Chương trình phát huy vai trò các tổ chức tôn giáo trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được thực hiên trong giai đoạn 2016 - 2022.
TTXVN - Lễ ký kết chương trình phối hợp về phát huy vai trò các tổ chức tôn giáo trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2026 diễn ra chiều 22/5. Sự kiện do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, đại diện các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tổ chức.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nguyễn Văn Trí cho biết, chương trình ký kết này nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hành động của các tổ chức tôn giáo. Từ đó, cổ vũ, động viên tín đồ, đồng bào có đạo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động, góp phần xây dựng môi trường ngày càng xanh - sạch - an toàn; thực hiện có kết quả chủ đề của Tỉnh ủy phát động về “Chỉnh trang đô thị, giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp” trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Chương trình góp phần nâng cao vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức tôn giáo với cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên - môi trường các cấp trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời phát hiện, phản ánh điểm đen môi trường, tố giác hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Theo chương trình ký kết, Bình Thuận phấn đấu đến hết năm 2026, chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được tiếp cận thông tin về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; tích cực hưởng ứng, tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phát động.
Để đạt được mục tiêu này, các đơn vị phối hợp đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… qua đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, hình thành thói quen bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong cuộc sống hàng ngày của các tổ chức tôn giáo và tín đồ, đồng bào có đạo, nhân dân.
Cùng với việc khuyến khích tổ chức tôn giáo, đồng bào có đạo tăng cường sử dụng, khai thác nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các đơn vị phối hợp nhân rộng mô hình hiệu quả, điển hình về bảo vệ môi trường tại cơ sở tôn giáo, mô hình cộng đồng tôn giáo với nhiều giải pháp cụ thể như: Chuyển hóa điểm ô nhiễm do rác thải thành các công trình xanh - sạch - đẹp; giảm thiểu và phân loại rác thải tại nguồn; hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần, trồng cây xanh, hạn chế ô nhiễm tiếng ồn; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn trong nông nghiệp…
Hiện nay, vệ sinh môi trường ở một số khu dân cư chưa bảo đảm, nhất là tại một số địa bàn nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng hộ dân thải nước ra đường giao thông nông thôn, vứt thải rác sinh hoạt, thả rong thú chăn nuôi trong khu dân cư... còn diễn ra. Bên cạnh đó, Bình Thuận được xem là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng do biến đổi khí hậu toàn cầu. Thời tiết thay đổi bất thường; các hiện tượng dông, lốc xoáy thường xuyên xuất hiện với cường độ ngày càng mạnh; nước biển xâm thực gây sạt lở nghiêm trọng hơn ở vùng biển làm hư hỏng, cuốn trôi nhiều nhà dân, công trình…
Được biết, Bình Thuận hiện có 8 tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận. Trong giai đoạn 2016 - 2022, thực hiện chương trình ký kết về phát huy vai trò các tổ chức tôn giáo trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ở Bình Thuận đã đạt một số kết quả thiết thực. Chương trình đã huy động được mọi nguồn lực trong hệ thống chính trị tham gia bảo vệ môi trường như: tổ chức thu gom rác tập trung; sửa chữa, nâng cấp và làm mới tuyến đường bê tông hóa giao thông nông thôn. Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai cho hộ gia đình vay vốn xây dựng công trình vệ sinh…/.
- Từ khóa:
- Bình Thuận
- bảo vệ môi trường