Nhìn lại nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII: Tạo nền tảng vững chắc cho thành phố Cảng hiện đại
Sự lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt trong toàn Đảng bộ của nửa nhiệm kỳ đầu đã đưa Hải Phòng trở thành điểm sáng của cả nước trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức.
TTXVN - Linh hoạt, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền; thực hiện nghiêm việc phân cấp, phân quyền; lắng nghe và kịp thời giải quyết những vấn đề mới phát sinh, tạo sự đồng thuận cao trong toàn Đảng bộ và nhân dân thành phố... Sự lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt này trong toàn Đảng bộ của nửa nhiệm kỳ đầu đã đưa Hải Phòng trở thành điểm sáng của cả nước trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức.
* Hệ thống chính trị vững mạnh
Theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhiều yếu tố khách quan và cả chủ quan, nổi lên là dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến kinh tế thành phố, nhất là giao thông và du lịch, đình trệ hoàn toàn trong hơn 2 năm. Cùng với lạm phát, suy thoái kinh tế tác động trực tiếp đến các chỉ tiêu về xuất, nhập khẩu, thu hút FDI, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu… Những yếu tố đó, thực sự là trở lực, thách thức khát vọng phát triển thành phố với các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Tuy nhiên, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố, Hải Phòng đã cơ bản bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố và Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị đã đề ra, với nhiều kết quả quan trọng, toàn diện. Nổi bật là cơ bản hệ thống chính trị toàn thành phố vẫn duy trì sự ổn định. Tinh thần đoàn kết, thống nhất được lan tỏa. Nguyên tắc tập trung, dân chủ được thực hiện nghiêm.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt coi trọng, thực hiện hài hòa giữa xây và chống. Đặc biệt, công tác cán bộ vẫn là nhiệm vụ then chốt của then chốt, tham mưu, kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của thành phố. Tình hình đội ngũ cán bộ cơ bản ổn định, tinh thần hăng hái, tích cực, tâm huyết cống hiến, vì sự phát triển của thành phố vẫn là chủ đạo. Công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng được quan tâm, thực hiện nghiêm, có lý có tình, mang tính nhân văn, với nhiều kết quả cụ thể.
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức được thành phố Hải Phòng chú trọng. Các chủ trương, nghị quyết, quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác cán bộ được thực hiện nghiêm túc, kịp thời và hiệu quả, có nhiều đổi mới, phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố. Thành phố đổi mới và tăng cường lãnh đạo công tác dân vận của Đảng, đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình “dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực. Công tác tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy với nhân dân được đổi mới, thực chất.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hải Phòng đã sắp xếp, kiện toàn 188 lượt cán bộ diện Thành ủy quản lý (bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử 171 lượt cán bộ; bổ nhiệm lại 17 cán bộ). Một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố điều động từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Xây dựng điều động từ Bộ Xây dựng.
Thành phố đã thành lập mới 135/89 tổ chức Đảng trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, bằng 151,68% so với cùng kỳ của nhiệm kỳ trước; kết nạp 1.306 đảng viên trong các doanh nghiệp, đơn vị ngoài nhà nước, trong đó có 14 đảng viên là chủ doanh nghiệp...
* Môi trường hấp dẫn
Trên cơ sở triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế, luôn đứng trong top đầu so với cả nước, kể cả thời điểm dịch COVID-19 diễn ra phức tạp nhất. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Hải Phòng trở thành một trong những địa phương có môi trường hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị. Đô thị trung tâm được chỉnh trang, nâng cấp, không gian đô thị được mở rộng, hướng tới xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị mang đặc trưng riêng của thành phố Cảng biển. Thành phố quan tâm đầu tư, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, diện mạo nông thôn được thay đổi căn bản, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại, tiệm cận với quá trình đô thị hóa.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, trong hai năm 2021 và năm 2022, Hải Phòng là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Các dự án hạ tầng giao thông đối ngoại được quan tâm chỉ đạo trong nhiệm kỳ. Tiêu biểu như: đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển; tiếp tục đầu tư xây dựng các bến cảng mới tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; đầu tư xây dựng một số công trình cầu kết nối Hải Phòng với các tỉnh lân cận, một số tuyến vành đai; cải tạo, nâng cấp một số tuyến quốc lộ đi qua địa bàn thành phố… mở rộng đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp hiện hữu, đầu tư mới các khu, cụm công nghiệp mới.
Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 2/8/2021 về phát triển các hoạt động dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; chủ trương triển khai các dự án đầu tư phát triển du lịch, góp phần làm mới sản phẩm, đa dạng hóa dịch vụ, tạo sức hấp dẫn cho du khách, đặc biệt tại phân khúc du lịch cao cấp.
Là một đảng viên chứng kiến những đổi thay của thành phố trong những năm qua, ông Phạm Ngọc Tuyền (63 tuổi, ở 134A Lô C Thư Trung 2, phường Đằng Lâm, quận Hải An) cho biết, Hải Phòng đã và đang có nhiều đổi thay, phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cơ sở vật chất kỹ thuật được hiện đại hóa. Các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, cảng biển, kết cấu hạ tầng giao thông đều có những bước phát triển vượt bậc. Diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại. Các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững được thực hiện tốt, đời sống, thu nhập người dân nhìn chung được cải thiện rõ rệt. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
* Trở lực và giải pháp
Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hải Phòng khóa XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nêu rõ những tồn tại, hạn chế. Công tác vận động thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở một số nơi còn hạn chế, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án trên địa bàn thành phố. Kết quả thực hiện dân chủ cơ sở chưa đồng đều ở các loại hình. Một số mô hình "Dân vận khéo" chưa thực sự hiệu quả. Công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Kết quả thực hiện một số mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra còn thấp. Tiến độ triển khai một số dự án đầu tư trọng điểm, có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế - xã hội thành phố còn chậm. Một số nội dung tồn đọng kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục, xử lý dứt điểm, nhất là đối với công tác quản lý đất đai, tài nguyên; quản lý quy hoạch; quản lý, khai thác một số công trình công cộng còn để xảy ra sai phạm gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Công tác tự rà soát quản lý đất đai, xây dựng tại một số địa phương chưa đạt yêu cầu. Việc phát hiện, xử lý vi phạm chưa triệt để. Nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân và các công trình xã hội thiết yếu cho người lao động các khu công nghiệp, khu kinh tế triển khai chậm...
Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu cho rằng, trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, tình hình thế giới, khu vực và trong nước sẽ còn có nhiều diễn biến, tác động không thuận lợi, trực tiếp, nhiều mặt đến Hải Phòng, nhất là việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Để củng cố quyết tâm từ cơ sở, thống nhất đồng lòng trong từng cán bộ, đảng viên, từng cấp ủy trong thực hiện nhiệm vụ chính trị chung, Thành ủy nhất quán quan điểm giữ nguyên các mục tiêu, chỉ tiêu đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra để tiếp tục triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ.
Theo đó, toàn Đảng bộ đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt quy định về nêu gương và những điều đảng viên không được làm.
Đồng thời, thành phố Hải Phòng tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển. Thành phố hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng năng lực cạnh tranh, tiềm lực tài chính, trình độ khoa học kỹ thuật; tiếp tục rà soát, sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.
Hải Phòng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển ba trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại. Thành phố huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng khu công nghiệp công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2025, thành phố có thêm 15 khu công nghiệp và 23 cụm công nghiệp đạt các tiêu chuẩn hiện đại... Đến năm 2025, Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm phát triển kinh tế biển, trung tâm du lịch quốc tế./.