Đây không chỉ là minh chứng cho sự phong phú và đa dạng của di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng tộc người ở Việt Nam mà còn là cam kết mạnh mẽ của chúng ta trong việc chung tay cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ di sản, đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc.
Ngày 5/1, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định, Viện nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể và Võ cổ truyền Việt Nam”, với sự tham gia của 58 nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng đông đảo đại biểu Trung ương, địa phương.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh, Võ cổ truyền Bình Định có từ ngàn xưa, thời cha ông đi mở cõi, có mặt ở nhiều khía cạnh đời sống văn hóa và được lưu truyền đến ngày nay. Không những là hoạt động thể thao rèn luyện thể lực, trí lực, tâm lực mà Võ cổ truyền Bình Định còn trở thành linh hồn của đất và người Bình Định, chứa đựng nhiều đạo lý, triết lý sống.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, ý thức được tầm quan trọng, những giá trị văn hóa của Võ cổ truyền Bình Định, từ rất sớm, chính quyền và nhân dân trong tỉnh luôn nâng niu, gìn giữ, bảo tồn. Tỉnh cũng đã triển khai Đề án bảo tồn và phát huy Võ cổ truyền; hỗ trợ kinh phí duy trì, trao truyền, phát triển các lò võ tiêu biểu, các câu lạc bộ bõ thuật; tổ chức biên soạn và đưa Võ cổ truyền vào truyền dạy trong trường học, tạo điều kiện để phát triển thể dục, thể thao. Qua đó, tìm kiếm, phát hiện những tài năng trẻ để kịp thời bồi dưỡng, rèn luyện, đưa vào các đội tuyển của tỉnh.
Tỉnh cũng chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với các ngành liên quan tổ chức khảo sát, sưu tầm các bài quyền, binh khí, chân dung các cố võ sư, võ sư tiêu biểu tại các võ đường trong và ngoài tỉnh; tổ chức thành công 8 kỳ Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam góp phần giới thiệu Võ cổ truyền đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Năm 2021, Võ cổ truyền Bình Định đã được Bộ Thể thao, Văn hóa và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương thông tin, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam tự hào có 16 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây không chỉ là minh chứng cho sự phong phú và đa dạng của di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng tộc người ở Việt Nam mà còn là cam kết mạnh mẽ của chúng ta trong việc chung tay cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ di sản, đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc.
“Hội thảo mang lại nhiều ý nghĩa khoa học và thực tiễn; là dịp để các nhà khoa học quốc tế và trong nước cùng nhau nhận diện giá trị của di sản văn hóa phi vật thể nói chung, Võ cổ truyền Bình Định nói riêng hướng tới việc hoàn thiện hồ sơ Võ cổ truyền Bình Định đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là nhiệm vụ quốc gia, không chỉ nhằm mục đích bảo vệ di sản cho thế hệ hiện tại và tương lai mà còn là cơ hội để giới thiệu tinh hoa văn hóa Việt Nam với thế giới, khẳng định vị thế trên bản đồ di sản văn hóa toàn cầu..." - Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nói.
Bình Định hiện có 136 võ sư, võ sư cao cấp, đại võ sư, 110 chuẩn võ sư, 254 huấn luyện viên, 4.474 võ sinh tập luyện thường xuyên (không tính các võ phái Bình Định dạy võ trong nước và nước ngoài).
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về các nội dung khoa học như: Võ cổ truyền Bình Định từ góc nhìn di sản văn hóa phi vật thể; Bảo vệ và phát huy di sản võ - bài học từ các nước; Võ cổ truyền Bình Định - Bản sắc địa phương, sự biến đổi và hội nhập; Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong bối cảnh đương đại: Trường hợp võ cổ truyền Bình Định và các di sản khác.
Võ sư Trần Nguyên Đạo, Chủ tịch Hội đồng Võ sư Vovinam - Việt Võ đạo Thế giới, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam cho rằng, bước đầu tiên là phải nắm bắt 5 tiêu chuẩn mà UNESCO đã định nghĩa về “di sản phi vật thể” và từ đó dùng làm định hướng khai triển các hồ sơ để đưa Võ cổ truyền Bình Định vào Danh mục văn hóa phi vật thể. Tiếp đến, phải biết thẩm định chính xác Võ cổ truyền Bình Định thuộc về lĩnh vực nào trong 5 lĩnh vực mà UNESCO đã kê khai trong điều 2, Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO thông qua năm 2003 - Phiên bản 2022. Và cụ thể hơn, chúng ta phải biết trưng dụng những hồ sơ của các quốc gia đã được UNESCO công nhận trong lĩnh vực tương đương với Võ cổ truyền Bình Định.
Theo Tiến sĩ Đào Quyền Trưởng, Phó vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao, Ủy viên Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thành phố Hà Nội, Việt Nam cần có chiến lược bảo tồn và phát triển Võ cổ truyền Bình Định một cách toàn diện, bền vững. Chiến lược này bao gồm đào tạo thế hệ trẻ, quảng bá qua công nghệ số, tổ chức giải đấu quốc tế và gắn kết với các hoạt động du lịch văn hóa, kết nối với những môn Võ cổ truyền khác, đặc biệt là Vovinam - Việt võ đạo để tạo sức mạnh cộng hưởng, góp phần quảng bá võ thuật cổ truyền Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Việc nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát huy di sản này không chỉ đảm bảo tính kế thừa mà còn khẳng định vị thế của Võ Bình Định như một biểu tượng văn hóa giàu bản sắc, đóng góp tích cực vào chiến lược ngoại giao văn hóa quốc gia và hội nhập quốc tế.
“Cần huy động sự tham gia của cộng đồng, sự hỗ trợ của nhà nước, sự phối hợp của các tổ chức liên quan trong công tác giáo dục, đào tạo, trao truyền di sản, quảng bá, tôn vinh kết hợp với khai thác giá trị kinh tế trong phát triển du lịch và giao lưu quốc tế. Điều đó không chỉ nhằm giữ gìn một môn võ cổ truyền độc đáo của dân tộc mà còn góp phần bảo tồn một phần quan trọng của bản sắc văn hóa Việt Nam”- Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đề xuất.
Giáo sư, Tiến sĩ Frank Proschan, nguyên chuyên gia cao cấp của UNESCO đưa ra ý kiến, trong những trường hợp tốt nhất, cộng đồng, học giả và chính quyền có thể tận dụng việc ghi danh để huy động nguồn tài chính, tập trung sự chú ý của công chúng, khuyến khích người thực hành và củng cố quá trình truyền dạy. Hàng triệu người ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế có thể có thêm cơ hội tiếp cận di sản này, cho phép họ trải nghiệm những hoạt động văn hóa mà nếu không có sẽ không thể tiếp cận được…/.