Văn hóa

Chuyển đổi số - chìa khóa để nghệ thuật sân khấu tồn tại, phát triển

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn là con đường tất yếu trong thời đại kỷ nguyên số hiện nay. Đây được coi là "chìa khóa" để nghệ thuật sân khấu tồn tại, phát triển.

Một tiết mục trong đêm nhạc "Đàn chim Việt" có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật số tác động đáng kể đến các lĩnh vực nghệ thuật. Chuyển đổi số trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nói chung, nghệ thuật truyền thống nói riêng là con đường tất yếu của sự phát triển nghệ thuật biểu diễn trong thời đại kỷ nguyên số hiện nay. Đây được coi là "chìa khóa" để nghệ thuật sân khấu tồn tại, phát triển.

* Dùng công nghệ để tiếp cận khán giả

Gần đây, các đơn vị nghệ thuật Trung ương và địa phương đều tăng cường xây dựng, phát triển các trang fanpage Facebook, Tik Tok hoặc trên các nền tảng công nghệ số khác nhau của nhà hát để thông báo lịch diễn, chương trình cho khán giả đến xem tại rạp. Một số nhà hát còn phát trực tiếp những trích đoạn vở diễn lên mạng xã hội để phục vụ người mộ điệu ở xa…

Trên fanpage của Nhà hát Kịch Việt Nam, các thông tin về chương trình biểu diễn, về các vở kịch đang dàn dựng, chuẩn bị ra mắt khán giả liên tục xuất hiện. Cùng đó, những mẩu chuyện vui, những câu chuyện hài hước trong nghề diễn hay những hoạt động khác của nhà hát cũng thường xuyên được chia sẻ với công chúng. Để tăng sự tương tác, Nhà hát Kịch Việt Nam còn tổ chức những mini show dành cho người yêu sân khấu tham gia, phần thưởng là những tấm vé đi xem các chương trình biểu diễn của nhà hát…, qua đó, thu hút một lượng lớn khán giả thường xuyên đến rạp.

Theo Nghệ sỹ Ưu tú Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ sẽ thúc đẩy sự phát triển của các nhà hát. Công nghệ sẽ giúp tăng cường tương tác giữa nhà hát, nghệ sỹ với khán giả. Do đó, cần tận dụng công nghệ để nhiều người biết đến sân khấu kịch Việt Nam hơn. Thông tin về các hoạt động của nhà hát đến được với nhiều khán giả hơn. Quan trọng nhất, nó kích thích mong muốn, khát khao đến rạp của khán giả.

Tương tự, Nhà hát Tuổi trẻ thường xuyên livestream trên trang fanpage của Nhà hát để giới thiệu các vở kịch sắp diễn, các chương trình ưu đãi khi khán giả mua vé. Các nghệ sỹ của Nhà hát rất tích cực giới thiệu về vở diễn, giao lưu trực tuyến với khản giả. Nhà hát còn khuyến khích khán giả thanh toán online, đặt vé qua ví VNPay sẽ nhận ưu đãi giảm giá. Đặt vé online, soát vé bằng việc quét mã QR được áp dụng dễ dàng, thuận tiện, mang lại sự hài lòng cho khán giả thay vì gọi điện hay đến trực tiếp Nhà hát mua vé.

Theo Nghệ sỹ Ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát rất quan tâm tới các chỉ số như lượng người theo dõi, lượng người truy cập, tỷ lệ tương tác, bình luận trong từng bài đăng trên fanpage của Nhà hát, theo từng giai đoạn để từ đó có những điều chỉnh hợp lý. Việc quảng bá hiệu quả đã đóng góp tích cực về doanh thu phòng vé. Việc Nhà hát tương tác, trả lời khán giả trên các trang mạng xã hội được xác định như khâu chăm sóc khách hàng...

Trang fanpage của Liên đoàn Xiếc Việt Nam thường xuyên đăng tải các thông tin về những chương trình xiếc mới, các tiết mục biểu diễn xiếc đặc sắc của các nghệ sỹ, những chương trình biểu diễn, giao lưu của các nghệ sỹ với khán giả… từ thông tin được giới thiệu trên fanpage, nhiều khán giả yêu nghệ thuật xiếc đã tìm hiểu, liên hệ để đến xem biểu diễn…

Trước đây, thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến khó lường, các đơn vị nghệ thuật phải đóng cửa, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã xây dựng kênh Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam trên YouTube và Facebook để phát trực tuyến các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, các chương trình biểu diễn nghệ thuật... Hình thức phát trực tuyến này đã giúp các nhà hát tổ chức được các sự kiện nghệ thuật trong điều kiện dịch bệnh, tạo cơ hội cho khán giả trên khắp mọi miền đất nước có thể thưởng thức tác phẩm nghệ thuật sân khấu, cập nhật mọi thông tin về các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp, giúp các nhà hát, các nghệ sỹ quảng bá rộng rãi các chương trình nghệ thuật, không phải đến nhà hát.

Khi cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới sau đại dịch COVID-19, nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật đã tự tìm những hướng đi riêng, nỗ lực áp dụng công nghệ mới để dễ dàng tiếp cận khán giả, nâng cao chất lượng tác phẩm nghệ thuật. Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã bắt đầu sử dụng quét mã QR trên màn hình sân khấu trước giờ biểu diễn, để khán giả có thể tìm hiểu trước về nội dung vở diễn, các diễn viên tham gia, thứ tự các tiết mục... Nhờ vậy, tiết kiệm một phần chi phí so với việc in tờ rơi, khán giả chủ động trong việc tiếp cận buổi diễn.

