Văn hóa

Tôn vinh, giữ gìn bản sắc văn hóa 54 dân tộc

Từ năm 2008, các dân tộc Việt Nam đã có chung một ngày hội để tôn vinh và giữ gìn bản sắc văn hóa. Đó là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

TTXVN - Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17/11/2008, lấy ngày 19/4 hàng năm là “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” nhằm tôn vinh và giữ gìn bản sắc văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam. Qua đó, góp phần tích cực trong giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của các dân tộc

“Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2023 được tổ chức từ ngày 14 - 19/4 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). 

Để hưởng ứng “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm nay, Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu chùm ảnh nhằm tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hóa của các dân tộc Việt

Tục gội đầu của người Thái ở Mường So (Phong Thổ, Lai Châu) diễn ra chiều 30 Tết với ý nghĩa rửa trôi những vận hạn của năm cũ, sang năm mới gặp nhiều may mắn. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)
Đánh cồng chiêng, múa hát mừng ngày Làng văn hóa du lịch Pleiốp, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Sỹ Huynh/TTXVN)
Trình diễn múa tái hiện sinh hoạt văn hóa cộng đồng người Chăm Bình Định. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Trong lễ hội Oóc-om-bóc, ngoài nghi lễ thả đèn, cúng trăng... thì đua ghe Ngo luôn được đồng bào Khmer háo hức chờ đợi nhất. Hoạt động gắn liền với sự hình thành và phát triển của dân tộc Khmer, phản ánh ước nguyện về một cuộc sống an lành thịnh vượng, tinh thần đoàn kết, biểu dương sức mạnh. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)
Đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn ở Ninh Thuận bày lễ vật dâng các vị thần trong Lễ hội Katê năm 2022. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Lễ tế thần sông nước của người Thái ở Mường Lay mang đậm bản sắc văn hóa "Người Thái ăn theo nước". (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)
Nhằm bảo tổn, phát triển Di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và văn hóa phi vật thể của nhân loại, tỉnh Đắk Lắk tổ chức lớp truyền dạy cho con em đồng bào dân tộc từ 7-16 tuổi. Trong ảnh: Đội nghệ nhân cồng chiêng buôn Ea Bông, xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột biểu diễn trong không gian văn hóa nhà Dài của người Ê đê (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)
Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn ở Bình Thuận với ý nghĩa tưởng nhớ các vị thần và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, lứa đôi hòa hợp, vạn vật sinh sôi nảy nở. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)
Người dân thực hiện nghi thức Xuống đồng trong ngày Khai mạc lễ hội Khai hạ của dân tộc Mường, tỉnh Hòa Bình năm 2023. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Trai bản trên, gái bản dưới kéo nhau ra suối thực hiện phong tục té nước trong Lễ hội Bun Vốc Nặm lần thứ 4 của dân tộc Lào ở Lai Châu. Với quan niệm ướt càng nhiều, may mắn sẽ đến càng nhiều nên ai cũng muốn mình ướt càng nhiều càng tốt. (Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN)
Tái hiện ghi lễ Kéo co của dân tộc Tày xã Bảo Nhai (Bắc Hà, Lào Cai). Nghi lễ và trò chơi Kéo co của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Hội đua bò Bảy Núi của đồng bào Khmer tỉnh An Giang là một trong những hoạt động văn hóa nổi bật ở Tây Nam Bộ. Lễ hội mang đến những giây phút náo nhiệt, hứng khởi cho hàng nghìn người tham dự, là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Khmer. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Thiếu nữ dân tộc Thái múa điệu truyền thống tại Lễ hội Hết chả (Mộc Châu, Sơn La). Lễ hội là dịp để người dân tạ ơn trời đất, tạ ơn đấng sinh thành, dưỡng dục, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. (Ảnh Nguyễn Cường/TTXVN)
Lễ Sene Dolta còn gọi là Lễ Xá tội vong nhân, là ngày lễ của người Khmer tổ chức để cúng ông bà, tổ tiên. Lễ diễn ra trong 3 ngày, từ 29/8-1/9 âm lịch hàng năm. Trong ảnh: Nghi lễ cầu an tại chùa Khmer Pitu Khôsa Răngsây, phường An Cư, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Duy Khương/ TTXVN)
Mỹ Bình (tổng hợp)

Xem thêm