Văn hóa

“Người đi dép cao su” – biên niên sử dân tộc bằng nghệ thuật sân khấu

Với phong cách dàn dựng mới lạ, cách thể hiện độc đáo, vở diễn “Người đi dép cao su” được ví như một cuộc “trình diễn” về lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam bằng nghệ thuật sân khấu.

Hình tượng Bác Hồ trong vở diễn "Người đi dép cao su". (Ảnh: Thúy Hiền)

Sau nhiều tháng dàn dựng, Nhà hát Kịch Việt Nam đã chính thức ra mắt vở kịch “Người đi dép cao su”, dựa trên kịch bản của tác giả Kateb Yacine người Algeria. Với phong cách dàn dựng mới lạ, cách thể hiện độc đáo, vở diễn “Người đi dép cao su” được ví như một cuộc “trình diễn” về lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam bằng nghệ thuật sân khấu.

* Kể lịch sử bằng nghệ thuật

Vở kịch "Người đi dép cao su" xuyên suốt một hành trình dài của cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40-43 sau Công nguyên), trải qua các cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước qua các thời kỳ. Vở diễn đặc biệt nhấn mạnh con đường ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho đến khi Người qua đời năm 1969.

Vở diễn do Nghệ sỹ Ưu tú Xuân Bắc chỉ đạo nghệ thuật, với sự tham gia của ê kíp gồm các nghệ sỹ nổi tiếng như họa sỹ - Nghệ sỹ Ưu tú Doãn Bằng, biên đạo múa – Nghệ sỹ Nhân dân Kiều Lê, cùng các nghệ sỹ nổi tiếng của Nhà hát Kịch Việt Nam như Nguyễn Minh Hải, Khuất Quỳnh Hoa, Trịnh Mai Nguyên, Tạ Tuấn Minh, Hoàng Lâm Tùng…

Tác giả Kateb Yacine là nhà văn Algeria (1929-1989) sống nhiều năm ở Pháp. Không chỉ viết kịch bản, ông còn tham gia hoặc tự mình tổ chức những đoàn kịch đi biểu diễn nhiều nơi ở xứ sở quê hương và một số nước châu Âu, trước đông đảo khán giả công nhân, nông dân, sinh viên.

Năm 1967, Kateb Yacine đến Việt Nam, những điều tai nghe mắt thấy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã thôi thúc ông tìm hiểu lịch sử Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tình yêu, sự kính trọng đối với dân tộc Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã truyền cho ông cảm hứng sáng tạo. Vở kịch thơ “Người đi dép cao su” ra đời. Với sự đồng cảm sâu sắc của người đứng cùng hàng ngũ với các dân tộc thuộc địa, bị áp bức, Kateb Yacine đã khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ kính yêu, bình dị mà lớn lao.

Vở kịch tập trung khắc họa hình tượng “Người đi dép cao su”, từ chàng trai Nguyễn Tất Thành đến Nguyễn Ái Quốc trên hành trình tìm đường cứu nước, cho đến khi Người là Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thúy Hiền)

Không những thế, tác phẩm “Người đi dép cao su” đã trở thành hình tượng nghệ thuật, phản ánh những phẩm chất cao quý, tinh thần quật cường của một dân tộc dám đứng lên đấu tranh giành tự do, độc lập. Vở kịch này đã được dàn dựng và biểu diễn thành công trên nhiều sân khấu thế giới trong những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ XX nhưng chưa từng được dàn dựng ở Việt Nam. Nhà hát Kịch Việt Nam là đơn vị đầu tiên dàn dựng và công diễn tác phẩm này tại Việt Nam.

Nguyên tác tập kịch thơ “Người đi dép cao su” gồm 304 trang, với 1.800 câu thoại và hàng trăm nhân vật. Tác phẩm được Giáo sư Phùng Văn Tửu dịch ra tiếng Việt, Tiến sỹ - Nhà giáo Ưu tú Lê Mạnh Hùng biên tập và trực tiếp đạo diễn, dàn dựng phần đầu, khắc họa một lát cắt không gian lịch sử dân tộc Việt Nam trong chặng đường đấu tranh giành độc lập.

Trong đó, vở kịch tập trung khắc họa hình tượng “Người đi dép cao su”, từ chàng trai Nguyễn Tất Thành đến Nguyễn Ái Quốc trên hành trình tìm đường cứu nước, cho đến khi Người là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu…

Đạo diễn và ê kíp sáng tạo đã tìm cách hóa giải kịch bản trên sân khấu bằng phong cách đặc biệt mới lạ, trong đó có sử dụng cả hình thức kịch cổ điển châu Âu và hình thức sân khấu truyền thống Việt Nam với tính ước lệ cao. Chỉ trong khoảng 60 phút, vở diễn đã đưa khán giả bước vào những trang sử vàng của dân tộc, với điểm nhấn là hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bình dị, ấm áp mà cao cả.

