40 năm qua, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Tam Nông đạt nhiều kết quả quan trọng, có bước tiến dài trên các lĩnh vực.
TTXVN - Tối 11/8, tại thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp), Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tam Nông tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm Ngày tái lập huyện (1983 - 2023).
Tại lễ kỷ niệm, Bí thư Huyện ủy Tam Nông Huỳnh Thanh Sơn cho biết, huyện Tam Nông được hình thành từ ngày 25/8/1969 thuộc tỉnh Long Châu Sa. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tam Nông nhập với huyện Thanh Bình thành huyện Tam Nông. Đến tháng 8/1983, hai huyện này lại tách ra cho đến nay, trung tâm của huyện Tam Nông đặt tại xã Tân Công Sính, nay là thị trấn Tràm Chim.
Theo Bí thư Huyện ủy Tam Nông, những ngày đầu tái thành lập huyện, địa phương gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất hầu như không có. Kinh tế của huyện chủ yếu là nông nghiệp với độc canh cây lúa, lại thường xuyên chịu tác động của thiên tai, lũ lụt; tỷ lệ người dân thuộc diện đói, nghèo khá cao. Thời kỳ ấy, hình ảnh tựu chung của Tam Nông là vùng đất hoang vu gắn liền với 4 không “không điện, không đường, không trường, không trạm”.
Suốt 40 năm qua, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Tam Nông đạt nhiều kết quả quan trọng, có bước tiến dài trên các lĩnh vực. Những dòng nước ngọt từ 50 tuyến kênh và ô bao đã tháo chua, rửa phèn, góp phần giúp sản xuất lúa tăng vụ, tăng năng suất và sản lượng. Những tuyến đường dọc ngang đã hình thành mạng lưới giao thông thủy - bộ liên hoàn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Kinh tế của huyện Tam Nông luôn giữ ổn định và phát triển vượt bậc. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, về cây lúa, năm 1983, toàn huyện chỉ gieo trồng được khoảng 15.000 ha/năm. Đến nay, diện tích sản xuất lúa đạt 70.000 ha/năm. Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản năm 2023 của huyện ước đạt 5.732 tỷ đồng, tăng 1.732 tỷ đồng so với năm 1995. Năm 1983, Tam Nông có hơn 10 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, với tổng giá trị sản xuất chỉ 11 triệu đồng. Đến năm 2023, tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ước đạt 3.879 tỷ đồng, tăng 1.879 tỷ đồng so với 28 năm trước.
Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục và đào tạo của huyện Tam Nông từng bước được quy hoạch và đầu tư đáng kể. Toàn huyện có 48 trường học với hơn 1.100 giáo viên (trong đó có 24 trường đạt chuẩn Quốc gia). Mạng lưới khám chữa bệnh được đầu tư từ huyện đến cơ sở. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 2,82%, với 799 hộ (giảm 28,68% so với năm 1995).
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đánh giá, từ một huyện thuần nông, sản xuất nhỏ, manh mún, trên 80% diện tích đất bị nhiễm phèn, thường xuyên bị ngập lũ, nắng hạn kéo dài, kinh tế Tam Nông đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, nhất là ngành hàng lúa gạo.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ông Phạm Thiện Nghĩa chúc mừng và biểu dương những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tam Nông đã nỗ lực đạt được trong chặng đường 40 năm qua, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của tỉnh Đồng Tháp.
Dịp này, 12 tập thể được nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp vì đã có nhiều đóng góp trong xây dựng và phát triển huyện Tam Nông, giai đoạn 1983 - 2023./.
- Từ khóa:
- huyện Tam Nông
- Đồng Tháp
- 40 năm tái lập