Phát động chương trình Sáng kiến an toàn giao thông phục vụ cộng đồng
Chương trình nhằm tìm kiếm những sáng kiến, giải pháp mới giải quyết các vấn đề tồn tại, bất cập về giao thông đường bộ tại Việt Nam, hướng tới xây dựng văn hóa giao thông văn minh, hiện đại, an toàn.
TTXVN - Chiều 14/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an phối hợp với Báo Điện tử Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam tổ chức phát động Chương trình "Sáng kiến an toàn giao thông Việt Nam năm 2023".
Chương trình nhằm tìm kiếm những sáng kiến, giải pháp mới giải quyết các vấn đề tồn tại, bất cập về giao thông đường bộ tại Việt Nam, hướng tới xây dựng văn hóa giao thông văn minh, hiện đại, an toàn.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh, tai nạn giao thông là vấn đề nhức nhối của xã hội, là điều không ai mong muốn bởi gia đình nạn nhân chính là người đầu tiên gánh chịu thiệt hại. Tai nạn giao thông không chỉ cướp đi sức khỏe, mạng sống của nhiều người mà còn kéo theo nhiều hệ lụy nặng nề, khiến nhiều gia đình mất đi trụ cột, lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần, bế tắc, vợ mất chồng, con trẻ bỗng chốc mồ côi…
Chương trình “Sáng kiến an toàn giao thông Việt Nam” là một trong những hoạt động tiên phong huy động sức mạnh, trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân tham gia nhằm tìm giải pháp cho thực trạng giao thông tại Việt Nam. Chương trình sẽ là cầu nối hữu hiệu giữa cơ quan quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông với người dân.
“Tôi mong mỗi đại biểu, tổ chức chính trị - xã hội, người dân, cộng đồng doanh nghiệp tích cực tham gia đóng góp để chương trình không chỉ mang lại ý nghĩa lớn cho cộng đồng mà còn góp phần xoa dịu những nỗi đau mà tai nạn giao thông đã gây ra”- Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi phát động.
Những năm gần đây, tình hình tai nạn giao thông liên tục giảm về cả về số vụ, số người chết, bị thương, tuy nhiên vẫn để lại hậu quả năng nề. Vì vậy hàng năm, các cơ quan chức năng không chỉ tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân mà còn kêu gọi người dân tuân thủ quy định pháp luật quy tắc giao thông, văn hóa giao thông nhằm hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông.
Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an, Chương trình “Sáng kiến an toàn giao thông” hướng tới mục tiêu tìm kiếm những giải pháp mang tính khả thi cao, góp phần đưa giao thông Việt Nam văn minh, an toàn, hiện đại hơn. Đặc biệt, Chương trình hội tụ những sáng kiến từ người dân sẽ quay lại phục vụ chính người dân, qua đó góp phần đem lại sự bình yên trên mỗi tuyến đường, sự an toàn, hạnh phúc của người dân.
Trong Chương trình, người tham dự có thể đăng ký một trong hai hạng mục là "Sáng kiến an toàn giao thông" và "Sáng kiến công nghệ về an toàn giao thông" nhằm đưa ra giải pháp giải quyết 3 chủ đề chính của giao thông Việt Nam: Giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông; Giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; Giải pháp về thiết lập kỷ cương pháp luật trong giữ gìn trật tự an toàn giao thông.
Trước đó, tại Chương trình cũng diễn ra buổi tọa đàm về giải quyết ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nâng cao kỷ cương pháp luật, ý thức người tham gia giao thông.
Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, một trong những nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông là do hạ tầng, tỷ lệ đất dành cho giao thông của nước ta mới đạt 10 - 13%, thấp hơn nhiều so với định hướng, kế hoạch phát triển giao thông đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 là từ 20 - 25%. Bên cạnh đó, công tác tổ chức giao thông của các cơ quan quản lý nhà nước đến nay vẫn chưa có lời giải dù đã tìm nhiều cách thức hay phương án; ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế. Đặc biệt, tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, hạ tầng giao thông đang phải gồng gánh, chịu sức ép rất lới từ sự gia tăng dân số, gia tăng phương tiện giao thông.
Thạc sỹ Trần Thúy Trâm Quyên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cũng nhìn nhận ùn tắc giao thông là sự phát sinh tự nhiên khi kinh tế, xã hội phát triển và sự gia tăng dân số. Tuy nhiên, ùn tắc giao thông cũng gây ra nhiều hệ lụy như chi phí phát sinh, làm lãng phí thời gian, gây ô nhiễm môi trường... và ảnh hưởng đến tài sản cá nhân của người dân.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương phát triển, có mật độ dân cư ngày càng đông, phương tiện cá nhân ngày càng nhiều. Mỗi gia đình có trung bình 2 đến 5 chiếc xe gắn máy khiến viễn cảnh ùn tắc giao thông xảy ra hàng ngày.
Để giải quyết các vấn đề về giao thông hay khắc phục tình trạng ùn ứ, Thạc sỹ Trần Thúy Trâm Quyên đề nghị nhà trường phối hợp cùng các cơ quan chức năng tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức cho sinh viên khi tham gia giao thông. Sinh viên Nhật Anh, học năm thứ 3 Khoa Y, Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho rằng, giải pháp cần ưu tiên là hướng học sinh, sinh viên, người dân tham gia nhiều hơn các phương tiện công cộng, xe buýt và metro trong tương lai; đồng thời mong tất cả người tham gia giao thông đều phải có giấy phép lái xe, trải qua các khóa học, đào tạo kiến thức về giao thông để từ đó ý thức và tự tin hơn, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông…./.