Phong trào thi đua “Vĩnh Long chung sức xây dựng nông thôn mới” đã trở nên rộng khắp và có tác động tích cực.
TTXVN - Chiều 19/7, Đoàn khảo sát do Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn-Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương làm Trưởng đoàn đã làm việc với Tỉnh ủy Vĩnh Long về tình hình phát triển kinh tế, văn hóa xã hội; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và tinh giản biên chế của tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Vĩnh Long. Theo đó, trong điều kiện khó khăn, phức tạp do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tỉnh vẫn có bước phát triển tích cực về kinh tế, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống người dân. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Vĩnh Long phát huy tốt nhất những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như: Vị trí đầu mối giao thông nối liền giữa vùng, cửa ngõ của thành phố Cần Thơ, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, là vùng đất “địa linh nhân kiệt”… để thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương ngày càng phát triển.
Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn cho rằng, những chia sẻ thực tế của tỉnh Vĩnh Long trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị là bài học kinh nghiệm để khi tổng kết, đánh giá có những đề xuất giải pháp thực hiện chính sách. Đây cũng là cơ sở để Đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương nghiên cứu, tham mưu về cơ chế, chính sách sát hơn với thực tiễn.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm cho biết, triển khai thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương đạt kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 6,18%/năm; quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 78.729 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2020; GRDP bình quân đầu người ước đạt 76,5 triệu đồng.
Phong trào thi đua “Vĩnh Long chung sức xây dựng nông thôn mới” đã trở nên rộng khắp và có tác động tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến nay, có 72/87 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 27 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 2/7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Công tác giảm nghèo, thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội được tỉnh quan tâm thực hiện tốt, trong đó hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 2.425 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí là 106 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện còn 4.247 hộ nghèo, chiếm 1,44% và 8.671 hộ cận nghèo, chiếm 2,93%.
Song song với phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh tập trung sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII). Giai đoạn 2015-2021, toàn tỉnh có 1.325 người nghỉ theo chính sách tinh giản biên chế.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát được cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Từ năm 2021 đến tháng 6/2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp và chi bộ đã kiểm tra 1.220 đảng viên, 2.136 tổ chức đảng; giám sát chuyên đề đối với 1.565 đảng viên và 985 tổ chức đảng; giải quyết tố cáo 45 trường hợp và giải quyết khiếu nại kỷ luật 2 trường hợp; thi hành kỷ luật đối với 10 tổ chức đảng và 259 đảng viên, trong đó có 79 cấp ủy viên các cấp./.