Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới đã ngày càng khẳng định việc dựa vào nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh nhân dân là đường lối chiến lược, là nhiệm vụ trung tâm của cả hệ thống chính trị.
TTXVN - Ngày 12/10, tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Những vấn đề mới về phát huy sức mạnh nhân dân trong giai đoạn phát triển đất nước hiện nay”.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tiến sỹ Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản đồng chủ trì hội thảo.
Hội thảo nhằm góp phần tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc; trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003, của Hội nghị Trung ương 7 khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới đã ngày càng khẳng định việc dựa vào nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh nhân dân là đường lối chiến lược, là nhiệm vụ trung tâm của cả hệ thống chính trị. Trong đó, vai trò lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định hàng đầu, là nhân tố bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, bối cảnh quốc tế và trong nước đang tạo ra cả thời cơ và thách thức, vận hội và nguy cơ đan xen nhau, rất phức tạp, khó lường. Hơn lúc nào hết, bài học về đoàn kết toàn dân tộc, phát huy mạnh mẽ sức mạnh của nhân dân với tư cách là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước lại càng trở nên quan trọng, đòi hỏi phải được nâng lên một tầm cao mới, để quy tụ, đoàn kết mọi người dân Việt Nam có lòng yêu nước, sẵn sàng cống hiến vì lợi ích quốc gia - dân tộc, vì mục tiêu chung “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Ban Tổ chức đã nhận được gần 50 tham luận đầy tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và các nhà lãnh đạo, quản lý, hoạt động thực tiễn, thể hiện sự quan tâm, tập trung làm rõ nhiều nội dung liên quan tới vị trí, vai trò, ý nghĩa của sức mạnh nhân dân và phát huy sức mạnh nhân dân trong bối cảnh mới.
Các tham luận tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về vai trò to lớn của nhân dân, nội hàm phát huy sức mạnh nhân dân trong giai đoạn hiện nay, hướng tới mục tiêu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Các tác giả đi sâu phân tích về chủ thể, nội dung, phương thức, cơ chế phát huy vai trò và sức mạnh nhân dân. Đặc biệt, nhiều tham luận đã phân tích, làm rõ một số vấn đề lý luận cơ bản về “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân”, vai trò của thực hành dân chủ, những thành tố cấu thành, cội nguồn sức mạnh của nhân dân, ý nghĩa của việc phát huy sức mạnh nhân dân trong tiến trình đổi mới, phát triển đất nước.
Nhiều tham luận đã bàn sâu tới nội dung lý luận và thực tiễn mới về đại đoàn kết dân tộc, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc để phát huy hiệu quả sức mạnh nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều vấn đề mới đặt ra từ kinh nghiệm thực tiễn phát huy sức mạnh nhân dân của một số địa phương đã cung cấp những luận cứ thực tiễn quan trọng để qua đó, góp phần tham mưu hiệu chỉnh, nâng tầm lý luận về vấn đề phát huy mạnh mẽ hơn nữa sức mạnh nhân dân trong bối cảnh phát triển mới của đất nước.
Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng, trong phát huy sức mạnh nhân dân, vai trò của việc nâng cao dân trí để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển là nhiệm vụ rất quan trọng. Để làm tốt vấn đề này có vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận Trung ương, của ngành Giáo dục, đặc biệt là cơ quan văn hóa, sẽ tạo nên sức mạnh nội sinh của nhân dân trong sự phát triển của đất nước.
Theo ông Đinh Xuân Dũng, chỉ có thể phát huy sức mạnh niềm tin và sức mạnh nhân dân trên cơ sở niềm tin vào người lãnh đạo. Vì thế, khâu cuối cùng để phát huy sức mạnh nhân dân đặt trong điều kiện mới hiện nay chính là việc chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng trong sạch.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chỉ rõ, thời gian tới, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, cả hệ thống chính trị trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong điều kiện hiện nay, dưới sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, cần xây dựng nội dung, phương thức, đặc biệt là mô hình phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, coi trọng vai trò của người có uy tín. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp... tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động để phù hợp với thực tiễn./.
- Từ khóa:
- Tạp chí Cộng sản
- Sức mạnh nhân dân