Ý kiến về Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII: Tạo động lực xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh
Nhà nước cần đổi mới cơ chế quản lý khoa học cũng như tháo gỡ rào cản để phát huy nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.
TTXVN - Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thảo luận, xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến sự nghiệp phát triển bền vững đất nước.
Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về “xây dựng đội ngũ tri thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh, cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cả về tư duy và hành động theo hướng: Xác định trí thức Việt Nam là nguồn lực lao động chất lượng cao, là lực lượng lao động sáng tạo, có vinh dự và bổn phận tiên phong, trực tiếp tham gia sự nghiệp đổi mới, cống hiến xây dựng, phát triển đất nước; nâng cao dân trí, nhân lực; bồi dưỡng, đào tạo nhân tài trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Minh Phúc, Chủ tịch Công đoàn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27, vai trò của khoa học xã hội đã được phát huy một cách đáng kể, đội ngũ trí thức khoa học xã hội đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước. Tuy vậy, nhiều nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW chưa được thực hiện đầy đủ theo mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điều quan trọng đặt ra hiện nay, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Minh Phúc là cần phải có các giải pháp đột phá mạnh mẽ, sát thực với quyết tâm chính trị và chuyên môn cao để tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Minh Phúc cho biết, thời gian qua, cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ trí thức khoa học có trình độ, năng lực của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, đặc biệt là trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao và đãi ngộ đội ngũ trí thức.
Nhằm động viên, khuyến khích đội ngũ trí thức nói chung, trí thức ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói riêng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Minh Phúc đề nghị, cần tăng cường nguồn lực tài chính, đáp ứng đủ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng sau đại học mang tính chất thường xuyên và kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng nhằm cập nhật, bổ sung kiến thức ở trong nước và nước ngoài cho đội ngũ trí thức.Đồng thời, có giải pháp cải cách chế độ đầu tư và quản lý tài chính đối với các đề tài khoa học.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Quân cho rằng, đội ngũ trí thức có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, nhưng 15 năm kể từ khi ban hành Nghị quyết 27, vẫn chưa có chính sách cụ thể đối với trí thức được đi vào thực tiễn cuộc sống.
Tiến sỹ Nguyễn Quân đề nghị, Nhà nước cần có các chính sách cụ thể về đãi ngộ, trọng dụng đội ngũ trí thức; đồng thời, cần tin tưởng, lắng nghe, tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho trí thức; có chế độ thu nhập thỏa đáng để trí thức yên tâm làm việc, cống hiến trí tuệ.
Cũng theo Tiến sỹ Nguyễn Quân, hiện các địa phương, bộ ngành đã có một số chính sách "trải thảm đỏ", mời trí thức về làm việc. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chưa sẵn sàng giao việc. Do đó, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương cần tin tưởng, lắng nghe, giao việc cho trí thức; có chế độ thu nhập thỏa đáng để trí thức yên tâm làm việc, cống hiến trí tuệ của mình xây dựng đất nước.
“Nếu các trí thức, nhà khoa học không được tự chủ, không được tự quyết làm việc gì, sử dụng kinh phí ngân sách như thế nào, tuyển dụng, hợp tác ra sao thì các chính sách trọng dụng nhân tài, trí thức sẽ không phát huy được hiệu quả”, Tiến sỹ Nguyễn Quân nhận định. Vì vậy, Tiến sỹ Nguyễn Quân đề nghị, thời gian tới, Đảng và Nhà nước ta cần phải đổi mới chính sách đối với đội ngũ trí thức là cán bộ khoa học, cán bộ quản lý từ tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng đến chính sách trọng dụng, đãi ngộ, khen thưởng và tôn vinh. Nhà nước cần tạo cơ chế để có sự tham gia ý kiến tư vấn, phản biện và thẩm định của trí thức khoa học trong những chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các dự án luật, văn bản dưới luật của Chính phủ và các bộ, ngành.
Ngoài ra, Nhà nước cần đổi mới cơ chế quản lý khoa học cũng như tháo gỡ rào cản để phát huy nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, khơi thông nguồn đề tài; đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu; từ đó, tạo động lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học tại các trường đại học, các viện nghiên cứu trên cả nước./.Diệu Thúy