Kết cấu chặt chẽ, giàu sức gợi, âm nhạc biểu trưng cho từng thời kỳ, đặc biệt là sự hóa thân thành công của nghệ sỹ Minh Hải trong hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả khi xem vở diễn.

Cảnh trong vở "Người đi dép cao su". (Ảnh: Thúy Hiền)

* Bản trường ca về đất nước, con người Việt Nam

Theo đạo diễn Lê Mạnh Hùng, do kịch bản quá đồ sộ, chưa có điều kiện dàn dựng cả vở, nên lần này, Nhà hát Kịch Việt Nam và ê kíp thực hiện chỉ có thể biên tập, lựa chọn, dàn dựng phần đầu của kịch bản với mong muốn khắc họa một phần nhỏ không gian lịch sử dân tộc.

Ngay sau khi ra mắt, vở diễn đã nhận được nhiều ý kiến tích cực từ khán giả. Nhiều ý kiến cho rằng, với cách dàn dựng táo bạo, cách thể hiện độc đáo, vở kịch “Người đi dép cao su” đã để lại ấn tượng sâu sắc, giúp người xem cảm nhận được tinh thần yêu nước và sự cảm phục của tác giả dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có khán giả bày tỏ, họ đặc biệt xúc động và dâng trào cảm xúc khi nghe các diễn viên hát bài “Hò kéo pháo” và bài “Giải phóng Điện Biên” trên sân khấu… cảm giác như được xem lại một trang lịch sử hào hùng của dân tộc được tái hiện qua sự trình diễn chân thật của tập thể diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam…

Vô cùng xúc động khi được xem vở kịch, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Algeria tại Việt Nam Abdelhamid Boubazine chia sẻ: “Người đi dép cao su” cần được đưa sang biểu diễn tại đất nước Algeria của chúng tôi. Sân khấu Algeria đã từng dàn dựng vở kịch này, nhưng khi xem các bạn dàn dựng và diễn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi cảm nhận được sâu sắc hơn ý nghĩa của kịch bản mà nhà văn Kateb Yacine đã gửi gắm. Khán giả Algeria cũng sẽ thấy rõ hơn về hình tượng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo tài ba, một vĩ nhân của Việt Nam. Thông qua tác phẩm và tình cảm của người viết, người dựng và người xem, có thể thấy mối quan hệ Việt Nam - Algeria ngày càng bền chặt; Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trong tâm khảm người Algeria. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Algeria tại Việt Nam đề nghị, nhất định Nhà hát Kịch Việt Nam phải đưa vở diễn cùng toàn bộ các nghệ sỹ tham gia đóng các nhân vật sang diễn tại Algeria.

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nghệ sỹ Ưu tú Trần Ly Ly cho rằng, ê kíp sáng tạo, đặc biệt là đạo diễn đã tìm ra cách tiếp cận và dàn dựng kịch bản rất thú vị. Lối dàn dựng phá vỡ cấu trúc cổ điển, quen thuộc. Cách sắp đặt thời gian, cách thức biểu hiện cũng hoàn toàn khác biệt. Đặc biệt là cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể và không gian sân khấu rất tuyệt vời, đã diễn đạt thành công mọi sự thay đổi về khoảng cách thời gian, các diễn biến của lịch sử... Sau những biến động lớn của thời cuộc, sau hành trình tìm đường cứu nước đầy gian nan, hình ảnh cuối cùng - Bác Hồ tưới cây, vô cùng cảm động, giản dị nhưng thật vĩ đại, lớn lao.

Theo Nghệ sỹ Ưu tú Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, nhìn một cách tổng quan và sâu rộng, “Người đi dép cao su” của tác giả nổi tiếng người Algeria Kateb Yacine không đơn thuần chỉ là một tác phẩm kịch thơ ca ngợi hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là một bản trường ca, khắc họa sống động hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; ngợi ca tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng để bảo vệ, giữ vững nền độc lập hôm qua, hôm nay và cho đến mai sau.

Đại diện Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, sau hai đêm diễn ra mắt, vở kịch “Người đi dép cao su” sẽ tiếp tục được biểu diễn phục vụ công chúng nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Bác Hồ (19/5/1890-19/5/2023). Nhà hát cũng đã nhận được lời mời từ Tỉnh ủy Điện Biên, đưa vở “Người đi dép cao su” lên biểu diễn tại tỉnh Điện Biên, một địa phương được khắc họa đậm nét trong vở diễn với chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng, một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc./.


Phương Lan

Tin liên quan

Xem thêm