Phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP: * Bài 1: Tăng sức hấp dẫn cho điểm đến
OCOP đang góp phần “giải bài toán” sản phẩm du lịch ở các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập người dân.
TTXVN - Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm phát triển kinh tế vùng nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị cho các sản phẩm thế mạnh. Từ chương trình này, nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực đã được nâng tầm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Khai thác tiềm năng, tạo sự gắn kết, hình thành các hoạt động du lịch, giới thiệu đến du khách nét văn hóa được chuyển tải trong từng sản phẩm OCOP đang góp phần “giải bài toán” sản phẩm du lịch ở các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân. Phóng viên TTXVN phản ánh nội dung này trong hai bài viết chủ đề: Phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Bài 1: Tăng sức hấp dẫn cho điểm đến
Phát triển du lịch theo hướng đa dạng sản phẩm nhưng không trùng lặp giữa các điểm đến là giải pháp quan trọng nhằm phát triển du lịch hiệu quả ở từng địa phương cũng như toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ các sản phẩm OCOP đã được gắn sao, các địa phương bước đầu thực hiện hiệu quả phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP, kết hợp phát triển được cùng lúc nhiều loại hình du lịch như du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch mua sắm, góp phần thu hút du khách.
* Tích hợp “đa giá trị”
Theo báo cáo của Văn Phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, chương trình OCOP được triển khai rộng khắp tại 63/63 tỉnh, thành phố với 6 nhóm sản phẩm chính gồm: thực phẩm, đồ uống, vải và may mặc, đồ lưu niệm - trang trí - nội thất, thảo dược và dịch vụ - du lịch cộng đồng - điểm du lịch. Hiện nay, cả nước có khoảng trên 8.800 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm này không chỉ góp phần nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân mà còn tạo sự phong phú cho hoạt động du lịch tại địa phương, thu hút nhiều du khách.
Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Ngô Trường Sơn nhận định, nhiều sản phẩm OCOP đã tạo được lợi thế so sánh, phát huy giá trị văn hóa vùng, miền để tích hợp “đa giá trị” trong từng sản phẩm, tạo sự gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long - vùng sản xuất trái cây, lúa, thủy sản lớn của cả nước, nơi có nhiều làng nghề truyền thống gắn với tập quán sản xuất, đời sống của người dân sông nước miệt vườn, rất nhiều sản phẩm OCOP đã được công nhận, cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Các sản phẩm này cũng chính là nguồn tài nguyên hình thành nhiều sản phẩm du lịch, dịch vụ mang tính đặc thù, khác biệt.
Đề cập về thế mạnh phát triển du lịch gắn với các đặc sản, sản phẩm OCOP của vùng đất được hợp thành bởi ba dãy cù lao: cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười cho biết, tỉnh có nhiều tiềm năng và thế mạnh phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với sản phẩm OCOP.
Gần 160 sản phẩm đã được gắn sao OCOP ở Bến Tre đang góp phần phát triển nội lực và gia tăng giá trị cho kinh tế khu vực nông thôn. Các hoạt động như tham quan cơ sở sản xuất, trải nghiệm cách thu hái, sơ chế nguyên liệu cho đến quy trình sản xuất, chế biến và thưởng thức sản phẩm OCOP gắn với cây dừa đang tạo nên nét hấp dẫn riêng cho du lịch của địa phương thuộc tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long.
Tiến sĩ Phan Thị Ngàn (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) cho biết thêm, trong khuôn khổ đề án xây dựng mô hình “Nông dân Bến Tre làm du lịch”, xuất phát từ những sản phẩm OCOP đặc trưng của xứ Dừa, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã tổ chức tour du lịch kết nối, tham quan một số cơ sở sản suất các đặc sản nổi tiếng của Bến Tre như làm kẹo dừa, bánh phồng. Tham gia hành trình, du khách có thể cùng người thợ ở cơ sở sản xuất tự tay thực hiện một số công đoạn trong chế biến. Qua đó, họ hiểu hơn về phong tục tập quán, nét văn hóa thể hiện qua từng sản phẩm.
