Văn hóa

Nhà văn có niềm đam mê bất tận với Hà Nội

Hà Nội

Danh hiệu “Công dân Thủ đô Ưu tú năm 2023” thực sự xứng đáng với người nghiên cứu về văn hóa Hà Nội công phu, nghiêm túc cùng niềm đam mê bất tận như nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến tại Hội nghị vinh danh Công dân Thủ đô Ưu tú năm 2023. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

TTXVN – Sau khi các đại lão nghiên cứu về Hà Nội ra đi như Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, nhà văn Giang Quân, Băng Sơn..., nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đã tiếp nối, cần mẫn nghiên cứu, cho ra đời nhiều công trình về văn hóa Hà Nội, để mọi người hiểu hơn về những giá trị, văn hóa của Hà Nội. Danh hiệu “Công dân Thủ đô Ưu tú năm 2023” thực sự xứng đáng với người nghiên cứu về văn hóa Hà Nội công phu, nghiêm túc cùng niềm đam mê bất tận như ông.

* Đặc trưng, cốt cách riêng

Các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến dù ở thể loại nào cũng mang một đặc trưng, cốt cách riêng. Một lối viết sâu sắc, tỉ mỉ, điềm tĩnh với khối kiến thức phong phú. Nhiều tác phẩm của ông có sự cộng hưởng giữa tính nghiên cứu và ghi chép điền dã. Quá trình nghiên cứu, sáng tác các tác phẩm về Hà Nội, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho biết: “Cố gắng làm những thứ gì mà mọi người chưa biết hoặc ít biết, hay nhìn ở các góc độ khác nhau để thành phố đa chiều hơn, như vậy tính khách quan sẽ cao hơn. Vì thế, tất cả các tác phẩm viết về Hà Nội đều thể hiện rõ tình yêu Hà Nội”.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, tình yêu Hà Nội ở đây bao gồm cả những điều trong quá khứ và hiện tại, cả những cái hay và những điều chưa trọn vẹn. Các tác phẩm của ông không chỉ có những mảng màu đẹp mà có thể còn có những tồn tại trong cuộc sống mà thành phố cần giải quyết như: Tình trạng ngập nước, ùn tắc giao thông, phố xá chật hẹp, khó khăn trong giải phóng mặt bằng… hay cả những vấn đề trước đây mọi người né tránh như các công trình Pháp tại Hà Nội, nay cũng được nhắc đến như một phần của di sản đô thị Hà Nội.

Là Kinh đô xưa và Thủ đô ngày nay nên Hà Nội có rất nhiều câu chuyện, vấn đề, các lớp văn hóa sau "đè" lớp văn hóa trước, "bồi lấp" lên nhau và khi gạt các lớp “cát” ra sẽ tìm thấy rất nhiều đề tài để viết. Dù nhìn dưới góc độ nào cũng quan trọng, song khi nhìn dưới góc độ ngày nay sẽ thấy các đề tài thú vị hơn, mang lại nhiều cảm xúc hơn.

Khi viết về Hà Nội, một trong những vấn đề ông quan tâm nhất đó là thị dân bởi họ là linh hồn của đô thị. Trước đây, mọi người thường ít đề cập đến vấn đề thị dân mà chỉ tập trung đến đề tài văn hóa, kháng chiến, chống ngoại xâm. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đã đi sâu vấn đề cuộc sống sinh hoạt, lối ứng xử, thú chơi, phong cách ăn mặc, đi lại… của thị dân. Do đó, các tác phẩm của ông đều nổi bật lên “chất” người Hà Nội và văn hóa Hà Nội.

* Đam mê với văn hóa Hà Nội

Mặc dù đang bận rộn cho việc ra mắt hai cuốn sách “Hà Nội còn một chút này”, “Qua đêm ở nhà các Vua Nguyễn” nhưng ông vẫn dành thời gian chia sẻ về chuyện nghề, tình yêu dành cho Hà Nội cũng như những gì đã đi, thấy, kết tụ nên những công trình nghiên cứu. Nghiên cứu về văn hóa Hà Nội, viết về Hà Nội là niềm đam mê của ông. Nhờ vốn kiến thức khổng lồ, góc cạnh nào cũng hiểu sâu, hiểu rộng khiến những tác phẩm của ông luôn được mọi người thán phục. Bao năm qua, văn hóa Hà Nội, các vấn đề xã hội của Hà Nội là vấn đề quan tâm duy nhất của ông trong công việc.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến là người thành thạo trong nhiều lĩnh vực, từ khảo cứu, viết văn, kịch bản phim, làm báo đến nhân vật dẫn truyện trên truyền hình... Với tinh thần trách nhiệm cao trong công việc và niềm say mê với văn hóa Hà Nội, ở lĩnh vực nào ông cũng thành công. Ông đã có nhiều công trình, sản phẩm nghiên cứu, viết về Hà Nội, tiêu biểu như: Đi ngang Hà Nội, Đi dọc Hà Nội, Đi xuyên Hà Nội, 5678 bước chân quanh Hồ Gươm, Dọc ngang Ba Vì, Hà Nội còn một chút này, Chuyện quanh quanh Dâm Đàm; trong đó cuốn Đi ngang Hà Nội, Đi dọc Hà Nội được trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2012. Sách văn học về Hà Nội như: Lính Hà, Mong manh, Me Tư Hồng, Phần mềm tình yêu.

Bên cạnh đó, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến tham gia làm khoảng 5 - 6 phim; trong đó ông thành công với kịch bản và lời bình phim Đảng bộ Hà Nội 90 năm hình thành và phát triển (dài 3 tập của Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương) và kịch bản cùng lời bình phim Ký ức xưa (của Đài Truyền hình Hà Nội). Hai phim này đều đoạt giải cao của Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Ngoài ra, ông còn tổ chức triển lãm “Tôi kể chuyện này” dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không với các tác phẩm trưng bày là đồ dùng sinh hoạt làm từ xác máy bay Mỹ.

Nhà văn có hàng vạn tác phẩm báo chí về Hà Nội và văn hóa Hà Nội. Ông có thời gian hơn 30 năm làm báo với nhiều công việc, chuyên mục tại các báo Hà Nội Mới, An ninh Thủ đô, Đời sống và Pháp luật, VOV Giao thông, cộng tác viết về văn hóa Hà Nội cho nhiều tờ báo và tham gia làm nhân vật dẫn chuyện cho các Đài, Trung tâm truyền hình của VTV, Hà Nội, Truyền hình Thông tấn, Nhân dân, Truyền hình Công an nhân dân, VTC, VOV... Ở bất cứ tác phẩm nào, dù là khảo cứu, văn học, kịch bản và lời bình phim hay là tác phẩm báo chí, ông đều viết cẩn thận, kỹ lưỡng với một tình yêu Hà Nội sâu sắc. Ông đã ba lần nhận được Giải thưởng báo chí Quốc gia và cả giải thưởng của thành phố Hà Nội.

Hiện nay, tuy đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng với niềm đam mê, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, viết sách, viết báo, viết kịch bản phim, cộng tác với nhiều cơ quan khác bởi với ông văn hóa, tình yêu Hà Nội luôn là động cơ thôi thúc ông tiếp tục đi và viết về Thủ đô thân yêu./.

Đinh Thuận

Xem thêm