Tình trạng tảo hôn mặc dù có giảm song chưa đáng kể, nguyên nhân xuất phát từ nhận thức chưa đúng đắn của một số bạn trẻ ở vùng cao.
TTXVN - Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang kéo theo nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, là lực cản sự phát triển kinh tế, xã hội và chất lượng dân số. Thực trạng này đã xuất hiện từ lâu do quan niệm, tập quán lạc hậu, song gần đây lại có trường hợp xuất phát từ nhận thức chưa đúng đắn của một số bạn trẻ vùng cao.
* Không chỉ từ tập quán lạc hậu
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn, cụ thể là nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.
Tình trạng tảo hôn đã xuất hiện ở nước ta từ khá lâu, đặc biệt là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Thực trạng này được cho là xuất phát từ quan điểm, tập quán lạc hậu, coi việc lấy vợ, lấy chồng cho con sớm là để nhà có thêm người làm, người lao động, hay chỉ đơn thuần từ suy nghĩ tuổi trẻ thì đẻ con sẽ khỏe mạnh hơn…
Hiện nay, nhờ được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương tới địa phương, nhiều chỉ đạo, phương án, giải pháp được đưa ra để kéo giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Nhờ đó, nhận thức của đồng bào đã có sự chuyển biến rõ rệt, nhận thức được những hệ luỵ, tác hại của việc cho con em mình kết hôn khi chưa đủ tuổi nên nạn tảo hôn đã phần nào được xóa bỏ.
Tại một số địa phương, tình trạng tảo hôn mặc dù có giảm song chưa đáng kể, nguyên nhân xuất phát từ nhận thức chưa đúng đắn của một số bạn trẻ ở vùng cao. Hoàng Su Phì (Hà Giang) là huyện có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống, trong những năm qua, tình hình tảo hôn có xu hướng giảm nhưng vẫn còn xảy ra. Theo ông Bùi Thanh Hưởng, Trưởng phòng Dân tộc huyện, trong năm 2021, huyện có 39 cặp tảo hôn, đến năm 2022 giảm còn 29 cặp, trong 6 tháng đầu năm 2023 có 12 cặp. Trước đây, theo phong tục tập quán, việc tảo hôn, hôn nhận cận huyết phần lớn là do cha mẹ cưỡng ép, tuy nhiên hiện nay nhiều trường hợp là do các em tự đến với nhau, có tình cảm với nhau sớm, quan hệ sớm, dẫn tới tình trạng phải cưới khi chưa đủ tuổi theo quy định.
Ông Bùi Thanh Hưởng cho biết thêm, thực tế này có phần tác động của công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển mạnh..., ảnh hưởng nhiều tới thanh thiếu niên. Các cháu chủ động tìm hiểu, yêu đương và sống cùng nhau; nhiều trường hợp, bố mẹ không mong muốn nhưng vẫn phải cho cưới vì lỡ có thai...
Em S.T.S, xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), nghỉ học khi hết lớp 9 và lấy chồng, sinh con khi mới 16 tuổi. Đến nay, bước sang tuổi 17, khi bạn bè đồng trang lứa vẫn đang cắp sách đến trường, được vui chơi, được ra ngoài tìm hiểu cuộc sống thì em S. lại bó cuộc đời mình vào con cái, dây địu... Em S. tâm sự, ngày trước, hai đứa tự đến với nhau chứ gia đình không ép buộc, khi nghỉ học và lấy chồng, thầy cô, bạn bè khuyên can rất nhiều nhưng lúc đó em không nghe theo.
Làm mẹ khi còn quá trẻ đem lại nhiều hậu quả cho cả mẹ và bé, những điều mà các bà mẹ trẻ chỉ thực sự nhận ra khi đã trải qua. Bác sĩ Lèng Thị Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hoàng Su Phì (Hà Giang) cho biết: Các bà mẹ sinh con khi còn quá trẻ thì sẽ gặp nhiều nguy cơ, gây tổn hại cả về tâm lý lẫn sức khỏe. Do suy nghĩ chưa chín chắn nên dễ dẫn tới trầm cảm, các bạn cùng lứa tuổi xa lánh, bỏ rơi, đặc biệt là kiến thức làm mẹ, kiến thức nuôi con cũng chưa có. Từ đó, các em bé sẽ dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hoá, suy dinh dưỡng, những trường hợp nặng có thể dẫn tới tỷ lệ tử vong cao...
