, làm cơ sở phát triển thể thao thành tích cao. Trong đó, việc thực hiện tốt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 được chú trọng.
Để huy động sự quan tâm và chung tay của toàn xã hội, ngành Thể dục thể thao đã tham mưu với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh… triển khai các chương trình, nhằm thúc đẩy công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể dục, thể thao trong trường học, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng con người mới.
Nhiều giải thể thao được tổ chức
Theo chuyên gia dinh dưỡng, để có sức khỏe và cải thiện chiều cao, cần có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển chiều cao. Ngoài ra, mỗi người cần ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, uống đủ nước, tắm nắng, vận động thường xuyên, đồng thời có thể sử dụng thực phẩm hỗ trợ tăng chiều cao.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam chia sẻ, dưới góc nhìn y học, rèn luyện thân thể góp phần phòng bệnh, chữa bệnh và tăng tuổi thọ. Con người sinh ra để vận động, tiến hóa, thay cũ đổi mới. Vận động quan trọng như không khí, dinh dưỡng nuôi sống cơ thể hằng ngày. Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên giống như một “thang thuốc bổ” miễn phí, không chỉ có tác dụng phòng bệnh, chữa bệnh mà còn góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc cơ thể. Đối với người cao tuổi, rèn luyện thân thể thường xuyên giúp thay đổi tuần hoàn, giảm các bệnh mãn tính không lây nhiễm, chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tường Kha lưu ý: Người tập luyện thể dục thể thao cần lựa chọn môn thể thao phù hợp, lắng nghe cơ thể và cần một kế hoạch tập luyện thường xuyên, khoa học để đạt hiệu quả.
Để nâng cao tinh thần thể dục thể thao, thời gian qua, Tổng cục Thể dục thể thao, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, các tổ chức xã hội phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều giải thể thao phong trào. Mới đây, Giải vô địch quốc gia marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 64, năm 2023 quy tụ hơn 4.000 người, trong đó có nhiều người tham gia đến từ các nhóm chạy phong trào.
Tại Hà Nội, UBND thành phố phát động “Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân” gắn với Giải chạy của Báo Hà Nội mới mở rộng lần thứ 48-Vì hòa bình năm 2023. Giải chạy marathon One-way do tạp chí Điện tử Doanh nhân trẻ, Đài Tiếng nói Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại nhiều địa phương như Cát Bà (Hải Phòng), Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút hàng nghìn vận động viên tham dự...
Bên cạnh các hoạt động chạy bộ, có nhiều nhóm, câu lạc bộ thể thao "nở rộ" trên toàn quốc, như bóng chuyền hơi, khiêu vũ thể thao, bóng đá, cầu lông, quần vợt, bóng bàn, bơi... Theo thống kê, khoảng 35,6% người dân, 26,7% số gia đình tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên cả nước năm 2022 đã phản ánh rõ cộng đồng ngày càng quan tâm và đề cao rèn luyện thân thể.
Nâng cao ý thức tập luyện thường xuyên
Hiểu được việc tập thể dục thể thao rất quan trọng với sức khỏe, anh Trương Anh Toản (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, sau khi lập gia đình, thấy cân nặng tăng nhanh do ăn uống và sinh hoạt không điều độ, anh đã quyết định tham gia chạy bộ để nâng cao sức khỏe. 5 năm qua, từ việc khó nhọc dậy sớm vận động mỗi sáng, đến nay, anh Trương Anh Toản đã hình thành được thói quen chạy bộ mỗi ngày. Hiện tại, anh chạy khoảng 120km -150km/tuần. Trung bình mỗi ngày 10-15 km tùy sức khỏe và thời tiết. Ngày thường, để chủ động, anh luyện tập 1 mình, tranh thủ thời gian sáng sớm hoặc chiều sau giờ làm, tối trước khi đi ngủ. Nhưng đến cuối tuần, nhóm chạy sẽ tập trung từ 10-15 người để cùng chạy, nâng thêm tinh thần thể thao, đồng thời cùng giao lưu, chia sẻ.
"Hiện tôi là thành viên của một số câu lạc bộ chạy như: Rùa Runner, Chạy 365, Starlake, Runnest westlake... Điều vui mừng là sau khi tận mắt thấy cân năng của tôi được cải thiện, giảm 8 kg bền vững sau 5 năm, vợ và con tôi giờ cũng tham gia một số buổi chạy bộ. Các con tôi cũng hiểu việc vận động thể thao rất quan trọng với sức khỏe. Có sức khỏe sẽ học tập và làm mọi việc được tốt hơn", anh Trương Anh Toản cho biết.
Theo nghiên cứu, các vận động nhẹ nhàng như đi lại... không đủ để các hệ cơ xương của trẻ phát triển đạt thông số cần thiết. Trẻ cần chơi thể thao hơn 3 lần một tuần mới hình thành thói quen và đạt hiệu quả tốt. Trước nhu cầu về vận động, nhu cầu về dinh dưỡng của các em đòi hỏi cao như vậy, chúng ta cần giáo dục cho các em trước hết về nhận thức, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc rèn luyện thể thao hằng ngày để nâng cao ý thức tự tập luyện thường xuyên.
Thời gian qua, nhóm “Chạy vì mình” đã hỗ trợ nhiều người tập chạy bộ đúng cách, rèn sức bền và cải thiện sức khỏe. Nhóm do anh Phạm Duy Cường (sinh năm 1982, tại Hà Nội) sáng lập năm 2017 với mục tiêu ban đầu là dẫn tốc, hỗ trợ người mới chạy tự tin chinh phục một vòng hồ Tây (17km). Đều đặn vào sáng Chủ nhật hằng tuần, anh cùng nhóm bạn dậy từ 5 giờ sáng để bố trí những điểm tiếp nước, hỗ trợ kỹ thuật người chạy. Điều đáng nói, người chạy muốn tham gia vào nhóm không cần đăng ký trước, không phải đóng khoản phí nào. Trên mạng xã hội Facebook, fanpage nhóm “Chạy vì mình” có tên "R4S Community" thu hút gần 100.000 thành viên, trở thành nơi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm của những người đam mê chạy bộ trên toàn quốc.
Theo thống kê của Vụ thể dục thể thao quần chúng, Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cả nước hiện có 651/710 trung tâm văn hóa-thể thao cấp huyện; 7.563/10.525 trung tâm văn hóa-thể thao cấp xã, phường, thị trấn; 76.494/101.732 nhà văn hóa-khu thể thao thôn... Bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, chính sách xã hội hoá thể dục thể thao đã thu hút được sự tham gia tích cực của nhân dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội tham gia. Nhiều địa phương đã duy trì và khuyến khích phát triển các cơ sở tư nhân, các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xã hội hóa vào lĩnh vực thể dục thể thao như xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức các hoạt động thể dục thể thao.
Xã hội càng phát triển, người dân càng có nhu cầu và điều kiện để tham gia rèn luyện thể thao, nâng cao sức khỏe. Việc duy trì thói quen tập luyện thể dục thể thao vừa góp phần tăng cường sức khỏe, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần cho mỗi cá nhân, tăng cường tình đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa, đồng thời cũng góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”./.