Nhà hát còn ứng dụng công nghệ vào việc làm mới các chương trình. Đơn cử như trong vở nhạc kịch “Những người khốn khổ”, Nhà hát đã tạo ra sự đột phá trong cách thể hiện, kết hợp độc đáo giữa sân khấu tối giản và công nghệ Visual LED hiện đại, kết hợp giữa nghệ thuật thị giác với nghệ thuật trình diễn nhạc kịch, mang lại những trải nghiệm mới cho khán giả…

Nhà hát Hồ Gươm ứng dụng công nghệ hàng đầu trên thế giới về âm thanh, ánh sáng, bài trí sân khấu... vừa được đưa vào sử dụng. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

* Còn nhiều khó khăn

Tiến sỹ Nguyễn Liên Hương, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật số tác động đáng kể đến các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống. Các chương trình nghệ thuật biểu diễn được phát trực tuyến thu hút hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội. Nhờ sự trợ giúp của các thiết bị công nghệ như phần mềm tiếp thị, quản lý sự kiện, các công cụ thu thập dữ liệu…, nhiều nhà hát có thể quản lý chương trình hiệu quả, tiết kiệm được thời gian hơn so với trước đây. Nhiều sáng kiến kỹ thuật số đã và đang được khai thác trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Ví dụ như tất cả dữ liệu về thông tin khán giả, việc đặt vé, bán vé… được lưu dưới dạng kỹ thuật số và người quản lý có thể dễ dàng truy cập dữ liệu đó ở mọi lúc, mọi nơi.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Liên Hương, chuyển đổi số là xu thế bắt buộc, giúp các loại hình nghệ thuật biểu diễn thích ứng với sự phát triển trong tình hình mới, cũng như góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống trong đời sống hiện đại. Số hóa giúp khán giả ở khắp mọi nơi trên thế giới có thể theo dõi được các chương trình biểu diễn nghệ thuật, là sợi dây liên kết, tăng tính tương tác giữa các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sỹ với khán giả... Số hóa giúp cho công tác quản lý, điều hành nhà hát trở nên khoa học, gọn nhẹ hơn trước. Ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ tiên tiến, hợp lý sẽ giúp các chương trình nghệ thuật biểu diễn trở nên hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, Tiến sỹ Nguyễn Liên Hương nhận định, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn còn nhiều khó khăn do điều kiện cơ sở vật chất không đồng bộ, đầu tư xây dựng nền tảng công nghệ số còn hạn chế, phân bố còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu. Nhà hát, rạp biểu diễn đều có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, trang thiết bị kỹ thuật nghèo nàn chưa đáp ứng được yêu cầu thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0…

Đồng quan điểm, Nghệ sỹ Nhân dân Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng, các sản phẩm nghệ thuật online hiện nay đưa lên mới chỉ mang tính chất tuyên truyền chứ chưa thực sự hấp dẫn để có thể kiếm tiền. Muốn thu được tiền của khán giả, phải có sự đầu tư về công nghệ để có những sản phẩm nghệ thuật thích ứng với thị trường nghệ thuật hiện nay.

Nhiều ý kiến nghệ sỹ khác cũng cho rằng, muốn chuyển đổi số thành công, trước hết cần có các phương tiện, công cụ kỹ thuật hiện đại hỗ trợ, đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số của thời đại 4.0. Bên cạnh đó, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng sử dụng các nền tảng số. Các nhà hát, nghệ sỹ cần cân nhắc tới việc thay đổi chất lượng chương trình phù hợp với nền tảng số. Mỗi chương trình nghệ thuật phải được dàn dựng phù hợp với công nghệ kỹ thuật số, được quay đẹp mắt, cuốn hút người xem, mang đến cảm giác như xem trực tiếp tại nhà hát. Khán giả có thể xem được các vở diễn online khi đăng ký tài khoản và trả phí. Cách làm này giúp sân khấu giữ được bản quyền vở diễn, thu được lợi nhuận từ việc thu phí và quảng cáo.

Tiến sỹ Nguyễn Liên Hương khẳng định, đổi mới, tiếp cận công nghệ, chuyển đổi số chính là cách để nghệ thuật biểu diễn vượt qua khó khăn trong thời kỳ hội nhập và trong xu thế bị lấn át bởi nhiều loại hình giải trí khác. Áp dụng công nghệ chuyển đổi số, đưa các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn lên môi trường kỹ thuật số, chính là kênh kết nối giữa sản phẩm nghệ thuật và khán giả, là việc cần phải làm và là con đường tất yếu hiện nay. Tuy còn nhiều thách thức, song cũng là cơ hội để các đơn vị nghệ thuật và nghệ sỹ vượt lên chính mình, khẳng định và làm tỏa sáng những giá trị văn hóa nghệ thuật của dân tộc.

“Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12/11/2021 đã đề ra những mục tiêu cụ thể để phát triển văn hóa. Để thực hiện các mục tiêu trên, Chiến lược đã xác định các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể đến năm 2030, trong đó có nhiệm vụ: Phát huy thành tựu khoa học, công nghệ gắn với chuyển đổi số trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nhằm mở rộng khả năng tiếp cận, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa...

Từ những nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra trong "Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030" có thể thấy, chuyển đổi số trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn không chỉ là giải pháp tình thế trong thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, còn là con đường tất yếu của sự phát triển nghệ thuật biểu diễn trong thời đại kỷ nguyên số hiện nay./.


Phương Hà

Xem thêm