Bộ ảnh “Sự giản dị của Đại tướng” do Nhà báo – Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Trần Tuấn, nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) chụp đã để lại cho người xem ấn tượng khó quên về một vị Đại tướng tài ba, nhưng rất đỗi bình dị, gần gũi.
TTXVN - Trong số các tác giả được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt này, bộ ảnh “Sự giản dị của Đại tướng” do Nhà báo – Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Trần Tuấn, nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) chụp đã để lại cho người xem ấn tượng khó quên về một vị Đại tướng tài ba, nhưng rất đỗi bình dị, gần gũi.
* Những hình ảnh giản dị về Đại tướng huyền thoại
Bộ ảnh “Sự giản dị của Đại tướng” gồm 8 bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc bình dị, đời thường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là hình ảnh Đại tướng về thăm và trồng cây lưu niệm tại sân trường Quốc học - Huế, để tưởng nhớ đến công ơn các thầy cô sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng; hình ảnh Đại tướng về thăm bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, được Thiếu tướng Lê Nam Khánh giới thiệu về từng cán bộ, chiến sỹ của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh.
Đặc biệt, người xem sẽ thấy gần gũi, thân thuộc với hình ảnh Đại tướng thanh thản nghỉ trưa trên chiếc võng thời chiến mắc dưới rặng tre xanh mát của quê hương đất thép Củ Chi, hay hình ảnh Đại tướng thân mật thăm hỏi người dân trong chuyến trở lại Tân Trào lịch sử. Người xem cũng không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh Đại tướng ngồi bên hành lang Bảo tàng Tân Trào, trò chuyện thân mật với Đại tá Hữu Mai – một nhà văn quân đội; ngồi uống trà tại quán nước nhỏ ven đường của gia đình chị Nguyễn Thị Tỉnh, trên đường về thăm Hà Tuyên; cho đến hình ảnh Đại tướng vui vẻ ngồi để ông Lê Sự cắt tóc trong dịp nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu…
Các bức ảnh được chụp ở nhiều thời điểm khác nhau, trong những tình huống khác nhau, nhưng tất cả đều toát lên sự giản dị, gần gũi và thân thiết đến lạ lùng của một vị tướng huyền thoại - người đã từng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu!
Trong số những bức ảnh về sự giản dị của Đại tướng, Nhà báo Trần Tuấn đặc biệt ấn tượng với bức ảnh Đại tướng ngồi uống nước chè ở quán nhà chị Trần Thị Tỉnh trong chuyến về thăm và làm việc tại tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang). Thời kỳ đó đồng lương của cán bộ công chức Nhà nước còn ít ỏi, không đủ chi phí cho cuộc sống của mỗi gia đình, nhiều người phải làm thêm nghề phụ. Hai vợ chồng chị Trần Thị Tỉnh khi đó là diễn viên ca múa nhạc Đoàn Văn công tỉnh Hà Tuyên, nhưng vì lương không đủ chi phí trang trải cho cuộc sống gia đình, chị phải mở quán nhỏ trước cửa nhà mình, bán nước trà, bánh kẹo, thuốc lá… để kiếm thêm thu nhập. Nghe được câu chuyện đó, Đại tướng đã đến thăm và động viên gia đình chị Tỉnh, chị đã rất bất ngờ và xúc động trước sự quan tâm, thăm hỏi của Đại tướng.
Một bức ảnh khác cũng để lại ấn tượng sâu sắc với Nhà báo Trần Tuấn, đó là hình ảnh Đại tướng thanh thản nghỉ trưa trên chiếc võng thời chiến, mắc dưới rặng tre xanh mát của quê hương đất thép Củ Chi. Nhà báo Trần Tuấn kể, đó là vào một sáng tháng 7, trong chuyến công tác tại các tỉnh phía Nam, Đại tướng đến dâng hương tại đền thờ Bến Dược, Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh – ngôi đền được xây dựng để tưởng nhớ công ơn to lớn của đồng bào chiến sỹ đã chiến đấu hy sinh trên vùng đất Sài Gòn - Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Cuộc viếng thăm muộn màng đến tận 12 giờ trưa, anh em mắc võng mời Đại tướng nghỉ trưa dưới rặng tre xanh mướt. “Hình ảnh vị Đại tướng giản dị, thanh thản hòa mình cùng thiên nhiên khi ấy vẫn đọng mãi trong tôi cho đến bây giờ”, Nhà báo Trần Tuấn nhớ lại.
* Kính trọng và cảm phục sự giản dị của một người vĩ đại
Nhà báo, Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Trần Tuấn sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, chàng trai phố cổ lịch lãm và tài hoa ấy luôn được anh em bạn bè, yêu quý, đồng nghiệp nể trọng. Năm 1968, ông trở thành phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Năm 1973, ông được cử sang Ban Thống nhất Trung ương và được điều động vào chiến trường Bình Trị Thiên làm phóng viên Thông tấn xã Giải Phóng. Sau khi đất nước thống nhất, ông được phân công xây dựng Phân xã TTXVN tại Huế. Năm 1976, ông được lãnh đạo TTXVN điều động đi chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến đi thăm các tỉnh miền Nam sau giải phóng. Sau này, khi trở về Hà Nội, ông được phân công trở thành phóng viên ảnh của TTXVN chuyên chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhà báo Trần Tuấn cho biết, hai bức ảnh đầu tiên trong bộ ảnh “Sự giản dị của Đại tướng” được ông chụp ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đó là dịp 30/4/1976, tròn một năm sau ngày giải phóng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm Bộ Chỉ huy Quân sự Trị Thiên - Huế. Khi đó nhà báo Trần Tuấn đang là phóng viên TTXVN thường trú tại Huế. Ông nhận được lệnh từ Tổng xã tại Hà Nội phân công chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến công tác dài ngày với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đi thăm các tỉnh phía Nam.
