An sinh

Nghệ An: Sớm ổn định cuộc sống cho người dân tái định cư thủy điện

Nghệ An

Nhiều năm qua, hơn 40 hộ dân bị ảnh hưởng bởi việc xây dựng Nhà máy thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, Nghệ An) được di dời đến khu tái định cư vẫn chưa ổn định cuộc sống.

Đập thủy điện của Công ty Thủy điện Bản Vẽ. (Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN)

TTXVN - Để phục vụ việc xây dựng Nhà máy thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, Nghệ An), hàng nghìn hộ dân phải di dời đến nơi tái định cư mới. Thế nhưng, cuộc sống người dân một số khu tái định cư sau nhiều năm, vẫn chưa thể ổn định. Tại khu tái định cư bản Khe Ò, xã Yên Na, huyện Tương Dương, người dân đã bỏ đi gần hết, chỉ còn 2 hộ bám trụ. Trong khi đó, tại khu tái định cư Khe Cỏ Chánh, Bản Chóng ở gần đó, người dân phải sống trong thấp thỏm khi khu vực xuất hiện vết nứt, địa chất thiếu ổn định.

Khu tái định cư bản Khe Ò, xã Yên Na được xây dựng từ năm 2005 với đầy đủ các hạng mục từ nhà văn hóa, trường mầm non, điện, nước… Hơn 40 hộ dân bị ảnh hưởng bởi thủy điện đã được chính quyền địa phương di dời về đây sinh sống. Năm 2010, sau trận mưa lớn một tảng đá to đã lăn xuống gia đình một hộ dân, may mắn không gây thiệt hại về người. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã hỗ trợ cho di dời toàn bộ 7 hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở về nơi ở an toàn. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, hàng chục hộ còn lại cũng lần lượt rời đi tìm nơi ở mới, một số người quay về ở trái phép tại khu công trường xây dựng thủy điện.

Nhiều khu nhà ở khu tái định cư Khe Ò bị bỏ hoang. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Ông Lương Văn Thắng, Khu tái định cư Khe Ò, xã Yên Na cho biết, lúc đầu khu tái định cư này rất khang trang, nhà cửa được chủ đầu tư xây dựng kiên cố, thế nhưng, sau sự cố đá lăn xuống gia đình một hộ dân trong xóm thì người dân nơi đây lo sợ nên rời đi. Nhà cửa cả khu để hoang, một số hộ tận dụng đã tháo dỡ mái, cửa còn dùng được đưa về nơi ở mới nên khu này nhìn rất tan hoang. Một số hộ đã rời đi nhưng thỉnh thoảng quay trở lại để chăn nuôi chứ không ở. Hiện tại cả khu tái định cư chỉ còn gia đình ông và một hộ khác bám trụ ở lại.

Theo chị Lương Thị Huynh, bản Vẽ, xã Yên Na, ngoài nguyên nhân sạt lở đá thì đường sá ở đây không tốt, lại xa trung tâm. Trong khi đó, điều kiện người dân còn khó khăn không có phương tiện đi lại nên để tiện cho con cái học hành, một số hộ đã chuyển về khu công trường hoặc chuyển đến ở gần trung tâm hơn.

Tại khu tái định cư Khe Cỏ Chánh, bản Khe Chóng, người dân tái định cư phải sống trong thấp thỏm, lo âu khi khu vực này xuất hiện vết nứt, đá rơi, địa chất thiếu ổn định. Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan xem xét nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Bà Vi Thị Xoa, bản Khe Chóng cho biết, khu tái định cư này được bố trí ở một bên là suối, một bên là núi. Sau đợt mưa lớn năm 2018, khu vực ngọn núi phía sau xuất hiện vết nứt. Bây giờ, cứ mỗi lần mưa lớn thì nước lại chảy xuống như suối. Ai cũng lo sợ trước nguy cơ sạt lở và muốn chuyển đi nhưng cũng không có nơi nào để đi.

Khu tái định cư chỉ còn 2/46 hộ sinh sống. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Theo ông Vi Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Yên Na, trên địa bàn có 3 khu tái định cư di dân thủy điện. Tuy nhiên, hiện nay khu tái định cư bản Khe Ò người dân đã bỏ đi chỉ còn 2 hộ ở lại. Tại khu tái định cư bản Khe Chóng vào năm 2018 có xuất hiện vết nứt dài hơn 100m, từ đó đến nay vết nứt không có dấu hiệu phát triển nhưng người dân vẫn lo ngại nguy cơ sạt lở và muốn di dời. Trước đây, UBND xã đã lập kế hoạch đưa vào dự án di dân theo Chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số, nhưng do khó khăn về kinh phí nên chưa được cấp trên phê duyệt. Địa phương rất mong muốn sớm có dự án để bố trí toàn bộ người dân tại bản Khe Chóng, Khe Ò về khu quy hoạch thị tứ Bản Vẽ giúp người dân có nơi ở an toàn, ổn định.

Tảng đá lớn lăn xuống khu định cư Khe Ò từ năm 2010 khiến nhiều hộ gia đình lo sợ đã rời đi. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Ông Nguyễn Phùng Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tương Dương thông tin, từ tháng 9/2022, UBND tỉnh có nhiều văn bản yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức rà soát toàn bộ người dân đang sinh sống trái phép trên khu công trường. Đối với những hộ không có chỗ ở nào khác, huyện đang xin chủ trương cho ở tại chỗ và làm các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước. Nhà nước sẽ thu hồi diện tích đã cấp quyền sử dụng đất ở khu tái định cư. Với những hộ lấn chiếm nhưng không thuộc diện tái định cư thủy điện, yêu cầu bàn giao mặt bằng để đấu giá theo quy định./.

Văn Tý

Xem thêm