Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023 được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Từ thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học”.
TTXVN - Là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học cao, Việt Nam được xếp thứ 16 trong số các quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất toàn cầu với các nguồn gen quý, hiếm. Tuy nhiên, thực tế Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái nhanh về đa dạng sinh học cùng với những thách thức to lớn khác như ô nhiễm môi trường, suy thoái đất đai, rác thải nhựa đại dương và những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu.
Nhằm kêu gọi Chính phủ các nước nhanh chóng biến các cam kết thành hành động để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023 được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Từ thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học”.
*Tăng cường bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học
Đến năm 2020, cả nước có 178 khu bảo tồn (vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài-sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan) với diện tích 2,66 triệu ha. Số lượng các loài mới được phát hiện không ngừng tăng nhanh; bảo tồn được 14.000 nguồn gen cây trồng, vật nuôi…
Bắc Kạn là địa phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nơi có Vườn Quốc gia Ba Bể và các khu bảo tồn có các loài sinh vật quý, hiếm sinh sống, tỷ lệ diện tích che phủ rừng lớn nhất cả nước gần 74%. Bên cạnh những lợi thế trên, tỉnh Bắc Kạn cũng gặp một số khó khăn, tồn tại, hạn chế về cơ chế, chính sách, quy định có liên quan còn bất cập trong công tác quản lý bảo tồn đa dạng sinh học; trách nhiệm liên quan đến quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn loài, bảo tồn tài nguyên di truyền, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích.
Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình) là một trong những vùng đất ngập nước lớn nhất Đồng bằng Bắc Bộ; là Khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, Khu Bảo tồn này có hơn 700 loài thực vật bậc cao và loài thực vật thủy sinh; trong đó có 8 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Hệ động vật nơi đây có 39 loài, 19 họ, 8 bộ thú; trong đó có 12 loài động vật quý hiếm. Khu vực này đạt hai kỷ lục về thiên nhiên của Việt Nam là "Khu Bảo tồn có đàn voọc lớn nhất Việt Nam" và "Khu vực có bức tranh tự nhiên lớn nhất Việt Nam - bức tranh núi mèo cào". Để bảo tồn thiên nhiên và giá trị đa dạng sinh học ở nơi đây, các cấp, ngành, người dân sống ở khu vực xung quanh Khu Bảo tồn đã tích cực bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường sống của các loài động, thực vật, giữ lại những nét hoang sơ vốn có của Vân Long.
UBND huyện Gia Viễn đã triển khai nhiều giải pháp phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường ở Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. Trong đó, huyện tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch xanh, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân và du khách về xử lý rác thải, nước thải, giữ gìn cảnh quan, xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp theo Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch; gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong cải thiện môi trường du lịch; xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục văn hóa ứng xử của cộng đồng dân cư đối với du khách và bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch.
Để công tác quản lý, khai thác Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long ngày càng có hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế với mục tiêu vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn hệ sinh thái độc đáo, hấp dẫn, UBND tỉnh Ninh Bình giao cho các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Đề án chuyển đổi mô hình quản lý, phát triển du lịch tại Khu Bảo tồn. Với những nỗ lực của các cấp, ngành và người dân trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long đã ngày càng thu hút nhiều du khách đến thăm quan, thưởng thức cảnh đẹp.
Voọc gáy trắng có tên khoa học là Trachypithecus Hatinhensis thuộc bộ Linh trưởng, nhóm IB, cực kỳ quý hiếm, nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ thế giới. Tại địa bàn huyện Tuyên Hóa, những cá thể voọc gáy trắng được phát hiện đầu tiên vào năm 2012, khi đó đàn voọc chỉ có 10 cá thể sinh sống trên lèn đá Thiết Sơn. Khu vực rừng đặc dụng bảo tồn loài voọc thuộc các xã Thạch Hóa, Đồng Hóa, Thuận Hóa và Sơn Hóa (huyện Tuyên Hóa) với diện tích khoảng 510 ha nên không đủ điều kiện thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn. Do đó, đàn voọc khó được bảo vệ toàn diện.
Nhằm nỗ lực bảo tồn loại voọc gáy trắng, mô hình phối hợp quản lý bảo tồn khu vực quy hoạch rừng đặc dụng tại huyện Tuyên Hóa giữa Tổ Bảo tồn thiên nhiên với Hạt Kiểm lâm và chính quyền địa phương 4 xã Thạch Hóa, Đồng Hóa, Sơn Hóa và Thuận Hóa được hình thành trên cơ sở tự nguyện giữa các bên liên quan.
