Phát huy bản sắc dân tộc trong xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa
Tham gia lớp tập huấn, hơn 100 học viên là những cây viết trẻ, nhà báo, biên tập viên, nhà nghiên cứu, giảng viên ưu tú được truyền đạt các chuyên đề: Bản sắc dân tộc trong văn học nghệ thuật; Phê bình nghệ thuật số và truyền thông đa phương tiện – Cơ hội mới để lan tỏa giá trị văn hóa Việt.
Ngày 25/7, tại tỉnh Ninh Bình, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức khai mạc lớp bồi dưỡng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trẻ lần thứ 9 với chủ đề "Văn học nghệ thuật Việt Nam với việc phát huy bản sắc dân tộc trong xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa".
Tham gia lớp tập huấn, hơn 100 học viên là những cây viết trẻ, nhà báo, biên tập viên, nhà nghiên cứu, giảng viên ưu tú được truyền đạt các chuyên đề: Bản sắc dân tộc trong văn học nghệ thuật; Phê bình nghệ thuật số và truyền thông đa phương tiện – Cơ hội mới để lan tỏa giá trị văn hóa Việt; Phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng dân tộc, tiên tiến, hiện đại ở lĩnh vực điện ảnh và sân khấu; Thị trường hóa nghệ thuật và vấn đề giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc - Vai trò của người làm công tác lý luận, phê bình; Đào tạo đội ngũ lý luận, phê bình trẻ với nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa.
Theo Thượng tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, lớp bồi dưỡng lý luận, phê bình trẻ lần này được Hội đồng tổ chức nhằm xây dựng, bồi đắp một đội ngũ kế cận vững vàng về lý luận, sắc sảo về chuyên môn, có bản lĩnh chính trị và tâm huyết với sự nghiệp văn học, nghệ thuật nước nhà. Chủ đề “Văn học nghệ thuật Việt Nam với việc phát huy bản sắc dân tộc trong xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa" là chủ đề lớn, vừa mang tầm chiến lược quốc gia, vừa đòi hỏi sự luận giải sâu sắc từ góc độ lý luận, phê bình. Các chuyên đề của khóa học được xây dựng theo một logic chặt chẽ để học viên có cái nhìn toàn diện và hệ thống hơn.
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đề nghị các học viên tập trung trí tuệ, lĩnh hội một cách sâu sắc, toàn diện nội dung các chuyên đề; chủ động, tích cực tham gia thảo luận, trao đổi, làm sáng tỏ vấn đề, đề xuất những ý tưởng, góc nhìn mới từ thực tiễn công tác và nghiên cứu của bản thân; gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, biến những tri thức được học thành công cụ sắc bén để phân tích, đánh giá các hiện tượng văn học, nghệ thuật trong đời sống, phục vụ hiệu quả công việc chuyên môn; tăng cường giao lưu, kết nối, xây dựng một mạng lưới những người làm công tác lý luận, phê bình trẻ trên cả nước để cùng chia sẻ, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Hy vọng, sau lớp tập huấn, mỗi học viên sẽ có thêm hành trang tri thức, tầm nhìn và nhiệt huyết mới để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp văn học, nghệ thuật nước nhà./.
- Từ khóa:
- xây dựng
- phát triển
- ngành công nghiệp văn hóa