Nhà báo Trần Tuấn kể, ông nhận nhiệm vụ với tâm trạng vừa háo hức, vui mừng, vừa hồi hộp, lo lắng. Ông vui vì thấy mình may mắn được tham gia cùng chuyến công tác và chụp ảnh Đại tướng, người mà ông luôn kính trọng và ngưỡng mộ. Nhưng rồi ông cũng không khỏi hồi hộp, lo lắng bởi đây là lần đầu tiên ông được giao nhiệm vụ chụp ảnh một vị tướng huyền thoại của dân tộc.
“May mắn thay, số ảnh tôi chụp và chuyển về Tổng xã đã được Ban Biên tập khen. Trong số các ảnh đó, tôi thích nhất bức ảnh "Tình đồng đội’" với hình ảnh Thiếu tướng Lê Nam Khánh, thay mặt Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế giới thiệu với Đại tướng từng cán bộ của mình. Hình ảnh Đại tướng trò chuyện thân mật với các chiến sỹ khiến tôi càng thêm kính trọng vị Đại tướng tài ba bởi sự bình dị, gần gũi và thân tình ấy”, Nhà báo Trần Tuấn chia sẻ.
Trong suốt 35 năm tháp tùng và chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vinh dự theo chân Đại tướng trong nhiều chuyến đi công tác xa và có rất nhiều kỷ niệm đẹp, nhưng có lẽ chuyến đi để lại nhiều ấn tượng nhất, phải kể đến chuyến đi dài ngày vào làm việc tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 1996. Trong chuyến đi này, nhà báo Trần Tuấn bị viêm ruột thừa, phải đi cấp cứu, thời gian điều trị kéo dài hơn một tuần. Đại tướng cũng ở lại Vũng Tàu thêm một tuần, chờ ông ra viện rồi mới tiếp tục chuyến công tác. “Khi đó, Đại tướng còn đề nghị đón vợ tôi vào chăm sóc, nhưng tôi đã xin phép từ chối. Ngày tôi ra viện, Đại tướng đã chụp ảnh kỷ niệm để chúc mừng tôi bình phục”, Nhà báo Trần Tuấn nhớ lại.
35 năm làm nhiệm vụ bên cạnh Đại tướng, Nhà báo Trần Tuấn đã chụp hàng nghìn cuốn phim với hàng vạn file ảnh, ghi lại một cách chân thực, sinh động muôn vàn khoảnh khắc quý giá, khắc họa chân dung, tầm vóc của một vị Đại tướng đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một huyền thoại. Với ông, đó là “kho báu” vô giá trong suốt cuộc đời công tác và lao động nghệ thuật của mình.
Khi được hỏi, vì sao giữa hàng chục ngàn bức ảnh đã chụp, ông lại lựa chọn sự giản dị của Đại tướng? Nhà báo Trần Tuấn chia sẻ: 35 năm tháp tùng Đại tướng, ông đã ghi lại rất nhiều hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có nhiều bức ảnh được chụp trong không gian, khung cảnh hoành tráng, nhưng ông vẫn đặc biệt ấn tượng với sự giản dị của vị Tổng tư lệnh tài ba ấy.
“Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người rất tài ba, rất vĩ đại, nhưng tâm hồn ông lại giản dị, nhân hậu và luôn yêu thương con người. Tôi thích sự giản dị của con người vĩ đại ấy, sự giản dị khác thường và hiếm thấy, cũng chính sự giản dị đó mà tôi ngày càng kính trọng, ngưỡng mộ con người, nhân cách của Đại tướng”, Nhà báo Trần Tuấn nói.
Chia sẻ cảm xúc trước ngày lên bục nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, Nhà báo Trần Tuấn cho biết, ông rất vui mừng, xúc động và tự hào khi được Đảng, Nhà nước ghi nhận những đóng góp của ông với nhiếp ảnh nói riêng, với sự nghiệp văn học nghệ thuật của nước nhà nói chung. Trong niềm vui ấy, Nhà báo Trần Tuấn vẫn luôn nhớ đến cơ quan TTXVN, nơi ông đã công tác và gắn bó đến khi nghỉ hưu.
“Giải thưởng lần này là ‘trái ngọt’ mà tôi nhận được sau nhiều năm công tác và cống hiến cho sự nghiệp nhiếp ảnh nước nhà. Và “trái ngọt” tôi có được cũng là nhờ lãnh đạo cơ quan TTXVN đã tin tưởng giao nhiệm vụ, tạo điều kiện cho tôi có cơ duyên được làm việc và gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một chặng được dài”, Nhà báo Trần Tuấn bày tỏ./.