Tháng 12/2018, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định quy hoạch 509.42 ha rừng đặc dụng để bảo vệ loài voọc gáy trắng. Dự thảo Đề án Bảo tồn voọc gáy trắng tại khu vực quy hoạch rừng đặc dụng được xây dựng và hoàn thiện; tính chính danh trong quản lý, bảo tồn voọc gáy trắng của Tổ Bảo tồn thiên nhiên được công nhận. Tính đa dạng sinh học, môi trường sinh thái trong khu vực quy hoạch rừng đặc dụng ngày càng được bảo vệ, phát triển tốt. Theo các chuyên gia và đơn vị chức năng có liên quan, tại Quảng Bình, hiện đã có trên 150 cá thể vọoc gáy trắng đang sinh sống trên các dãy đá vôi thuộc địa bàn huyện Tuyên Hóa.
*Hành động quốc gia
Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh hơn. Có tới 21% các loài thú, 6,5% các loài chim,19% các loài bò sát, 24% các loài lưỡng cư, 38% các loài cá và 2,5% các loài thực vật có mạch đang bị đe dọa. Trong gần 20 năm trở lại đây, các khu vực có rừng là sinh cảnh bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 10.544 km2 diện tích đất rừng đã bị mất, chủ yếu do chuyển đổi thành đất rừng trồng và đất trồng cây ăn quả. Khoảng 2,8 triệu ha rừng tự nhiên cũng đã bị mất do chuyển đổi sang phát triển các loài cây trồng thương mại khác…
Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học cuối năm 2022, Việt Nam cùng hơn 190 quốc gia thành viên đã thông qua Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF), nhằm định hướng công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên toàn cầu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại cuộc họp Hội đồng Thẩm định Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, nếu bảo tồn chỉ đơn giản là khoanh lại và giữ nguyên thì không phát triển được kinh tế, ngược lại chỉ tập trung phát triển kinh tế thì sẽ không thể bảo tồn hiệu quả. Do vậy, Quy hoạch phải hài hòa hai mục tiêu này, trong đó bảo tồn phải thay đổi trước một bước, "đánh thức" giá trị cảnh quan, tài nguyên đa dạng sinh học để quản lý, khai thác, sử dụng triệt để, bền vững bằng các dịch vụ sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản 3290/BTNMT-TTTT ngày 11/5/2023 về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cơ quan, đơn vị tăng cường truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học và vai trò của đa dạng sinh học trong phát triển bền vững; thay đổi hành vi và thúc đẩy lối sống hài hòa với thiên nhiên; không săn bắt và sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã quý hiếm; chia sẻ công bằng, hợp ký các lợi ích thu được từ thiên nhiên: xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị tiếp tục tăng cường các hoạt động để bảo tồn các loài chim hoang dã di cư tại Việt Nam thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ đồng thời đẩy mạnh thực hiện các chương trình, kế hoạch phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển và các cùng đất ngập nước quan trọng khác nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu về Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái tự nhiên của Liên hợp quốc.
Trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2050 đưa ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030 gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên đất liền phấn đấu đạt 9% diện tích lãnh thổ đất liền; diện tích các vùng biển, ven biển được bảo tồn đạt từ 3 - 5% diện tích vùng biển tự nhiên của quốc gia; 70% khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên được đánh giá hiệu quả quản lý; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định từ 42% - 43%; phục hồi được ít nhất 20% diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái.
Bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; không có thêm loài hoang dã bị tuyệt chủng; tình trạng quần thể của ít nhất 10 loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được cải thiện; các nguồn gen hoang dã và giống cây trồng, vật nuôi được lưu giữ, bảo tồn đạt mục tiêu thu thập, lưu giữ tối thiểu 100.000 nguồn gen; hạn chế các tác động tiêu cực tới đa dạng sinh học.
Tầm nhìn đến năm 2050, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gen quý, hiếm được phục hồi, bảo tồn thực sự hiệu quả; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá đầy đủ, sử dụng bền vững, mang lại lợi ích thiết yếu cho mọi người dân, góp phần bảo đảm an ninh sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đất nước.
Chiến lược đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học; bảo tồn và phục hồi các loài hoang dã nguy cấp, đặc biệt là các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; tăng cường công tác bảo tồn nguồn gen, quản lý tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích, bảo vệ tri thức truyền thống về nguồn gen; đánh giá, phát huy lợi ích của đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học.
Chiến lược thực hiện mở rộng, nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học; củng cố, mở rộng các khu vực tự nhiên có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế; phục hồi hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị suy thoái; mở rộng, củng cố mạng lưới quỹ gen…/.