Phát biểu của Tổng Bí thư về công tác nhân sự: Cán bộ, đảng viên tâm đắc với các quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đông đảo cán bộ, đảng viên tại thành phố Đà Nẵng đồng tình, nhất trí và tâm đắc với các quan điểm của Tổng Bí thư về công tác nhân sự.
TTXVN - Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng có bài phát biểu “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng” tại phiên họp của Tiểu ban ngày 13/3, đông đảo cán bộ, đảng viên tại thành phố Đà Nẵng đều đồng tình, nhất trí và tâm đắc với các quan điểm của Tổng Bí thư.
Anh Bùi Trung Hiệp, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên, Bí thư Chi bộ Sinh viên của Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đồng tình khi Tổng Bí thư đưa ra tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV phải thật sự là những đồng chí tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; trong đó, nhấn mạnh “phải vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc”. Điều này cũng kế thừa quan điểm của Bác Hồ về chữ đức và chữ tài, mỗi người cần phải có đủ cả hai yếu tố trên.
Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ tiêu chí nhân sự Trung ương cần là “có năng lực sáng tạo, nhiệt huyết, làm việc có hiệu quả, có "sản phẩm" cụ thể, rõ rệt; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Anh Bùi Trung Hiệp cho rằng, những đảng viên trẻ, sinh viên luôn mong muốn các cán bộ lãnh đạo có định hướng, tiên phong, đi đầu để dẫn dắt thế hệ thanh niên vốn rất nhiệt huyết. Tiêu chí phải có “sản phẩm” cụ thể, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cũng giúp chọn ra những người lãnh đạo đủ bản lĩnh để thực hiện những nhiệm vụ, yêu cầu mới trong thời đại hiện nay…
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng tâm đắc với 6 khuyết điểm được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra. Ông Bùi Văn Tiếng cho rằng, những khuyết điểm nói trên thực ra không mới, đã được nhận diện từ nhiều năm nay, nhất là từ khi Đảng đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, điều đáng nói là Tổng Bí thư đã cụ thể hóa việc nhận diện thế nào là không đủ tiêu chuẩn để được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV. Trước khi nêu rõ 6 khuyết điểm này, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh quan điểm chung và nhất quán là “Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, Ban Chấp hành Trung ương cần có cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tính kế thừa và phát triển; nhưng không nhất thiết lĩnh vực nào, ngành nào cũng phải có người tham gia Ban Chấp hành Trung ương nếu không đủ tiêu chuẩn; không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn”. Quan điểm này có nghĩa là chỉ cần vi phạm một trong 6 khuyết điểm thì người đó được xem là “không đủ tiêu chuẩn”.
Ông Bùi Văn Tiếng cũng cho rằng, Tổng Bí thư đã khẳng định, nếu để lọt những người thiếu tiêu chuẩn vào Ban Chấp hành Trung ương sẽ gây hại không chỉ cho một nhiệm kỳ mà còn cho toàn bộ công cuộc xây dựng Đảng. Hệ thống chính trị phải thực sự trong sạch vững mạnh, “Phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức... Để những người đó lọt được vào cương vị lãnh đạo là tai họa cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn”. Đây là quyết tâm chính trị rất lớn của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV và cũng là của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Tiểu ban.
Qua bài phát biểu của Tổng Bí thư, ông Bùi Văn Tiếng mong đợi kết quả bầu cử Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2026 - 2031 với toàn bộ Ủy viên Trung ương đều xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, không để lọt những người không đủ tiêu chuẩn. Ông Bùi Văn Tiếng mong chờ tại nhiệm kỳ 2026 - 2031, Đảng ta sẽ có một Ban Chấp hành Trung ương không chỉ đủ tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực mà còn thường xuyên rèn luyện, trau dồi, không ngừng giữ vững và phát huy được các tiêu chuẩn ngời sáng ấy, xứng đáng với sự kỳ vọng của toàn Đảng, toàn dân./.