Với tỉnh cực Nam đất nước là Cà Mau, nguồn tài nguyên từ rừng, biển, hệ sinh thái ngập mặn, ngập ngọt đã mang lại cho người dân nơi đây nhiều sản vật độc đáo, trong đó nhiều sản phẩm được thu hoạch, chế biến đã tạo lập được “chỗ đứng” trên thị trường, được gắn sao OCOP, không chỉ giúp phát triển kinh tế nông thôn mà còn góp phần phát triển du lịch ở địa phương. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng cho hay, du khách đến Cà Mau, tham quan các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng không thể thiếu hoạt động trải nghiệm như đi thu hoạch các sản phẩm từ rừng tràm, rừng đước mà người dân địa phương có cách nói hết sức độc đáo là “ăn ong” (thu hoạch mật ong)”, “đặt lọp” (đặt dụng cụ bắt thủy sản), “soi” ba khía (bắt con ba khía). Nhiều sản phẩm từ các hoạt động sản xuất mang đậm nét văn hóa của người dân vùng đất cực Nam phóng khoáng, sáng tạo đã được công nhận là sản phẩm OCOP, đưa vào giới thiệu, phục vụ du khách. Du khách đến Cà Mau luôn tỏ ra thích thú khi được tham gia thu hoạch, chế biến và thưởng thức các sản phẩm OCOP như các đặc sản mật ong rừng tràm, ba khía muối, cua sinh thái, bánh phồng tôm, khô cá bổi, cá kèo....
* Sản phẩm OCOP - điểm đến du lịch
Một trong những điểm đặc biệt của Chương trình OCOP là các điểm đến dịch vụ - du lịch cộng đồng chính là một trong sáu nhóm sản phẩm được gắn sao OCOP, góp phần định vị hình ảnh, tạo điểm nhấn cho du lịch từng địa phương.
Thông tin từ Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, cả nước hiện có trên 60 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Nhiều vùng, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long đã phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, sản xuất nông nghiệp, văn hóa, làng nghề để hình thành các điểm du lịch đặc sắc, được công nhận là sản phẩm OCOP.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, nhóm sản phẩm điểm đến dịch vụ, du lịch là một trong các sản phẩm OCOP mà tỉnh đang tập trung phát triển, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời phát triển kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho người dân.
Hiện nay, Sóc Trăng có hai chủ thể gắn với Chương trình OCOP cơ bản được hoàn thành và đưa vào phục vụ khách du lịch là Làng Văn hóa du lịch chợ nổi Ngã Năm (thị xã Ngã Năm) với những hoạt động như tham quan chợ nổi, di tích chiến thắng chi khu Ngã Năm - nơi từng diễn ra những cuộc chiến đấu quả cảm của quân và dân vùng đất Thạnh Trị - Ngã Năm trong những năm kháng chiến, đến tham quan, mua sắm tại mô hình sản xuất nông nghiệp và cửa hàng thực phẩm an toàn ở thị xã Ngã Năm…
Điểm đến Khu du lịch cộng đồng Farmstay Sân Tiên (huyện Cù Lao Dung) lại hấp dẫn du khách bởi những hoạt động trải nghiệm đạp xe ra bìa rừng, đi bộ xuyên rừng, bắt ốc len, vọp, câu cá, uống dừa nước mật ong, thưởng thức đặc sản vọp nướng. Thời điểm nước ròng (thủy triều xuống), du khách sẽ thú vị hơn khi được trải nghiệm đi bộ trên bãi biển nhìn ra biển Đông hoặc chơi bóng chuyền, bắt nghêu...
Cà Mau có định hướng nâng tầm cho điểm đến trên cơ sở phát triển du lịch cộng đồng tại xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), phát triển điểm đến du lịch cũng là sản phẩm OCOP. Tỉnh đang xây dựng Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi - sản phẩm OCOP. Làng Văn hóa Du lịch này được định hướng phát triển trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu, được xếp hạng 4 đến 5 sao trong thời gian tới. Đây sẽ là nơi tập trung nhiều hộ gia đình làm du lịch sinh thái, cũng là nơi diễn ra chân thực, sinh động đời sống của người dân với những hoạt động sản xuất, khai thác sản vật và bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, các nét văn hóa ẩm thực, phong tục, tập quán...
Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi, ông Lâm Quốc Trạch cho biết, với sự phối hợp của các đơn vị chức năng, xã sẽ triển khai nhiều giải pháp liên quan đến quy hoạch, khai thác, phát triển mạnh một số ngành nghề nông thôn tiêu biểu gắn với phát triển du lịch sinh thái mang nét riêng của cư dân vùng Đất Mũi. Người dân sẽ tổ chức các sinh hoạt văn hóa sinh động và chân thực. Xã từng bước hoàn thiện các chuỗi làm nghề truyền thống, hình thành các làng nghề phục vụ du lịch như làng nghề làm cá khô, làng nghề làm tôm khô, làm mắm, để du khách đến tham quan được chứng kiến, hòa mình vào những hoạt động lao động sản xuất một cách chân thực, sinh động nhất./.
Bài 2: Tạo không gian phát triển mới