Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót - "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng
Những hình ảnh và câu chuyện được trưng bày tại Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót đã giúp các thế hệ hiểu rõ hơn về giá trị của độc lập, tự do.
Nằm ở thôn Vĩnh Phú (xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót đã trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Anh hùng Phan Đình Giót sinh năm 1922 trong một gia đình nghèo ở xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Năm 1950, ông xung phong vào bộ đội chủ lực và được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông tham gia nhiều chiến dịch lớn như: Chiến dịch Trung Du, Chiến dịch Hòa Bình, Chiến dịch Tây Bắc và Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông luôn nêu cao tinh thần quả cảm, vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đặc biệt, trong ngày 13/3/1954, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, Anh hùng Phan Đình Giót đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm lấy thân mình lấp lỗ châu mai, dập tắt hỏa lực của địch, tạo điều kiện cho đơn vị xông lên tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Khi hy sinh, ông là Tiểu đội phó bộ binh thuộc Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312.
Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót được xây dựng trên nền ngôi nhà cũ nơi ông sinh ra và lớn lên ở thôn Vĩnh Phú, xã Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên). Công trình được khởi công tháng 2/2024 do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, UBND huyện Cẩm Xuyên kêu gọi, huy động các nguồn lực xã hội hóa với tổng số tiền khoảng 25 tỷ đồng.
Công trình nằm trong khuôn viên khép kín; trong đó, nhà tưởng niệm rộng 58m2, kiến trúc 2 tầng, 8 mái, kết cấu gỗ truyền thống, bên trong có 3 gian thờ, gian chính thờ Anh hùng Phan Đình Giót, phía trên treo đại tự “Vì nước hy sinh”; nhà truyền thống rộng 75m2, lưu giữ tư liệu, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Em Nguyễn Hà My (học sinh lớp 8A, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Phan Đình Giót, huyện Cẩm Xuyên) chia sẻ, đến đây tham quan, các tư liệu, hiện vật về cuộc đời Anh hùng Phan Đình Giót và Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ khiến em thêm tự hào về chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, thấm thía sự hy sinh, mất mát của các thế hệ cha ông. Đồng thời, chúng em cũng trân trọng hơn những giá trị của hòa bình mà cha ông đã đánh đổi bằng bao xương máu.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Phan Đình Giót (huyện Cẩm Xuyên), thông qua những hình ảnh và câu chuyện được trưng bày tại Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót đã giúp các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về giá trị của độc lập, tự do, những mất mát và hy sinh to lớn mà dân tộc ta đã trải qua để giành được hòa bình. Đây là nguồn tư liệu quý giá góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp lý tưởng sống cao đẹp, khơi dậy khát vọng cống hiến và xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, phồn vinh.
Ngày 4/3/2025, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định số 474/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Nhà tưởng niệm Phan Đình Giót. Địa phương tiếp tục làm tốt hơn công tác bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị di sản; khẳng định giá trị văn hóa, lịch sử của công trình, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho đoàn viên, thanh thiếu nhi và người dân./.