Bác sĩ Lèng Thị Hương thông tin, năm 2022 trên 90 trường hợp là các bà mẹ trẻ, chưa đủ tuổi kết hôn đã sinh con; trong 6 tháng đầu năm 2023, số này là trên 50 ca. Trẻ được sinh ra từ các cặp tảo hôn thường dễ bị mắc các bệnh dị tật bẩm sinh, suy dinh dưỡng, tỷ lệ tử vong sơ sinh cũng rất cao.
* Nỗ lực đồng hành, ngăn chặn vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết
Tảo hôn là vấn nạn xã hội, vi phạm pháp luật, kéo theo nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, là lực cản sự phát triển kinh tế, xã hội và chất lượng dân số. Để ngăn chặn vấn nạn này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Ông Bùi Thanh Hưởng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) cho biết, Phòng Dân tộc được UBND huyện giao là cơ quan chủ trì Đề án giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện. Hiện nay, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với trách nhiệm của cơ quan chủ trì, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện hằng năm ban hành kế hoạch để thực hiện với nhiều giải pháp, trong đó chủ yếu là công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Năm 2023, Phòng Dân tộc đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch cụ thể đến các cơ quan, ban, ngành, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Một số cơ quan chủ lực trong đó có Phòng Tư pháp tổ chức tập huấn, hướng dẫn việc xử lí vi phạm hành chính, nếu đủ yếu tố thì chuyển cơ quan chức năng xem xét xử lý hình sự. Huyện Đoàn chủ trì, xây dựng chương trình sân khấu hóa, phiên tòa giả định, tuyên truyền ở trường học, các buổi chợ phiên, tạo được tính tích cực, lan tỏa cao...
Chị Nguyễn Thị Minh Mùi, Phó Bí thư Huyện đoàn Hoàng Su Phì (Hà Giang) cho biết: Đoàn Thanh niên huyện xác định vấn đề phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên. Từ năm 2021, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã triển khai các chương trình cụ thể như tổ chức hội thảo, xây dựng các phóng sự truyền thông từ chính những nhân vật là nạn nhân của tảo hôn và hôn nhân cận huyết để từ đó tuyên truyền, giáo dục, giúp các bạn trẻ nhận thức được hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện đoàn còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các buổi tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết bằng các hình thức như xây dựng phiên tòa giả định, vẽ tranh truyền thông, thi trực tuyến; 24/24 cơ sở Đoàn trên địa bàn thành lập các đội hình thanh niên xung kích tuyên truyền, vận động bà con xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ các phong tục, hủ tục lạc hậu. Đoàn viên, thanh niên huyện Hoàng Su Phì hưởng ứng và ký cam kết không thực hiện hành vi tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Việc tuyên truyền, vận động nhằm ngăn chặn vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết là việc làm hết sức cần thiết; bên cạnh đó cũng rất cần sự đồng hành, hỗ trợ những cặp tảo hôn có hoàn cảnh khó khăn để các em không bị tụt lùi quá xa so với sự phát triển của xã hội. Không ít những trường hợp người chồng không dám ở lại địa phương, phải bỏ trốn đi nơi khác làm ăn, vừa để có kinh tế, vừa vì sợ hình phạt của pháp luật.
Pháp luật đã có quy định rất rõ ràng xử lí tình trạng tảo hôn cả về hành chính lẫn hình sự. Một số trường hợp tảo hôn do nhận thức chưa đầy đủ, phớt lờ quy định, coi nhẹ mức xử phạt hành chính nên “nhắm mắt đưa chân”, nhưng cũng có không ít trường hợp, do thiếu hiểu biết về pháp luật mà “lỡ” sa chân vào vòng lao lý, nhân sự chủ chốt trong gia đình trẻ phải đi chấp hành án, không thể lao động làm ra kinh tế, để lại vợ dại, con thơ, khó khăn lại càng khó khăn hơn nữa. Do vậy, ngoài việc tuyên truyền, vận động, ngăn chặn vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết, rất cần sự chung tay, đồng hành, hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể và xã hội giúp đỡ những trường hợp tảo hôn thực sự khó khăn, để các em không bị bỏ lại phía sau sự phát triển của xã hội./.