Nhờ sự tận tâm với công việc và luôn cầu tiến, chị Vân hiện trở thành người thợ dày dạn kinh nghiệm, không chỉ cạo mủ nhanh, chuẩn xác, đẹp mà còn đảm bảo quy trình kỹ thuật, sản lượng.
Từ một người quanh năm gắn bó với cái cày, cái cuốc trên ruộng đồng, người phụ nữ dân tộc Thái Lù Thị Vân nơi vùng biên giới Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) đã trở thành “Bàn tay vàng” thu hoạch mủ cao su ngay lần đầu tiên tham dự Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su lần thứ XIV năm 2024 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tổ chức.
Xuất thân từ gia đình làm nông, trước đây cuộc sống của gia đình chị Lù Thị Vân cũng như những người dân khác ở xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) đầy khó khăn. Nguồn thu nhập từ trồng lúa không đủ giúp cho gia đình chị trang trải cuộc sống. Năm 2014, khi Công ty cổ phần Cao su Mường Nhé thành lập, có nhu cầu tuyển dụng công nhân, vợ chồng chị Lù Thị Vân đã ứng tuyển và gắn bó đến tận bây giờ.
Sau thời gian đầu khó khăn, cây cao su ở Mường Nhé bắt đầu cho thu hoạch mủ, đời sống của cán bộ, công nhân viên công ty cũng ngày được nâng lên. Đến nay, thu nhập bình quân của chị Lù Thị Vân từ 8-9 triệu đồng/tháng. Từ nguồn thu nhập ổn định đã giúp gia đình chị trang trải cuộc sống, vươn lên thoát nghèo trên chính quê hương.
Nhờ sự tận tâm với công việc và luôn cầu tiến, sau 10 năm làm công nhân khai thác, chị Vân hiện đã trở thành người thợ dày dạn kinh nghiệm. Chị không chỉ cạo mủ nhanh, chuẩn xác, đẹp mà còn đảm bảo quy trình kỹ thuật, sản lượng. Đó cũng chính là lý do mà chị Vân được chọn là một trong bốn công nhân của Công ty cổ phần Cao su Mường Nhé tham gia Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su lần thứ XIV năm 2024 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tổ chức vừa qua. Đây cũng là lần đầu tiên chị tham dự hội thi.
Đáp lại kỳ vọng của lãnh đạo công ty, các thành viên tham dự hội thi đã xuất sắc giành 2 giải thưởng là Bàn tay vàng và 1 giải thưởng Kiện tướng, 1 giải thưởng Thợ giỏi thu hoạch mủ cao su. Đặc biệt, chị Lù Thị Vân đã xuất sắc giành giải Nhất hội thi. Đây là lần đầu tiên khu vực miền núi phía Bắc có thí sinh đạt giải Nhất cấp tập đoàn. Thành tích của chị đã góp phần vào thành tích giải Khuyến khích toàn đoàn của công ty.
Ngoài chị Lù Thị Vân, hai công nhân khác của Công ty cổ phần Cao su Mường Nhé đã xuất sắc đạt danh hiệu Bàn tay vàng và Kiện tướng tại Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su năm 2024 cũng là đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Mường Nhé, đó là anh Sồng A Mạnh và Giàng A Nu. Hai anh cho biết, việc đạt danh hiệu Bàn tay vàng cũng như Kiện tướng thu hoạch mủ cao su lần này giúp bản thân các anh tự tin hơn rất nhiều, từ đó tiếp thêm động lực để gắn bó với công ty và lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hoàn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Mường Nhé, sản lượng khai thác mủ bình quân của công nhân trong công ty hiện đạt 5,1 tấn mủ/năm. Đối với những công nhân lành nghề như chị Lù Thị Vân, anh Sồng A Mạnh hay Giàng A Nu luôn có năng suất cạo mủ cao hơn từ 5-10% so với đồng nghiệp. Việc lần đầu tiên, những công nhân ở Mường Nhé đạt danh hiệu Bàn tay vàng và Kiện tướng tại Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su năm 2024 của tập đoàn sẽ tiếp thêm sự tự tin, tinh thần thi đua của toàn thể công nhân thuộc công ty qua đó góp phần tăng năng suất khai thác mủ, tăng doanh thu cho công ty và cũng tăng thêm thu nhập cho công nhân.
Công ty cổ phần Cao su Mường Nhé hiện có hơn 250 cán bộ, công nhân viên; trong đó gần 97% là đồng bào dân tộc thiểu số. Những công nhân này đã gắn bó với công ty từ những ngày đầu khai hoang, trồng mới từng cây cao su khi chưa hiểu hết về cây cao su. Những năm qua, công ty luôn chú trọng cải thiện đời sống và đảm bảo đầy đủ các chế độ chính sách cho người lao động. Thu nhập bình quân năm 2024 đạt 6,1 triệu đồng/người/tháng cùng với các hỗ trợ khác. Công ty đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ gia đình qua đó giúp người dân có điều kiện cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm nghèo, và nâng cao trình độ dân trí. Việc sử dụng lao động địa phương, đặc biệt là người dân tộc thiểu số cũng đã góp phần phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, biên giới như Mường Nhé.
Mường Nhé là địa bàn miền núi, biên giới đặc biệt khó khăn của cả nước. Sau hơn 10 năm bén rễ, hiện toàn huyện Mường Nhé có hơn 1.200 ha cây cao su và đều đang cho khai thác mủ. Năm 2023, sản lượng khai thác đạt hơn 1.000 tấn mủ; tổng doanh thu hơn 28 tỷ đồng. Năm 2024, doanh thu công ty ước đạt 38 tỷ đồng, tương đương 121,5% kế hoạch. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế đạt 4 tỷ đồng, vượt xa mục tiêu ban đầu, đạt 523% kế hoạch được giao./.
- Từ khóa:
- Bàn tay vàng
- mủ cao su
- Mường Nhé
- Điện Biên